Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những điều cần biết về tiêm vắc xin phòng COVID-19

16:17 25/06/2021 GMT+7

Ai nên và không nên tiêm vắc xin phòng COVID-19? Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 là gì? Người mắc bệnh nền có được tiêm vắc xin phòng COVID-19 không? Vắc xin phòng COVID-19 có gây đông máu không?

Có cần xét nghiệm đông máu, xét nghiệm dị ứng trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 không? Ngoài vắc xin phòng COVID-19 cần phải tiêm vắc xin nào cho trẻ em và người lớn? Mùa dịch trễ lịch tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm có nguy hiểm không?…

Những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong chương trình Tư vấn trực tuyến “Giải đáp thắc mắc về tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các loại vắc xin quan trọng trong mùa dịch” với sự tham gia của PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam; GS.TS Nguyễn Trần Hiển – Nguyên Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam; Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM; BS Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC và bà Vũ Thị Thu Hà – Giám đốc Cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Chương trình diễn ra vào lúc 20h ngày 25/6/2021. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được các chuyên gia giải đáp.

Đừng kén chọn vắc xin phòng COVID-19 mà trì hoãn tiêm chủng

Việt Nam đã nhập khẩu thành công 405.200 liều vắc xin phòng COVID-19 trong số 30 triệu liều do Hệ thống tiêm chủng VNVC đặt mua từ AstraZeneca, cùng hàng triệu liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX, các nguồn viện trợ từ Mỹ, Nhật Bản,… TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc cho gần 1 triệu dân từ ngày 19-25/6/2021, đảm bảo mục tiêu kép: Duy trì sản xuất và quyết liệt chống dịch.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng I cho biết, người dân được tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì nên tiêm càng sớm càng tốt, đừng kén chọn vắc xin hay lo ngại, trì hoãn tiêm. Người có  bệnh nền (như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, bệnh tim mạch đang đặt stent, viêm gan B-C, thiếu máu tán huyết, rối loạn tiền đình, thiếu G6PD) nếu đã điều trị ổn định càng nên tiêm để tránh biến chứng nặng do COVID-19.

Quan trọng nhất là không để bệnh tấn công vào đối tượng nguy cơ, thậm chí phải ưu tiên tiêm vắc xin cho đối tượng này để giảm tải bệnh nặng”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Người dân TP.HCM được tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.

Cũng giống như các loại vắc xin khác, Vắc xin phòng COVID-19 giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào có hiệu quả phòng bệnh 100%, COVID-19 vắc xin AstraZeneca cũng tương tự. Có thể có trường hợp bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin là do vắc xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít còn lại đã tiêm nhưng vẫn mắc bệnh. Mặc dù vậy, các triệu chứng thường nhẹ và tỷ lệ nằm viện hoặc biến chứng nặng là không xảy ra.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh vắc xin là vũ khí để chấm dứt đại dịch COVID-19. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70-85% sẽ giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh. Như vậy, vắc xin phòng COVID-19 nói chung và vắc xin AstraZeneca nói riêng không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế.

Chia sẻ về nguồn vắc xin, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, với gần 60 kho lạnh đạt tiêu chuẩn GSP trên toàn quốc, 3 kho lạnh âm sâu tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng,… Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC có thể lưu trữ và bảo quản số lượng lớn lên đến 180 triệu liều vắc xin ở cùng một thời điểm, kể cả các loại vắc xin cần nhiệt độ đặc biệt như vắc xin Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C. Bên cạnh đó, Hệ thống VNVC cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm khác cho trẻ em và người lớn với khả năng phục vụ 3-5 triệu lượt khách hàng/tháng.

COVID-19 khiến gần 50% trẻ trì hoãn tiêm chủng

Cuối tháng 4/2021, Unicef đưa ra cảnh báo có hơn một phần ba (37%) quốc gia trên thế giới bị gián đoạn dịch vụ tiêm chủng thường xuyên. Các hoạt động tiêm chủng bị gián đoạn trong giai đoạn đại dịch COVID-19, đe dọa thành tựu tiêm chủng mà chúng ta đang nỗ lực để duy trì và đạt được bằng vắc xin như thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh sởi. Ước tính hơn 80 triệu trẻ em dưới một tuổi ở hơn 68 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn này và có nguy cơ mắc các bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Haemophilus influenzae týp b, phế cầu và các bệnh nhiễm nguy hiểm khác.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, tiêm chủng là một thành phần thiết yếu quan trọng của dịch vụ y tế, do đó hoạt động tiêm chủng cần được tiếp tục duy trì nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch an toàn theo đúng hướng dẫn của Chính phủ. Bất kỳ sự gián đoạn nào của hoạt động tiêm chủng, thậm chí chỉ gián đoạn trong thời gian ngắn cũng làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh, dẫn đến tử vong và gia tăng gánh nặng trên các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Đưa trẻ đi tiêm chủng mùa dịch cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Chính phủ và chính quyền địa phương

Hiện nay, đã có hơn 40 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin phòng bệnh. Khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã đưa vắc xin vào sử dụng, vắc xin giúp bảo vệ 85 – 95% người được tiêm không bị bệnh, hoặc nếu mắc bệnh thì không để lại di chứng hay tử vong. Nhờ có vắc xin, hàng năm thế giới có 2,5 triệu trẻ được cứu sống khi mắc bệnh truyền nhiễm.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, cứ mỗi 60 giây, sẽ có 5 người trên thế giới được cứu sống nhờ vào việc chủng ngừa. Kể từ khi có sự ra đời của vắc xin (năm 1796), ước tính tuổi thọ của nhân loại đã được kéo dài thêm 15-25 năm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, phụ huynh đừng vì sợ COVID-19 mà bỏ qua ‘thời gian vàng’ tiêm chủng vắc xin cần thiết khác cho chính mình và trẻ nhỏ.

Trẻ 2-3-4 tháng tuổi cần uống Rotavirus, tiêm vắc xin phòng phế cầu khuẩn và các vắc xin kết hợp phòng 5 – 6 bệnh cùng lúc như ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ. Trẻ lớn cần tiêm nhắc các loại vắc xin phòng bệnh não mô cầu, viêm não Nhật Bản…

Phụ nữ trước khi mang thai lần đầu, cần tiêm vắc xin sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan B…  để có thai kỳ khỏe mạnh, tránh nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sảy thai, sinh non… Người lớn tuổi cần được tiêm vắc xin cúm hàng năm, bên cạnh vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu, thủy đậu, ho gà – bạch hầu – uốn ván…

Đã có trẻ trì hoãn tiêm chủng, thậm chí trì hoãn khám bệnh vì phụ huynh lo lắng COVID-19, khiến bệnh tình của trẻ trở nặng. Phụ huynh hạn chế ra đường khi không cần thiết là đúng, nhưng an toàn cho trẻ rất quan trọng. Chúng ta nên cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đi khám bệnh khi cần thiết. Các bệnh viện nhi hiện nay vẫn hoạt động, phụ huynh cho trẻ đi khám không nên đi nhiều người, mang nón che giọt bắn và tuân thủ nguyên tắc 5K như mang khẩu trang, khai báo y tế…”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Theo Suckhoedoisong