Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội: Thước đo hạnh phúc

13:16 25/06/2021 GMT+7

Theo Bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới năm 2021 vừa được bởi Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của LHQ đưa ra, Việt Nam đứng ở vị trí 79 trong tổng số 149 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiếu số. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.”

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây có thể coi là một trong những điểm nhấn và là kỳ vọng của nhân dân ta, cũng là khát vọng mà nhiều dân tộc trên thế giới phấn đấu thực hiện.

Con đường hạnh phúc

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong 35 năm qua.

Hai em nhỏ cùng phòng tại một khu cách ly phòng chống covid-19. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Với dân số hiện tại của Việt Nam là hơn 97 triệu người, gồm 54 dân tộc anh em; trong đó hơn 60% số dân sống ở nông thôn, phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong suốt nhiều năm qua, Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Liên hợp quốc cũng khuyến khích các quốc gia cũng như các tổ chức nhận thức về tầm quan trọng của hạnh phúc trong khi xây dựng chính sách công, cũng như nhìn nhận hạnh phúc như một mục tiêu mang tính toàn cầu.

Trong khoảng mấy chục năm gần đây, các nghiên cứu định lượng về hạnh phúc theo hướng tiếp cận xã hội học có xu hướng được coi trọng hơn. Lý do đáng kể nhất để giải thích hiện tượng này là xã hội có nhu cầu lượng hóa, đồng thời so sánh mức độ hạnh phúc của các nhóm xã hội khác nhau trong cùng một quốc gia và chỉ số hạnh phúc của các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Mới đây, theo tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội New Economics Foundation (NEF) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, Việt Nam là quốc gia có Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam cũng được đánh giá cao về dịch vụ công, tỷ lệ phổ cập giáo dục cao. Năm 2012, tỷ lệ trẻ em nhập học của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới với 98%. Số trường cao đẳng, đại học cũng tăng nhanh chóng.

Với chỉ số HPI là 40,3 và tuổi thọ trung bình 75,5, Việt Nam là nước châu Á duy nhất nằm trong 10 nước đầu bảng được khảo sát.

Theo Bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới năm 2021 vừa được bởi Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc đưa ra, Việt Nam đứng ở vị trí 79 trong tổng số 149 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Bảng xếp hạng này bắt đầu được thực hiện từ năm 2012, được coi là bảng xếp hạng hạnh phúc uy tín nhất vì đo mức độ hạnh phúc dựa trên những chỉ số quan trọng như các cảm xúc tích cực và tiêu cực, cách đánh giá của người dân về cuộc sống hiện tại… Tất cả đều dựa trên dữ liệu từ những cuộc điều tra quy mô lớn.

Còn tại Việt Nam, chỉ số hạnh phúc của người dân được đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho thấy sự quan tâm, coi trọng của Đảng và Nhà nước tới cuộc sống của người dân, phải làm sao để người dân được hài lòng và hạnh phúc.

Mỗi quốc gia có những tiêu chí, góc nhìn riêng để đánh giá mức độ hạnh phúc của người dân, không hẳn cứ phải là những nước giầu mạnh, người dân có mức thu nhập cao đã là hạnh phúc, mà đôi khi nó lại đến từ những điều giản dị, nhỏ nhặt từ cuộc sống hằng ngày.

Đã nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Đức Hạnh, thôn Tân Long, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái sống trong căn nhà gỗ mối mọt. Là đối tượng người có công với cách mạng, được sự hỗ trợ của Nhà nước với số tiền 40 triệu đồng cùng sự trợ giúp của chính quyền xã, bà con thôn xóm và họ hàng, gia đình ông Hạnh đã xây dựng được căn nhà cấp 4 với diện tích sử dụng gần 70m2.

“Căn nhà là niềm mơ ước bấy lâu nay của gia đình. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của mọi người, chưa biết khi nào gia đình mới có thể xây được nhà mới để từ nay yên tâm không phải lo lắng mỗi khi trời mưa bão,” ông Hạnh chia sẻ.

