Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát huy giá trị di sản lễ hội gắn với phát triển du lịch và kinh tế biển của Trà Vinh

17:43 29/06/2020 GMT+7
Ngày 29/6, tại tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, UBND huyện Cầu Ngang phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP. HCM tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn phát huy giá trị di sản Lễ hội cúng biển Mỹ Long

Ngày 29/6, tại tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, UBND huyện Cầu Ngang phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP. HCM tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn phát huy giá trị di sản Lễ hội cúng biển Mỹ Long trong phát triển du lịch”.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Vân Nguyễn

Đến dự tọa đàm có ông: Trần Minh Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; TS. Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch; ông Tô Ngọc Bình Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang…Tọa đàm nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát huy giá trị di sản lễ hội cúng biển Mỹ Long, gắn với phát triển du lịch và kinh tế biển của huyện Cầu Ngang nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long bao gồm Lễ hội tôn vinh bà Chúa Xứ, thờ thần Hoàng và Lễ hội nghinh ông Nam Hải cầu cho mưa thuận gió hòa của vùng dân vùng biển nơi đây, được tiến hành đều đặn hàng trăm năm qua. Năm 2020, là năm Kỷ niệm 101 năm Lễ hội Nghinh Ông. Lễ hội nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch, tạo cơ hội để giới thiệu về văn hóa, du lịch tỉnh Trà Vinh đến du khách trong, ngoài tỉnh và du khách quốc tế.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Tô Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh khẳng định: Nằm trên cung đường kết nối hành trình từ sông ra biển có các Cồn Nghêu, Cồn Bần, biển Hàng Dương… huyện Cầu Ngang có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề cốm dẹp Ba So với hơn 80 hộ cung cấp trung bình mỗi ngày ra thị trường 1.200kg cốm, là quà tặng độc đáo của địa phương; Làng nghề bánh tét Trà Cuôn mỗi ngày tiêu thụ từ 1.000 – 2.000 đòn bánh, đã được tỉnh sự hỗ trợ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. Làng nghề tôm khô Vinh Kim đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH&CN công nhận là thương hiệu độc quyền trên thị trường bởi dược làm từ tép bạc đất có trong tự nhiên, hàng năm sản xuất khoảng 1.600 tấn tôm khô, trên 30% xuất khẩu và Làng nghề chế biến thủy hải sản Mỹ Long với các đặc sản phong phú như: Cá đù, tôm tít…

Ông Trần Minh Thanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết: Trà Vinh hiện có 528 di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, danh lam thắng cảnh…Trong đó có 1 bảo vật quốc gia, 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh và 5 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: Lễ hội cúng biển Mỹ Long, Đàn ca tài tử Nam bộ, Lễ hội Ok Om Bok, nghệ thuật Chầm riêng Chà Mây, nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer…Tuy nhiên, công tác điều tra hệ thống giá trị của di tích, lập hồ sơ xếp hạng còn hạn chế, việc bảo tồn và trùng tu còn gặp nhiều khó khăn. Chưa có nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo trở thành điểm đến hấp dẫn, chưa khai thác giá trị di sản gắn với phát triển du lịch.Việc phát huy các giá trị của di tích gắn với việc khai thác và phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, chưa tạo bước đột phá phát triển cho du lịch tỉnh Trà Vinh.

GS. TS Chung Hoàng Chương chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Vân Nguyễn

TS.Trương Thu Trang – giảng viên Trường Đại học Bạc Liêu chia sẻ: Du lịch tâm linh ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng đã và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Những năm qua, du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, du lịch tâm linh đã đóng góp to lớn và bền vững vào sự tăng trưởng đó. Trà Vinh là tỉnh Duyên hải vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh ven biển có nhiều nét đặc thù, để xây dựng nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần làm mới diện mạo văn hóa du lịch tỉnh. Ngoài ra, tỉnh phải đảm bảo các điều kiện khác để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh ven biển Trà Vinh như: Kêu gọi đầu tư, có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối và quảng bá sản phẩm văn hóa du lịch tâm linh…

Theo GS. TS Chung Hoàng Chương- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM: Du lịch thuận thiên là mô hình du lịch rất được quan tâm hiện nay, với các mô hình sinh thái đa dạng, phong phú. Tọa đàm hôm nay, nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát huy giá trị di sản lễ hội cúng biển Mỹ Long, gắn với phát triển du lịch và kinh tế biển của huyện Cầu Ngang nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung. Những con sông, cồn hay cù lao sẽ không hoàn toàn tồn tại lâu dài, bởi sự biến đổi của khí hậu sẽ làm cho dòng sông thay đổi. Vì vậy, song song với việc xây dựng mô hình du lịch sinh thái thì các cơ quan chức năng, những người làm du lịch phải có hướng đi mới nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, ngoài bảo tồn, phát huy giá trị di sản lễ hội cúng biển Mỹ Long trong phát triển du lịch thì Trà Vinh cần gắn kết với việc phát triển loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm cộng đồng ở một nơi như: Cồn Hô, Cồn Chim, du lịch sinh thái Hàng Dương… và khắc phục những mặt còn hạn chế, quan sát tổng thể hệ sinh thái của tỉnh, nên xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Vân Nguyễn