Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người Nhật làm cách nào để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp?

00:54 20/01/2019 GMT+7
Tại Hội thảo nông nghiệp với chủ đề Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức chiều 18/1, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của ngành nông nghiệp Nhật Bản trong việc nâng cao năng

Tại Hội thảo nông nghiệp với chủ đề Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức chiều 18/1, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của ngành nông nghiệp Nhật Bản trong việc nâng cao năng suất, giá trị gia tăng. 

Hội thảo được tổ chức nhân sự kiện Festival Nhật Bản – Việt Nam lần thứ 6 tại TPHCM, diễn ra từ ngày 18 đến 20/1 nhằm giới thiệu các chính sách nông nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh đó là các hoạt động nhằm khuyến khích thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Ông Kimura Yoshihisa, Cố vấn về nông nghiệp tổng hợp và phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nhật Bản cho hay, việc duy trì năng suất thấp sẽ dẫn tới giá trị gia tăng thấp, kéo theo đó là mức lợi nhuận ít và không thể đầu tư vào trang thiết bị, máy móc. Điều này sẽ dẫn tới hệ quả là đất nông nghiệp bị tàn phá, bỏ hoang, khiến cho côn trùng gây bệnh phát sinh, ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực. Do đó, việc nâng cao năng suất nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng.

Thực phẩm Nhật Bản luôn nằm trong top đầu thế giới về độ an toàn và chất lượng. Ảnh: N.Hiền

Ông Kimura cho hay, kinh nghiệm tăng năng suất của Nhật Bản chính là bố trí lại đất nông nghiệp, cụ thể là dồn điền đổi thửa để thay thế các thửa ruộng nhỏ bằng những thửa ruộng rộng lớn hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất cũng như việc di chuyển từ vùng canh tác ra đường giao thông nông thôn phục vụ cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống tưới tiêu cũng sẽ hiệu quả hơn.

Việc bố trí lại đất nông nghiệp của Nhật Bản đã mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn. Ông Kimura cho hay, kết quả điều tra tại gần 500 khu vực đã hoàn thành sắp xếp, dồn điền đổi thửa giai đoạn từ năm tài khoá 2003 đến năm tài khoá 2005 cho thấy, thời gian lao động đã được rút ngắn tới 50%, quy mô kinh doanh của các hộ nông dân cũng tăng 2,1 lần và chi phí sản xuất lúa gạo giảm xuống chỉ còn 2/3.

Để hỗ trợ cho việc mở rộng quy mô đất nông nghiệp, tại Nhật Bản mỗi tỉnh đều có một văn phòng đại diện của Ngân hàng đất nông nghiệp. Đây là cơ quan hành chính có chức năng kết nối và tư vấn giữa bên nông dân sở hữu đất muốn cho thuê và bên cần cho thuê.

Ông Kimura cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các chứng nhận quốc tế trong việc nâng cao tính an toàn cho sản phẩm. Bởi nếu chỉ dựa vào giá rẻ thì lợi nhuận sẽ đi xuống. Trong khi việc nâng cao tính an toàn và chất lượng sẽ giúp tăng nâng lực cạnh tranh xuất khẩu.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện JICA Việt Nam chia sẻ, việc bệnh bò điên lần đầu tiên được phát hiện tại Nhật Bản vào tháng 9/2001 đã gây hoang mang về an toàn thực phẩm tại Nhật Bản, trở thành vấn đề lo ngại đối với toàn xã hội. Thời kỳ đó, cơ chế của Nhật là ưu tiên nhà sản xuất mà chưa coi trọng người tiêu dùng, việc kiểm định an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện… Do đó, trước sự kiện phát hiện bệnh bò điên, Chính phủ Nhật đã buộc phải đặt người tiêu dùng là trọng tâm trong quyết sách cải cách hành chính và Bộ nông lâm ngư nghiệp đã công bố “Kế hoạch phục hồi thực phẩm và nông nghiệp” ngay sau đó.

Điểm mấu chốt về chính sách trong kế hoạch này là xây dựng hệ thống cung ứng thực phẩm với trọng tâm số 1 là người tiêu dùng, đảm bảo thực phẩm an toàn – an tâm,  thành lập Ủy ban an toàn thực phẩm có nhiệm vụ đánh giá nguy cơ, an toàn thực phẩm, hoàn thiện Luật cơ bản về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn, bảo vệ toàn diện người tiêu dùng.

Khi đó, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã bãi bỏ, tinh gọn bộ máy 7.000 người của Cục Thực phẩm, đổi mới thành lập “Cục Tiêu thụ và an toàn” để quản lý tiêu thụ thực phẩm và quản lý rủi ro, tăng cường hệ thống giám sát thực phẩm ở địa phương. Ngoài ra, xử lý ngay lập tức các trường hợp vi phạm pháp luật, tăng hình phạt, đồng thời, để xây dựng mối liên hệ chặt chẽ từ bàn ăn đến trang trại và từ trang trại đến bàn ăn, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã đưa vào áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho phép người tiêu dùng tra cứu được nguồn gốc xuất xứ thực phẩm.

“Xét ở góc độ kinh doanh, đây là 1 khó khăn đối với người sản xuất vì lợi nhuận, nhưng quan trọng hơn tất cả là cần đặt người tiêu dùng làm trung tâm, ưu tiên hàng đầu đảm bảo thực phẩm an toàn, an tâm cho người tiêu dùng” – ông Konaka nói.

Trước thực tế ngành nông nghiệp Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, Chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là JICA đã có nhiều hỗ trợ tích cực để Việt Nam phát triển một nền nông nghiệp sạch, bền vững và có giá trị gia tăng cao.

Trong thời gian tới, ông Tanaka Yasushi, Phó Chủ tịch JICA khẳng định, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ để phát huy tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam và phát triển bền vững nông nghiệp trên cơ sở hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các địa phương, cũng như sự phối hợp của các doanh nghiệp tư nhân của cả 2 nước Nhật Bản và Việt Nam.

Nguyễn Hiền