Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Hà Tĩnh tích cực phục hồi sản xuất vụ Hè Thu sau bão số 2

16:17 18/06/2021 GMT+7

Vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa lớn, làm ngập úng hơn 11.200ha lúa và hơn 800ha rau màu, trong đó khoảng 2.800ha lúa có nguy cơ phải gieo cấy lại.

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành, thị khẩn trương tuyên truyền, vận động người nông dân tích cực thăm đồng kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại và khắc phục, đối với những diện tích hiện đang bị ngập, huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; số diện tích sâu trũng sử dụng máy bơm để hỗ trợ tiêu thoát nhanh.

Nông dân xã Phúc Trạch (Hương Khê) dùng máy bơm hút nước để tiêu thoát ngập úng cho hoa màu vụ hè thu.

Trong đợt bão số 2 vừa qua, trên địa bàn hầu như các huyện đều bị ảnh hưởng cụ thể: Huyện Hương Khê có 992ha lúa và rau màu bị hư hỏng, huyện Can Lộc có gần 2.000ha lúa hè thu bị ngập, có nhiều diện tích bị hư hại hoàn toàn. Để khắc phục hậu quả, đảm bảo kịp thời vụ, nông dân nhiều địa phương đã ra đồng làm lại đất để gieo mới/tỉa mạ ở chân ruộng cao; cấy, dặm vào diện tích bị thiệt hại; huyện Lộc Hà có 900ha bị ngập lụt, trong đó một số xã có diện tích lúa bị hư hại lớn, như: Ích Hậu, Tân Lộc, Bình An… Mưa lớn kéo dài từ chiều tối ngày 11 và ngày 12/6 làm ảnh hưởng lớn đến phần lớn diện tích lúa và hoa màu hè thu ở Can Lộc. Đến thời điểm này, toàn huyện có 7.188/9.137,4ha sản xuất bị ngập, chiếm tỷ lệ 78,7%.Tại Cẩm Xuyên, ước tính toàn huyện có khoảng 700 – 800ha diện tích sản xuất hè thu bị ngập quá ngọn; mưa bão cũng làm ngập úng hơn 1.800ha lúa Hè Thu của bà con Kỳ Anh,…

Nông dân Thạch Hà “đội nắng” giắm tỉa ở những diện tích còn có thể khôi phục sau bão số 2.

“Sau mấy ngày mưa to, hơn 7 sào ruộng bị ngập úng hết, vừa mới gieo xong giờ ngập như thế thì không thể khôi phục được, chỉ còn cách gieo cấy lại thôi. Mà giờ tiếp tục đầu tư lại thì tốn kém lắm, làm nông mà cứ đầu tư đi đầu tư lại như thế thì không ăn thua nữa nhưng làm nông mà không bám ruộng, không bám đồng thì không biết làm gì mà cũng không có gì để sinh sống nên cứ thế mà làm thôi. Cũng may sau khi mưa ngớt, lãnh đạo địa phương đã huy động mọi người cùng khơi thông dòng chảy, tiêu úng kịp thời nên một số hoa màu có thể phục hồi không phải gieo cấy lại đỡ tốn kém cho bà con”, chị Lê Thị Lịch (Thạch Thắng – Thạch Hà) ngậm ngùi nói.

Nông dân Yên Hồ – Đức Thọ chuẩn bị gieo lại mảnh ruộng không thể khôi phục do bị ngập úng khi mạ còn non.

Đối với những diện tích thiệt hại nhẹ ưu tiên sử dụng mạ tại các diện tích có mật độ gieo dày để dặm bổ sung; đối với số diện tích phải gieo cấy lại hướng dẫn người dân chủ động mua giống để kịp thời khôi phục sản xuất, sử dụng các loại giống ngắn dưới 100 ngày như: Khang dân đột biến, HN6, BT09, HN6, PC6… Những diện tích không ảnh hưởng do mưa bão, duy trì mực nước thích hợp 1 – 3cm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh, tiến hành tỉa dặm và bón thúc lần 1 đúng quy trình.

Người dân có thể tỉa ở những ruộng có mạ dày đưa giặm ở những ruộng bị thối rửa do ngập úng gây ra

Cụ thể với những diện tích bị ngập từ 2-3 ngày, đôn đốc bà con ra đồng chăm sóc, dặm tỉa để đảm bảo mật độ đồng đều; Tiến hành kiểm tra, nếu bộ rễ vẫn trắng, chưa bị thối (có thể thân mềm) thì không rút cạn nước, duy trì mực nước 1-3cm, sau 3-5 ngày cây lúa sẽ hồi phục, nên phun các loại phân bón lá để lúa phục hồi nhanh, tuyệt đối không bón đạm hay phân hỗn hợp NPK ngay sau khi nước rút.

Sau 5-7 ngày, khi cây lúa ra thêm được lá non, kiểm tra thấy đã ra rễ mới màu trắng, thì tiến hành bón thúc (2kg đạm urea + 3kg kali/sào), kết hợp làm cỏ sục bùn vùi phân sâu vào đất, tăng oxy cho lớp đất mặt, giúp rễ lúa sinh trưởng nhanh.

Hội Nông dân huyện Lộc Hà huy động nguồn lực thu hoạch khoai cho bà con tại vùng đang bị cách ly y tế sau bão số 2.

Để cùng với nông dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống các loại cây trồng sau ảnh hưởng của bão số 2, ngoài việc tuyên truyền, vận động bà con chủ động sản xuất, Hội Nông dân tỉnh còn chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tập trung huy động lực lượng để hỗ trợ các hộ gặp khó khăn về nhân lực, diện tích bị thiệt hại nhiều khẩn trương thu hoạch diện tích lạc muộn và xuống giống các loại cây trồng vụ Hè Thu kịp thời. Đặc biệt ở những vùng đang phải thực hiện cách ly y tế, Hội Nông dân tích cực huy động nguồn lực thu hoạch và chủ động khắc phục hoa màu trên địa bàn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại vụ mùa cho bà con nông dân.

                                                                                                                                                 Bùi Ánh