Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người Việt chi 55.000 tỷ đồng mỗi năm cho thuốc lá

12:46 29/09/2018 GMT+7

Mỗi năm, người Việt chi 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá và chi 24.000 tỷ đồng để điều trị bệnh do thuốc lá gây ra.

Đây là số liệu được ông Jun Nakagawa – Phó Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đưa ra tại hội nghị: Phòng chống tác hại của thuốc lá, do Bộ TT&TT tổ chức sáng ngày 25/9.

Theo ông Jun Nakagawa, nguyên nhân khiến lượng người mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc ngày càng tăng do thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam thấp hơn so với các nước trên thế giới. Hiện thuế trong giá bán lẻ (bao gồm cả VAT) của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 35,6%, trong khi đó trung bình các nước trên thế giới là 56%.

Sức mua tăng mạnh

Thống kê của WHO cho thấy tại Việt Nam thuốc lá gây ra trên 40.000 ca tử vong mỗi năm, dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên 70.000 ca nếu không có các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả.

Bà Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống Tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, đặc biệt có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ hút thuốc khi trẻ bước từ lứa tuổi thanh thiếu niên sang trưởng thành, trong đó, 45,3% nam giới trưởng thành hút thuốc.

“Giá thuốc lá vẫn chưa theo kịp lạm phát và không theo kịp mức tăng thu nhập của người dân. Đây là nguyên nhân làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả công tác phòng chống tác hại của thuốc lá”, bà Hải khẳng định.

Số liệu thống kê cho thấy chênh lệch giữa giá 1 bao thuốc so với thu nhập đầu người ngày càng cao. Năm 2017, giá 1 bao thuốc Vinataba khoảng 18.000 đồng, trong khi thu nhập bình quân mỗi người khoảng 130.000 đồng/ngày.

Theo các chuyên gia, hiện nay trên thị trường giá thuốc lá có biên độ dao động rất lớn, từ 5.000 đến 55.000 đồng/bao. Trong khi đó, những người nghèo thường sử dụng thuốc lá giá rẻ vì kinh tế hạn hẹp, đồng nghĩa với nguy cơ bệnh tật cao hơn do thường độc hại hơn. Cùng với đó, cơ hội khám chữa bệnh của họ cũng bị hạn chế hơn, nên nguy cơ tử vong cao.

Hình minh họa, nguồn: Internet

Không chỉ người nghèo, thuốc lá còn thu hút nhiều người trẻ mới 13 – 17 tuổi. Hiện lứa tuổi này đang chiếm tỷ lệ 2,25%. “Hậu quả là khi trưởng thành nhận ra được thì việc cai thuốc không phải dễ. Không những thế, hút càng sớm thì nguy cơ mắc bệnh càng cao”, đại diện WHO nói.

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, tăng thuế thuốc lá được coi là giải pháp hữu hiệu nhất, có lợi cả “đôi đường” về việc tăng nguồn thu cho ngân sách và giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp phòng chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả.

Tăng “kịch khung”

Tại Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá theo hai phương án.

Phương án 1: Áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/ bao thuốc lá 20 điếu và 10.000 đồng/điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ ngày 1/1/2020.

Phương án 2: Tăng thuế suất theo lộ trình, từ ngày 1/1/2020 tăng từ mức thuế suất 75% lên 80%; từ ngày 1/1/2021 tăng từ mức thuế suất 80% lên mức 85%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng này vẫn còn thấp và đề nghị mức thuế tuyệt đối cần tăng thêm 2.000 – 5.000 đồng/bao.

Theo tính toán, nếu áp dụng phương án 1 có thể làm tăng nguồn thu của ngân sách khoảng 3.949 tỷ đồng vào năm 2020. Nhưng tỷ lệ người hút thuốc chỉ giảm được 1,5%. “Mức này còn rất thấp so với mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới còn 39%, tương đương với mức giảm 6,3% vào năm 2020”, bà Hải cho hay.

Theo Bộ Y tế, lộ trình tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá ở Việt Nam còn chậm. Cụ thể, năm 2008 mức thuế là 65%, năm 2016 là 70% và năm 2019 dự kiến là 75%.

Vì vậy, cơ quan này đề xuất nên bổ sung thuế tuyệt đối từ năm 2020 là 2.000 đồng/bao, sẽ tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 6.300 tỷ đồng/năm; giúp tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 3% (cộng thêm 3% tỷ lệ giảm hút thuốc do các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá khác), giảm được 300.000 ca tử vong sớm do hút thuốc lá.

Tuy nhiên, để giảm tối đa tỷ lệ hút thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các tổ chức và nhiều chuyên gia đề xuất nên bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức “kịch khung”, là 5.000 đồng/bao.

Với mức tăng thuế như trên, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%. Tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm, có thể giảm được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc lá.

Theo các chuyên gia, xu hướng thu thuế thuốc lá trên thế giới cũng áp dụng hệ thống thuế theo tỷ lệ đang ngày càng giảm xuống và có xu hướng chuyển đổi sang hệ thống thuế tuyệt đối, hoặc thuế hỗn hợp ngày càng tăng.

“Tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7/10 quốc gia đang áp thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp. Chỉ còn lại ba quốc gia là Campuchia, Myanmar và Việt Nam đang áp dụng thuế theo tỷ lệ”, ông Jun Nakagawa cho hay.

Thanh Hoa