Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những khởi sắc ở xã vùng cao Pá Lông

07:19 28/06/2021 GMT+7

Cách trung tâm huyện khoảng 50km, xã vùng cao Pá Lông thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu (Sơn La). Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ hiệu quả, cùng với ý chí vươn lên của người dân, Pá Lông hôm nay đã khởi sắc.

Vào những dịp Tết hay lễ hội phụ nữ Pá Lông cùng nhau gói bánh dày.

Nỗ lực giảm nghèo

Từ thị trấn Thuận Châu, để đến xã vùng cao Pá Lông, phải vượt qua những con dốc cao dựng đứng. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, độ dốc lớn, địa hình chia cắt, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đường về trung tâm xã đã được rải nhựa, trụ sở xã, trạm Y tế được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt việc đi lại và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thông tin từ UBND xã cho biết: Xã Pá Lông hiện có 8 bản, 617 hộ với hơn 2.900 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn tới 75,49%. Để giảm số hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao; chỉ đạo khuyến nông tăng cường các hoạt động hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, đời sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đã có những mô hình kinh tế mở ra cơ hội làm giàu.

Chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn các hộ vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, mua con giống, vật nuôi và máy móc phục vụ sản xuất. Hiện, tổng dư nợ của toàn xã đạt hơn 3,2 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2- 3%/năm, riêng năm 2019 giảm 6,5%.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, xã thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Năm 2020, với diện tích đất nông nghiệp trên 3.000ha, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt trên 2.000 tấn, cao hơn so với kế hoạch đặt ra và không còn hộ đói. Chăn nuôi cũng phát triển hơn với đàn trâu, bò, lợn, dê trên 2.000 con và gia cầm gần 9.000 con.

Bên cạnh đó, Pá Lông còn được nhà nước đầu tư một số chương trình, dự án vào địa bàn như: công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nhà lớp học mầm non… UBND xã thường xuyên phối hợp với các nhà thầu thực hiện tốt các chương trình dự án, kịp thời đảm bảo tiến độ, hiệu quả để bàn giao đưa vào sử dụng. Thực hiện Chương trình 135, trong năm 2019, Pá Lông được đầu tư xây 1 nhà lớp học cho bản Tinh Lá và 1 nhà văn hoá cho bản Tịa Tậu với tổng giá trị 960 triệu đồng. Hiện, xã Pá Lông có 7 bản có nhà văn hóa; 92,7% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 60% số hộ dân trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia…

Đặc biệt tuyến đường từ tỉnh lộ 108 vào bản Hua Ngáy, Hua Dấu được đầu tư xây dựng đến nay đã hoàn thành. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 2,2 tỷ đồng, còn lại là nhân dân hai bản đóng góp. Theo ông Vừ Sếnh Chứ, Trưởng bản Hua Ngáy, thông tin: Trước đây, việc phát triển kinh tế của các hộ dân trong bản chúng tôi và bản Hua Dấu còn nhiều khó khăn một phần do đường xấu, việc vận chuyển nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nay có con đường bê tông mới rộng rãi, khang trang, tạo thuận tiện hơn cho việc phát triển kinh tế cho bà con của hai bản.

Bản vùng cao Pá Lông.

Kỳ vọng từ mô hình chăn nuôi

Khi những chính sách hỗ trợ được phát huy, người nông dân ở Pá Lông đã chủ động tạo dựng sinh kế. Nhiều đồng bào dân tộc Mông đã không cam chịu đói nghèo đã tìm hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả từ chính vườn đồi nhà mình.

Về Pá Lông, khi được hỏi về tấm gương làm giàu, người dân nơi đây thường nhắc đến chị Và Thị Kía, ở bản Tịa. Từ năm 2015 đến nay, được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi, chị Và Thị Kía đã cùng chị em trong bản Tịa tham gia mô hình kinh tế trang trại.

Vật nuôi chủ lực của chị Kía là con gà đen bản địa. Để nuôi thành công, chị đã dành thời gian học hỏi kinh nghiệm từ cán bộ khuyến nông, đọc qua sách báo và kinh nghiệm từ những người đã nuôi thành công. Nhờ đó, đàn gà của chị đã phát triển tốt. Từ 10 con gà mái lúc đầu, đến nay đàn gà đen của chị đã phát triển được gần 300 con cho nguồn thu đều đặn từ trứng và gà thịt.

Ngoài chăn nuôi gà đen, chị Kía còn đầu tư chăn nuôi lợn và đào ao nuôi cá. Với 3 lợn nái sinh sản, mỗi nái mẹ đẻ 2 lứa, một lứa từ 7-8 con, bình quân một năm nhà chị Kía xuất bán 2 lần gồm cả lợn thịt và lợn giống. Nhờ nỗ lực làm ăn, mỗi năm gia đình chị đã có nguồn thu ổn định hơn 100 triệu đồng. Nhờ đó, giúp gia đình chị có của ăn, của để, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Điều đáng quý là, cách làm hiệu quả của chị Kía đã được chia sẻ cho rất nhiều chị em khó khăn trong bản làm theo. “Nhiều chị em cũng học hỏi và làm theo bằng cách 5-6 hội viên cùng góp vốn mua giống vật nuôi cho mỗi hội viên nuôi luân chuyển để giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Đặc biệt trong năm 2019, 2020, chúng tôi cùng nhau đóng góp, đã giúp được một hội viên nghèo nhất bản dựng được ngôi nhà ở trị giá trên 20 triệu đồng”, chị Kía tự hào cho biết.

Theo ông Chá A Và, Chủ tịch UBND xã Pá Lông, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Và Thị Kía rất đáng để bà con học tập. Và đây cũng là một mô hình phù hợp với vùng cao như xã Pá Lông, tới đây xã sẽ nhân rộng, phát triển thêm.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự quyết tâm vươn lên của người dân, Pá Lông đang khởi sắc. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác lợi thế địa phương sẽ tạo đà cho xã vùng cao nay đạt được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân.

“Hộ chị Và Thị Kía ở bản Tịa chăn nuôi hiệu quả và cũng đã hướng dẫn cho các hộ khác chăn nuôi. UBND xã cũng sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhân rộng thêm cho các hộ khác để học hỏi, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình”
Ông Chá A Và – Chủ tịch UBND xã Pá Lông.

Kiều Thuận