Hạnh phúc đôi khi đơn giản chỉ là sự sẻ chia trong lúc khó khăn, hay những hành động tự nguyện hướng tới cộng đồng như các y, bác sỹ trẻ tình nguyện đi vào tâm dịch để chia sẻ gánh nặng với tuyến đầu chống dịch COVID-19. Hay như Câu lạc bộ thiện nguyện của Hội học sinh Hà Nội niên khóa 1992-1995 được thành lập từ năm 2017 đã triển khai nhiều dự án cộng đồng ý nghĩa tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, góp phần lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp tới cộng đồng.

Hằng năm, bên cạnh hoạt động như gói bánh chưng tặng người nghèo, người lang thang cơ nhỡ tại Hà Nội, hay cùng nhau tham gia hiến máu trong chương trình “Trao giọt yêu thương, tặng đời cuộc sống,” Câu lạc bộ Thiện nguyện 9295 còn tham gia tặng quà tại trại thương binh Duy Tiên (Hà Nam), xây dựng điểm trường ở Bắc Quang (Hà Giang), phát cháo miễn phí tại Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương; trao tặng quạt, trang thiết bị phòng chống dịch cho tuyến đầu tại một số bệnh viện, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)…

Với những hoạt động thầm lặng, bền bỉ mang lại niềm vui nhỏ nhoi cho mọi người suốt bao năm qua, anh Dương Thế Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ thiện nguyện của Hội học sinh Hà Nội niên khóa 1992-1995 cùng với các bạn đồng niên của mình vẫn luôn tâm niệm “cho đi để nhận lại những niềm vui” là sự hạnh phúc và cũng như là tôn chỉ mục đích hoạt động của nhóm.

Còn đối với người dân tỉnh Yên Bái, chỉ số hạnh phúc của người dân đã được Tỉnh ủy Yên Bái đưa vào trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện điều này.

Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 tiêu chí chính: sự hài lòng về cuộc sống gồm: điều kiện kinh tế-vật chất; mối quan hệ với gia đình và xã hội; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; sự hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền.

Tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh được đánh giá gồm 3 mức 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi. Sự hài lòng về môi trường sống gồm: sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái hiện tại là 53,3% – ở mức “Khá hạnh phúc mức 1.” Tỉnh phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng thêm chỉ số hạnh phúc 15% – thành “Khá hạnh phúc mức 2.”

Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội

Hai năm qua, dịch bệnh COVID-19 xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới cũng như Việt Nam đã gây ra nhiều thay đổi trong cuộc sống cũng như sinh hoạt của người dân. Có những thay đổi tích cực như mọi người đã quan tâm hơn tới sức khỏe bản thân, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, thay đổi thói quen tiêu dùng, sinh hoạt thông qua các nền tảng thương mại điện tử… Tuy nhiên, cũng có những tác động tiêu cực như dịch bệnh làm đứt gẫy chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế thế giới, đời sống người dân khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tại nhiều quốc gia…

Mặc dù vậy, vượt bao khó khăn sóng gió của đại dịch, vẫn có những điều không thay đổi – đó là đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước với sự chỉ đạo sáng tạo, phù hợp lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tích cực ủng hộ, thực hiện, được bạn bè quốc tế ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ.

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn trong năm 2020 và trong giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhờ đó, việc giảm nghèo giai đoạn này đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) của cả nước giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) của cả nước giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian qua, Việt Nam cũng đã làm tốt việc bảo hộ công dân, đưa người Việt Nam trở về nước an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Còn nhớ, khi tâm dịch COVID-19 đầu tiên xảy ra tại Vũ Hán (Trung Quốc), khi mà cả thế giới còn tìm cách ứng phó với đại dịch thì ưu tiên số một của Đảng và Chính phủ Việt Nam là bảo đảm sự an toàn về sức khỏe và tính mạng cho công dân Việt Nam.

Chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines chở 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về nước an toàn là hình ảnh đẹp ghi lại trong tâm trí không chỉ người dân Việt Nam mà còn cả với bạn bè quốc tế.

Trong khó khăn vì đại dịch, người dân nông thôn, công nhân lao động tại các khu công nghiệp vẫn luôn là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ giúp đỡ để có thể đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu.

Đơn cử như thời gian qua, nhiều công nhân, người lao động ở Bắc Ninh, Bắc Giang và một vài tỉnh, thành khác trong cả nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phần vì mắc kẹt ở trong các khu phong tỏa, cách ly, phần không thể đi làm việc do doanh nghiệp cắt giảm công nhân để đảm bảo giãn cách.

Nhằm trợ giúp người lao động trong khu cách ly, vùng phong tỏa và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cũng đã quyết liệt chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, song song với quản lý chặt chẽ người lao động với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ là địa bàn có số lượng công nhân lao động lớn. Do phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19, từ ngày 22/5, toàn thôn bị phong tỏa để truy vết, phòng dịch lây lan. Cả thôn trên 20.000 người thì có tới hơn 16.000 người lao động lưu trú, còn lại hơn 4.500 người dân trong thôn đang bị mắc kẹt ở vùng phong tỏa.

Hằng ngày, hình ảnh những tình nguyện viên là thanh niên, phụ nữ, thành viên Tổ phòng, chống COVID cộng đồng vận chuyển đồ hỗ trợ cho công nhân lao động, người có hoàn cảnh khó khăn đã không còn xa lạ với người dân nơi đây. Đó chính là sự chia sẻ, tinh thần tương thân, tương ái của người dân Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1995, quê ở Thanh Hóa), công nhân tại Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Khu công nghiệp Quế Võ cho biết chị làm việc tại công ty được 2 năm, thu nhập mỗi tháng 9 triệu đồng, trừ chi phí tiết kiệm được 4 triệu đồng gửi về cho gia đình. Dịch bệnh bùng phát, bản thân sống trong khu phong tỏa, không thể đi làm, không có thu nhập nên chị rất lo lắng.

Trong căn phòng nhỏ bé khoảng 10m2, giữa đợt nắng nóng cao điểm ngày hè, chỉ với chiếc quạt cây đang hoạt động hết công suất, chị Thúy chia sẻ mặc dù đây là thời gian khó khăn của công nhân nhưng chị và mọi người luôn động viên nhau thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng.

Ngay sau khi có lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực, các cấp chính quyền hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, trứng, dầu ăn, củ quả. Đặc biệt, mặc dù không đi làm nhưng chị vẫn nhận được trợ cấp 3,9 triệu đồng từ công ty để vượt qua khó khăn trước mắt.

Về nguồn cung vaccine tuy có hạn chế do việc mua, nhập, khan hiếm nhưng Nhà nước, Chính phủ luôn nỗ lực tối đa, huy động, vận động bằng mọi cách sớm nhất, nhanh nhất để nhân dân được tiếp cận với vaccine, nhất là những điểm nóng, khu vực có nguy cơ cao.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, nhưng lại đang là điểm nóng của đợt dịch lần thứ 4 nên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia đã quyết định phân bổ ngay lập tức 786.000 liều cho thành phố từ 1 triệu liều vaccine hỗ trợ của Nhật Bản. Số còn lại được phân bổ ngay cho các tỉnh, thành để triển khai tiêm vaccine đợt 5.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng đây không chỉ là sự quan tâm rất lớn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia mà còn là sự sẻ chia, động viên đối với nhân dân, chính quyền các cấp của thành phố.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị thành phố tổ chức tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm chủng đúng quy định, đúng đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và các đối tượng nguy cơ cao là công nhân, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trên thực tế, theo đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay đang có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo được toàn dân Việt Nam đồng tình, hưởng ứng và tích cực phấn đấu thực hiện.

Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế.

Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.

(Theo Hoàng Tùng/vietnam+)