Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhà vườn trồng rau sạch ở TP.HCM khó từ đầu vào đến đầu ra

07:29 01/08/2022 GMT+7
Hơn một năm qua, nhiều hợp tác xã, nhà vườn trồng rau sạch ở TP.HCM làm ăn thua lỗ, phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí bỏ vườn. Nguyên nhân do giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi nhiều đơn vị thu mua ép giá, cắt giảm hợp đồng…

Vườn rau 5 Lợi ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh từng có quy mô gần 6.000m2 nhưng đến nay đã bỏ hoang gần hết, chỉ còn giữ lại vài chục m2 cầm chừng, toàn bộ gần 30 công nhân sơ chế đã nghỉ việc. Trước kia, mỗi tháng vườn rau 5 Lợi sản xuất 5 tấn rau thì đến nay đã cắt giảm gần hết, chỉ còn chưa đầy 900 kg/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhà vườn lỗ gần 150 triệu đồng. 

Ông Lê Văn Lợi, chủ vườn rau 5 Lợi cho biết: "Vừa qua nông dân sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là phân bón, thuốc trừ sâu lên, hạt giống cũng tăng giá cao. Đầu ra của hợp tác xã thì không có, thương lái ngoài họ ép giá không thể nào làm nổi, rất khó khăn cho nông dân. Nói chung là sản xuất của mình hầu như bị đứng hết".

nha vuon trong rau sach o tp.hcm kho tu dau vao den dau ra hinh anh 1

Những ngày làm việc cuối cùng của nông dân tại Công ty Nông Trại Xanh (Ảnh: NDCC)

Hai năm trước, Hợp tác xã Phước An, huyện Bình Chánh, có tổng cộng hơn 30 ha rau an toàn với 27 chủng loại rau ăn lá, ăn trái… đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, các thành viên của HTX đã trồng được 7 vụ rau, với năng suất đạt trên 21-24 tấn/ha/năm.

Tuy nhiên đến nay, đơn vị đã có 28 nhà vườn từ bỏ mô hình và hơn 34 nhà vườn còn lại đều giảm sản lượng, diện tích trồng trọt. Hiện tại, quy mô sản xuất của HTX duy trì chỉ còn 30% so với năm 2020.

Ông Trần Văn Thích, Giám đốc HTX Phước An cho hay, đơn vị đã lỗ hàng trăm triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.

"Nếu bây giờ sản xuất ra thì các nhà phân phối không lấy hàng của mình mà chỉ lấy hàng ngoài đưa vào. Nhiều khi họ chỉ mua của chúng tôi lấy hình thức rồi mua rau chợ bỏ vào cho công ty, trường học. Có một số khách hàng ký hợp đồng nhưng chủ yếu là nhỏ giọt, họ mượn thương hiệu là chính" - ông Thích bày tỏ.

Công ty Nông Trại Xanh trước đây có quy mô 7 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chuyên cung cấp rau sạch cho các siêu thị, cửa hàng lớn. Đến nay, anh Mai Xuân Chiến, Giám đốc Công ty Nông Trại Xanh phải từ bỏ nhà vườn sau 10 năm làm nông nghiệp sạch.

nha vuon trong rau sach o tp.hcm kho tu dau vao den dau ra hinh anh 2

Trồng rau sạch khó từ đầu vào đến đầu ra. (Ảnh: NDCC)

Theo anh Chiến: "Thật ra tôi không có đối tác tốt. Với ý kiến chủ quan cá nhân, các hệ thống siêu thị kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm họ chỉ làm đối phó với cơ quan chức năng, chứ họ luôn tạo kẽ hở cho rau chất lượng thấp vào siêu thị. Họ ép giá khủng khiếp, thậm chí nhiều khi mua giá rau bằng ngoài chợ đầu mối".

Trong hơn một năm qua, các loại hạt giống nội địa như: Rau dền, rau muống, mùng tơi,… tăng từ 80-100%, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc xịt cỏ tăng gấp đôi, phân bón tăng từ 120-150% (phân như u rê tăng từ 350.000 lên 900.000 đồng/một bao loại 50kg, phân NPK tăng từ 450.000 đồng/bao lên 1 triệu đồng/bao,…).

Các nguyên vật liệu đầu vào phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Thị trường nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu từ các nước đang bị gián đoạn thương mại là Nga, Ukraine và Trung Quốc. Hạt giống nhiều loại cây trồng như cải bắp, cải thìa, cải xanh, su hào, cà rốt nhập khẩu từ Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand không còn ổn định như trước...

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ rau sạch vẫn chưa khắc phục được tình trạng giá rau thường và giá rau sạch gần như không chênh nhau. Vì vậy, nhà vườn trồng rau sạch khó khăn chồng chất, tìm hướng đi khác.

Theo VOV

Giá lúa giảm ở nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long
Một số loại lúa giá có sự giảm nhẹ như OM 5451 là 6.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; còn ST 24 giảm 100 đồng/kg ở mức 8.500 đồng/kg; riêng Đài Thơm 8 là 7.200 đồng/kg, vẫn được giữ ổn định.