Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhà nông phát huy tinh thần vượt khó

20:58 09/06/2020 GMT+7
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra có diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn ở các thị trường quen thuộc như Trung Quốc, Mỹ, EU và ASEAN. Phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Công Toán –

Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra có diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn ở các thị trường quen thuộc như Trung Quốc, Mỹ, EU và ASEAN.

Ông Lê Công Toán – Chủ tịch Hội ND Quảng Bình.

Phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Công Toán – Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Bình để hiểu rõ hơn về vai trò của Hội ND trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh.

Thưa ông, dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân Quảng Bình?

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra từ đầu năm đến nay rất phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế trong nước. Tình hình này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Quảng Bình, nhất là mặt hàng hải sản. Trong thời điểm dịch, nhất là vào tháng 4, giá của nhiều loại hải sản ở tỉnh Quảng Bình đã giảm khoảng 10% so với trước đó, có loại giảm từ 40 – 45% như giá tôm hùm chỉ còn 480.000 – 550.000 đồng/kg, sức mua giảm mạnh. Theo nhận định, do tác động của dịch Covid-19, giá thủy hải sản năm nay sẽ thấp và khó tiêu thụ, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các hộ đánh bắt và nuôi trồng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thịt lợn có giá cao, nhưng giá các loại gia cầm giảm mạnh, giá vịt chỉ còn 30.000đồng/kg (giảm 50%), giá gà 60.000 đồng/kg (giảm khoảng 20%).

Bệnh cạnh ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Bình cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trên cây trồng xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, như: bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt trên cây ngô; bệnh héo rũ gốc, mốc đen, mốc trắng trên cây lạc, bệnh đạo ôn trên cây lúa,… Dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Dịch tả lợn châu Phi được khống chế nhưng đã để lại nhiều thiệt hại lớn, gây khó khăn trong công tác tái đàn.

Trước tình hình tiêu thụ khó khăn như hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã có những biện pháp nào để “giải cứu” nông sản cho nông dân, thưa ông?

Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cấp Hội ND trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sự tương trợ, hỗ trợ của cộng đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng do dịch Covid-19, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại. Ngoài các thị trường trao đổi hàng hóa truyền thống như chợ, siêu thị, các quầy hàng nông sản, cán bộ Hội cũng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp cận phương pháp bán hàng online, vừa góp phần tiêu thụ hàng hóa bị tồn đọng trong mùa dịch, lại hạn chế tiếp xúc góp phần phòng chống, dịch hiệu quả hơn. Nhiều cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng bằng cách quảng bá các sản phẩm, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua các trang mạng xã hội, nhờ đó đã góp phần tiêu thụ một phần lượng nông sản cho nông dân trong mùa dịch, giúp bà con giảm bớt thiệt hại và ổn định sản xuất.

Hội ND tỉnh Quảng Bình đến từng cơ sở để chia sẻ và động viên cùng nông dân lúc khó khăn do Covid-19.

Xin ông cho biết, Hội ND Quảng Bình triển khai những nội dung gì để hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian tới?

Các cấp Hội ND tỉnh Quảng Bình đã, đang và sẽ tập trung thông tin tuyên truyền để hội viên nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế địa phương. Hội tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp và có thị trường tiêu thụ; tuyên truyền nông dân lựa chọn cây trồng theo hướng phát triển các loại cây trồng thích hợp với biến đổi khí hậu.

Hội ND phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến,… giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát; đưa nhanh cơ giới hoá vào các khâu sản xuất; ưu tiên chính sách hỗ trợ kêu gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên một số cây trồng lợi thế.

Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện các chương trình cho vay vốn ưu đãi, nâng cao mức cho vay tạo điều kiện giúp hộ nghèo, hộ gia đình chính sách an tâm mở rộng sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp. Hội chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp ưu tiên xây dựng các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp với điều kiện địa phương để người nông dân tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Nhiều chuyên gia nhận định “trong nguy có cơ”, Covid – 19 cũng là bài học để nông dân nhìn nhận lại vấn đề “tránh phụ thuộc vào một thị trường”. Vậy theo ông, đâu là giải pháp để nông dân trụ vững trước sự đe dọa của đại dịch?

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chúng ta không thể cứ sản xuất rồi giải cứu mãi thế được mà cần phải có giải pháp để nông nghiệp phát triển bền vững.
Trước hết, cần phải chú trọng dự báo, cung cấp thông tin thị trường nông sản cho người sản xuất.

Nhiều người nông dân hiện tại sản xuất theo phong trào, đổ xô vào một loại nông sản được giá dẫn đến dư thừa, bị tư thương ép giá, bán rẻ như cho. Cần hình thành chuỗi sản xuất bền vững, mở rộng thị trường ra nhiều nước, giải pháp này cần có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân. Thị trường xuất khẩu nông sản hiện nay vẫn tập trung nhiều vào Trung Quốc, đây là thị trường lớn, tuy nhiên, nếu để tỷ trọng xuất khẩu nông sản quá lớn vào một quốc gia thì khi có biến động về kinh tế, chính trị, xã hội dễ gặp rủi ro.

Ngoài ra chúng ta cũng nên coi trọng thị trường nội địa, khi khủng hoảng mới thấy tầm quan trọng của thị trường này. Đầu tư cho khâu chế biến, bảo quản nông sản cũng là việc làm rất cần thiết để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm tổn thất khi thu hoạch; xây dựng kho lưu trữ, dây chuyền đóng gói để đảm bảo chất lượng, giữ nông sản được tươi lâu, cũng như tạo đầu ra thuận lợi cho các sản phẩm nông sản.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Trung (thực hiện)