Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Những mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả của Hội Nông dân các cấp

14:24 05/06/2020 GMT+7
Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ các tỉnh/thành Hội xây dựng các mô hình điểm phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân, đem lại hiệu quả cao, thành lập các tổ Hội Nông dân (ND) tự quản vệ sinh môi trường,

Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ các tỉnh/thành Hội xây dựng các mô hình điểm phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân, đem lại hiệu quả cao, thành lập các tổ Hội Nông dân (ND) tự quản vệ sinh môi trường, đưa việc thu gom và xử lý rác thải thành nề nếp.

Cán bộ, hội viên nông dân huyện Châu Thành (Tây Ninh) tham gia lễ phát động bảo vệ môi trường. Ảnh: TNO

Xây dựng mô hình điểm thu gom, xử lý chất thải

Tiêu biểu như mô hình tại xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận); mô hình tại xã Hải Nam (huyện Hải Hậu, Nam Định); mô hình tại xã Xuân Mai (huyện Văn Quan, Lạng Sơn); mô hình tại xã Vĩnh Hưng (huyện Phú Lộc, tThừa Thiên Huế)… Mô hình “Xử lý nước thải làng nghề” nổi bật như các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh. Mô hình “Hầm khí sinh học liên hoàn”; Mô hình “Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường” góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, cung cấp nhiên liệu phục vụ sinh hoạt như ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh… Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân thành lập các chi, tổ Hội ND tự quản thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư trên địa bàn nông thôn. Nhiều mô hình được UBND tỉnh đánh giá cao và giao cho Sở Tài nguyên Môi trường tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh để nhân rộng và ứng dụng.

Nhiều nơi, HND xây dựng thành công mô hình 3 công trình vệ sinh điển hình như: Mô hình Hội ND tham gia cải thiện điều kiện vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trong xây dựng NTM; mô hình “Xây dựng nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh và bể chứa nước sạch”; Mô hình Di dời chuồng trại ra xa nhà ở, bảo vệ môi trường. Tại các tỉnh miền núi, các cấp Hội tích cực tuyên truyền vận động ND bỏ tập quán lạc hậu. Gắn với các mô hình với các câu lạc bộ, các chi, tổ hội tự quản về môi trường, thu gom rác thải đã góp phần làm cho môi trường nông thôn trong sạch, hạn chế được dịch bệnh, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực được người dân hưởng ứng đã góp phần giữ gìn môi trường trong sạch.

Mô hình cộng đồng dân cư tự quản

Mô hình tự quản do cộng đồng dân cư tự nguyện, tự giác xây dựng để huy động mọi người dân tham gia bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn. Mô hình này vận hành theo nguyên tắc xã hội hóa cao – mô hình do cộng đồng, vì cộng đồng; cộng đồng tự chủ về tài chính, nhân lực và cơ chế hoạt động.

Mô hình cộng đồng dân cư tự quản phát triển rộng rãi, với ba tiêu chí sau: Mọi cộng đồng dân cư, nông thôn và thành thị, đồng bằng và miền núi, biên giới và hải đảo, dân tộc đa số và dân tộc thiểu số đều có thể xây dựng mô hình tự quản; Mô hình tự quản được các đoàn thể nhân dân và các tôn giáo hưởng ứng: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội NDVN, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LH Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội LH Thanh niên Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các chùa, các xứ đạo…

Mô hình cộng đồng dân cư tự quản huy động được các chủ thể xã hội tham gia: Gia đình, nhà trường, HTX, doanh nghiệp, các đơn vị dịch vụ, các lực lượng vũ trang và các tôn giáo cùng các tầng lớp nhân dân tham gia: Trẻ em, thanh niên và người cao tuổi; nam giới và nữ giới; công chức, viên chức và công nhân; học sinh và sinh viên, chiến sỹ của lực lượng vũ trang.

Thời gian tới, cần xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình cộng đồng dân cư tự quản bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn. Mô hình cộng đồng dân cư tự quản cần thực hiện theo quy trình sau: Khảo sát tìm địa điểm và nội dung xây dựng mô hình tự quản; Xây dựng dự thảo dự án: Tên, địa điểm, đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp, thời gian xây dựng, mục đích, giải pháp huy động cộng đồng dân cư tham gia, khó khăn và rủi ro có thể gặp phải, nguồn lực thực hiện, tiêu chí xây dựng và đánh giá; Họp cộng đồng dân cư góp ý; Tổng hợp ý kiến và chỉnh sửa dự án; Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tuyên truyền về dự án; Tổ chức thực hiện (gắn biển, huy động người dân tham gia); Theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện.

Mô hình các dịch vụ bảo vệ môi trường

Thời gian qua, các dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn phát triển ở nhiều cộng đồng dân cư và có ý nghĩa thiết thực trong việc giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc ở địa phương. Dịch vụ tham gia bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn phong phú và đa dạng, bao gồm: HTX, tổ hợp tác, công ty cổ phần, công ty TNHH, đơn vị tư vấn,…Nhiều cán bộ Hội đã dùng hình thức tín chấp để hỗ trợ tập thể và cá nhân đứng tên thành lập đơn vị dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn. Hình thức dùng uy tín chính trị và xã hội của tổ chức hỗ trợ tập thể và cá nhân xây dựng dự án, vay vốn tín dụng, kết nối giữa đơn vị dịch vụ với ngân hàng, nhà khoa học khá hiệu quả.

Các đơn vị dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn có lĩnh vực hoạt động đa dạng đáp ứng với nhiệm vụ ở cơ sở và cộng đồng dân cư. Dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt và trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần được quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Các cấp của Hội ND giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển loại hình dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn, giữ vai trò định hướng về tổ chức, cán bộ và hoạt động, làm chỗ dựa về tinh thần cho các đơn vị dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn hoạt động, làm đầu mối đề xuất và thực hiện chính sách của Nhà nước hỗ trợ các đơn vị dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn; Hỗ trợ các đơn vị dịch vụ kết nối và phối hợp hoạt động giữa các đơn vị dịch vụ bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn.

Hội ND các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các tỉnh Trà Vinh, Quảng Bình, Thanh Hóa… Từ việc xây dựng mô hình điểm, Hội ND các tỉnh vận động hội viên, ND tích cực tham gia, hưởng ứng cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khoẻ cộng đồng”. Xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi nông – lâm kết hợp phát triển bền vững, hướng dẫn nông dân ở các làng nghề sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng CLB gia đình nông dân văn hóa, làng văn hóa sức khỏe, xây dựng qui ước, hương ước bảo vệ môi trường nông thôn.

Từ năm 2015-2019 Trung ương Hội NDVN đã tổ chức 500 lớp bồi dưỡng, đào tạo kiến thức và kỹ năng truyền thông cho hơn 40.000 lượt cán bộ, hội viên; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên có kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn. Đồng thời, hỗ trợ cho các tỉnh, thành Hội chủ động tổ chức 520 lớp cho hơn 50.000 lượt cán bộ, hội viên và 106 lớp tập huấn kỹ thuật và kiến thức bảo vệ môi trường tại các xã cho hơn 10.000 lượt hội viên, nông dân.

Nguyễn Thị Kim Hoa (Giám đốc Trung tâm Môi trường T.Ư Hội NDVN)