Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nuôi cá chình thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm

07:45 29/06/2021 GMT+7

Từng bươn chải khắp nơi để mưu sinh, ông Lê Quang Cao (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đã chắt chiu từng đồng vốn để về quê khởi nghiệp. Ông làm đủ việc, miễn là tạo cơ hội phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ mọi người. Đặc biệt, khi ông đầu tư trên 7 tỷ đồng để lập trang trại nuôi cá chình đã tạo một bước ngoặt trong sự nghiệp, mở hướng phát triển mới tại địa phương.

Ông Cao áp dụng kỹ thuật ương giống bằng lồng bè để nuôi cá chình.

Luôn học hỏi và nỗ lực vươn lên

Chia sẻ về hành trình hồi hương lập nghiệp, ông Lê Quang Cao cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên tại thị trấn Sịa. Những năm khó khăn, gia đình đi lập nghiệp ở miền Nam. Với tính cần cù chịu khó, sau khi bôn ba làm ăn ở đất khách quê người, tôi đã tích góp được một số vốn. Với ý chí muốn phát triển kinh tế chính trên mảnh đất quê hương của mình, năm 2002, tôi và gia đình trở về quê hương”.

Trở về quê hương lập nghiệp, nhận thấy bà con quê mình một nắng hai sương, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hay đến vụ lại tất tả thu hoạch “chạy lũ”, ông Cao nghĩ ngay đến việc đầu tư máy móc, cơ giới để giải phóng sức lao động cho nhà nông. Nguồn vốn ban đầu tuy không lớn nhưng đủ để gia đình ông mua sắm 3 máy cày phục vụ khâu làm đất, chủ yếu ở HTX số 2 thị trấn Sịa. Tư duy làm ăn mới, hiệu quả của ông Cao tác động rất lớn đến người dân quê, nhiều nông dân sau đó mạnh dạn mua sắm thiết bị máy làm đất phục vụ mùa màng.

Khi nhiều nông dân mua sắm máy làm đất đại trà, dịch vụ này không còn hiệu quả như trước, ông Cao lại tư duy, tính đến chuyện đầu tư dịch vụ mới. Thời điểm đó, không riêng gì huyện Quảng Điền mà cả tỉnh Thừa Thiên Huế, máy gặt đập liên hợp là dịch vụ còn quá xa xỉ với bà con nông dân thì ông Cao đã mua sắm đến 3 máy gặt hiệu Kubota phục vụ thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh và vươn ra các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình.

Trước xu thế và nhu cầu tất yếu trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, số lượng máy cày làm đất và máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng lớn, ông Cao lại tiếp tục chuyển hướng làm ăn mới, phù hợp. Ông mua sắm 2 máy đào (múc), 1 xe cẩu phục vụ nạo vét kênh mương, sản xuất nông nghiệp và thi công các công trình trên địa bàn huyện Quảng Điền…

Những vùng đất hoang hóa tưởng chừng không thể trồng cây gì thích hợp, năm 2016, ông Cao mạnh dạn thuê, cải tạo đưa vào trồng với diện tích 4,5ha sen cao sản thương phẩm, thu về hơn 11 tấn hạt tươi mỗi năm, tổng thu nhập gần 280 triệu đồng/năm; sau khi trừ chi phí lợi nhuận gần 120 triệu đồng/năm.

Tuy doanh thu hàng năm từ các dịch vụ, trồng sen từ 1,2-1,5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi trên 700 triệu đồng, nhưng ông Cao vẫn chưa hài lòng trước nhiều cơ hội, tiềm năng phong phú, đa dạng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đầm phá Quảng Điền.

“Tiềm thức của tôi lâu nay, làm giàu cho bản thân chỉ là một chuyện. Giúp đỡ bà con quê mình cùng vượt khó, thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, thậm chí làm giàu trong xu thế xây dựng nông thôn mới là điều lớn hơn nhiều”, ông Cao trải lòng.

Đầu tư 7 tỷ nuôi cá chình

Kinh qua nhiều nghề, nhưng ông Cao vẫn luôn ấp ủ khát vọng khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2017, ông nhận thấy một số diện tích đất trồng lúa không hiệu quả do quanh năm ngập úng. Ông đã làm việc với UBND, Hội Nông dân và HTX để vận động bà con có ruộng tại diện tích đó để thuê lại diện tích 3,8ha chuyển sang mô hình nuôi ươm cá chình giống và chình thương phẩm.

Ông Cao nhận định: “Tôi quyết định chọn hướng nuôi cá chình bởi sau nhiều năm tìm hiểu nhiều mô hình nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhận thấy nuôi cá chình có thể phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và nguồn nước tại địa phương. Nuôi cá chình hoàn toàn phù hợp không chỉ vùng đất Sịa mà còn ở Quảng Điền và trên địa bàn tỉnh.

“Từ lâu, loài cá đặc sản này luôn được thị trường ưa chuộng, nhưng sản lượng trên địa bàn tỉnh còn khan hiếm chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Giá cá chình thương phẩm trên thị trường hiện nay khá cao, dao động trên dưới 400 ngàn đồng/kg” ông Cao nói.

Từ những ưu thế đó, ông Cao bắt tay đầu tư mô hình ương nuôi cá chình giống và thương phẩm từ đầu năm 2019. Ông quyết định bỏ hẳn nghề làm dịch vụ máy xúc, vận chuyển đất cát, gom hết vốn liếng dành dụm bấy lâu hơn 7 tỷ đồng đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá chình với diện tích 3,8ha.

Đến nay, trang trại có khoảng 157 ngàn con cá chình giống được mua từ các tỉnh phía Nam về ương nuôi vụ đầu tiên. Từ tháng 10/2019, ông đã tách đàn và đưa vào nuôi thương phẩm với số lượng 25 ngàn con, mô hình hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao tại thị trấn Sịa. Cá chình giống hiện nay đã được một số cơ sở nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh liên hệ mua. Tuy nhiên do giá giống chưa được như mong muốn, ông chuyển dần sang nuôi thương phẩm.

Theo ông Cao, tuy bước đầu còn gặp một số khó khăn về kỹ thuật, yếu tố nguồn nước như chua phèn chưa xử lý triệt để, tỷ lệ giống hao hụt… nhưng giá trị hiện tại vẫn khá lớn. Nếu xuất bán hết số cá chình giống và thương phẩm lúc này lãi trên 1 tỷ đồng. Quá trình nuôi nếu đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, năng suất cao, bán được giá có thể lãi từ 1,5 – 2 tỷ đồng.

Từ khi ông Cao bắt tay triển khai mô hình, ngoài tự thuê kỹ sư thủy sản, công nhân am hiểu kỹ thuật, chính quyền địa phương luôn phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật nuôi cá chình cho ông Cao.

“Mọi thứ mới bắt đầu nên cần phải vừa làm vừa học. Trong các yếu tố xử lý môi trường, cho ăn đúng hàm lượng, thời điểm thì việc áp dụng kỹ thuật phòng ngừa, xử lý dịch bệnh là điều đặc biệt cần quan tâm”, ông Cao nói.
Nhận định về triển vọng từ mô hình nuôi cá chình, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa cho biết: Mô hình mở ra nhiều triển vọng cho địa phương nói riêng và huyện Quảng Điền nói chung nên chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện về các thủ tục cấp đất và các cơ chế, chính sách liên quan cho ông Cao tổ chức sản xuất.

Ông Lê Quang Cao là nông dân không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn luôn tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo việc làm cho nhiều lao động. Ông luôn tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và người dân địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa.

Hoàng Triều