Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phòng, chống thiên tai năm 2020: Phải đặt an toàn của người dân lên hàng đầu

14:23 05/06/2020 GMT+7
Tại Hội nghị trực tuyến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 ngày 15/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương phải xác định một tinh thần chủ động, đồng bộ trong ứng phó với thiên tai, từ đó

Tại Hội nghị trực tuyến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 ngày 15/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương phải xác định một tinh thần chủ động, đồng bộ trong ứng phó với thiên tai, từ đó mới giảm thiểu được thiệt hại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa của công tác liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, thứ mà Nhà nước coi trọng nhất, cả hệ thống nhất định phải bảo vệ, “Không phải mình thấy thiên tai là đầu hàng, không được đầu hàng với bất cứ tình hình nào, nhất là thời tiết biến đổi. Chúng ta phải thích nghi và phát triển”- Thủ tướng nhận định.

Thiên tai bất thường và nguy hiểm

Năm nay, tham dự Hội nghị trực tuyến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì có khoảng 1.600 đại biểu từ đầu cầu các tỉnh và hơn 10.000 người từ gần 689 đầu cầu trực tuyến quận, huyện cả nhằm đánh giá toàn diện công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 và những nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.

Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, Yên Bái đã có 5 đợt thiên tai, trong đó có 4 trận mưa đá, 1 trận mưa giông làm 1 người chết, thiệt hại nhiều về nhà cửa, tài sản của người dân. Đáng chú ý, mưa đá năm nay xảy ra nhiều hơn hẳn, xuất hiện trên diện rộng, trong đó Yên Bái ghi nhận nhiều điểm mức độ dữ dội. “Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, thiên tai thời gian vừa qua liên tục xảy ra theo chiều hướng gia tăng, cường độ ngày càng lớn, mức độ nguy hiểm cao và tính phức tạp rất khó dự báo là nỗi lo lớn của địa phương” – ông Duy bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm đến nay nhiều đợt thiên tai bất thường, nguy hiểm đã xảy ra. Cùng với đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn cũng khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.

“Chưa bao giờ ngày 30, mùng 1 Tết lại xuất hiện dông lốc sét, mưa đá và sau đó liên tiếp xảy ra 104 trận mưa, dông lốc, mưa đá tại 31 tỉnh thành phố, kể cả ở những địa phương chưa từng xuất hiện. Những ngày cuối tháng 4 tại Hà Nội rét nàng Bân đã khiến nhiệt độ xuống đến 16,5 độ, thấp nhất trong 50 năm gần đây và ngay sau đó là nắng nóng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 5 cơn bão trực tiếp đổ bộ vào biển Đông, nhất là phía Nam, nơi chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống bão.

Cảnh tan hoang, đổ nát tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hoá) – nơi cơn lũ quét qua ngày 5.8.2019. Ảnh: Tuấn Minh

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương kết quả khống chế được thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm ở mức rất thấp nhưng ngay từ những ngày đầu năm 2020, thiên tai đã quá dữ dằn. “Mỗi cơ quan, đơn vị, người dân càng phải chủ động ứng phó, xử lý vấn đề đồng bộ, không để nước đến chân mới nhảy. Không được đầu hàng thiên tai, đầu hàng thiên nhiên trong bất cứ trường hợp nào, với bất cứ lý do nào” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng chia sẻ, trong điều kiện ngân sách còn rất khó khăn, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi trên 10.300 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân.

Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại thấp nhất

Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuy vậy, vụ sản xuất đầu năm nay đã được mùa trong điều kiện thời tiết, khí hậu biến đổi phức tạp. Do công tác dự báo sớm, Việt Nam đã chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2020, Việt Nam khả năng sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực.

Người dân thôn Tứ Sơn (xã Bình Trung, Thăng Bình, Quảng Nam) nhận mì tôm cứu trợ trong trận lụt cuối năm 2018. Ảnh: Hồ Quân.

Thế nhưng, thiên tai ngày càng diễn biến dị thường và khó dự đoán hơn. Vì thế, Thủ tướng cho rằng phải xác định, quán triệt công tác phòng chống thiên tai là thường xuyên, liên tục, phải được quán triệt của cấp ủy, chính quyền và người dân. “Hạn hán đi sau mưa lũ là một quy luật. Tôi nhớ năm 1964 khi ở miền Nam, năm trước thì khô hạn cực kỳ, năm 1964 thì lụt dữ dội. Năm nay vừa rồi hạn hán lớn Tây Nguyên và một số tỉnh Nam bộ thì một quy luật là sẽ có mưa lũ rất lớn, chúng ta phải xem xét quy luật này để chủ động hơn trong phòng chống” -Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt và có kế hoạch triển khai Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư (ban hành tháng 3/2020) một cách đồng bộ, hiệu quả, theo dõi chặt chẽ dự báo, không được để tình trạng chủ quan ở bất kỳ cấp nào, khâu nào. Trong mọi tình huống thì phải đặt an toàn của người dân lên hàng đầu.

Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan phòng chống thiên tai; nâng cao chất lượng công tác dự báo; chất lượng các công trình thủy lợi, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, ưu tiên nguồn lực đầu tư vốn trung hạn 2021-2025 cho nhiệm vụ này. Cùng với đó, là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, kể cả công tác tìm kiếm cứu nạn.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, sự cố cơ bản có thể xảy ra trên địa bàn để khi xảy ra thiên tai, sự cố, chủ động triển khai ứng phó, không chủ quan ở bất cứ cấp nào, khâu nào. Phải đặc biệt lưu ý xây dựng phương án ứng phó với tình huống xảy ra mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, công trình đê điều, hồ đập.

Trong năm 2019, thiên tai tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố dị đoan, dị thường trên khắp cả nước. Cả nước đã kéo giảm được con số thiệt hại do thiên tai trong năm 2019 xuống mức kỷ lục, giảm 44% số người chết, giảm từ 20.000 tỷ trong năm 2018 xuống còn 7.000 tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Khương Ninh