Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Phù thủy” chế tạo máy nông nghiệp

13:11 11/09/2021 GMT+7
Sở hữu 9 sản phẩm máy nông nghiệp, máy nào cũng vô cùng tiện lợi với nhà nông, ông Phi Anh Đệ, hội viên nông dân ở huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) được mệnh danh là “phù thủy” chế tạo máy. Điều đáng khâm phục là những sáng tạo của ông xuất phát từ t
Ông Đệ đưa máy vào vận hành. Ảnh Đức Huy

Sáng tạo từ đồng ruộng

Quê gốc ở tỉnh Bắc Ninh, năm 1989, gia đình ông Phi Anh Đệ đi lập nghiệp tại xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Ông Đệ nhớ lại: “Trên vùng kinh tế mới còn gặp rất nhiều khó khăn, nhà cửa không có phải sống tạm bợ. Lớn lên, cũng như bao người, tôi lập gia đình và ra ở riêng, kinh tế gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào đất trồng mía là chính”.

Với hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Đệ luôn trăn trở mơ ước làm sao cho đủ ăn, đủ mặc thoát khỏi cảnh đói nghèo. Năm 2002, khi thấy bà con nông dân trồng mía tại địa phương mỗi vụ thu hoạch rất vất vả, đa số đều thuê nhân công lao động phổ thông nên chi phí cao mà giá thành sản phẩm thấp. Từ đó ông Đệ mới nảy sinh ý tưởng sao không thử cải tạo, phát minh máy trồng và thu hoạch mía để giúp đỡ cho bà con nông dân mình.

“Tôi quyết định đi vào TP.HCM và qua Thái Lan để học hỏi, nghiên cứu một số máy móc, thiết bị đã được sản xuất trên thị trường. Qua đi thực tế, tôi nhận thấy bản thân mình có thể làm được những loại máy này tại địa phương cho nên tôi về bàn với vợ vay ngân hàng 15 triệu đồng để làm thử nghiệm một chiếc máy trồng mía” – ông Đệ cho biết.

Ban đầu, lúc thử nghiệm cũng còn nhiều trục trặc về kỹ thuật nhưng với sự tìm tòi, học hỏi, cuối cùng chiếc máy cũng được bà con nông dân tại địa phương đón nhận. Từ thành công bước đầu, ông nhận thấy, nếu đầu tư tốt sản phẩm có chất lượng, có uy tín trên thị trường thì đây có thể là nghề vừa làm giàu cho gia đình vừa giúp đỡ cho bà con nông dân đỡ vất vả.

Khi bắt tay vào việc chế tạo máy, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, chưa có kinh nghiệm về thị trường, sản phẩm làm ra không bán được. Để có nguồn thu, gia đình ông duy trì canh tác nông nghiệp, đồng thời bỏ nhiều công sức vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm để vừa có thể rút ngắn thời gian, giảm chi phí sản xuất mà chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo. Ông còn dành thời gian đi tìm hiểu thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Nhờ những nỗ lực đó, sản phẩm máy móc nông nghiệp cũng được bà con nông dân trong và ngoài tỉnh tìm đến ký kết hợp đồng mua hàng. Năm 2018, ông Đệ thành lập Công ty TNHH Cơ khí Nông nghiệp Thành Đạt.

Đến nay, mọi quy trình sản xuất, dịch vụ đều được chuyên nghiệp hóa và ông Đệ đã chế tạo và cung cấp ra thị trường 9 loại máy phục vụ nông nghiệp chủ yếu cho cây mía và cây sắn như: Máy trồng mía, máy băm xay lá mía, máy cày ngầm bón phân cho cây mía, máy phạt gốc mía, máy thu hoạch mía… Điểm chung của những máy do ông chế tạo là rất tiện dụng, phù hợp với mọi điều kiện canh tác. So với lao động thủ công, khi sử dụng máy giúp nông dân giảm chi phí từ 2 đến 3 triệu đồng/ha.

Chẳng hạn, với chiếc máy cày ngầm bỏ phân có thể giúp người nông dân vừa bỏ phân, vừa làm cỏ mía một ngày trên 2ha đất. Trong khi đó, với cùng diện tích trên, nếu làm theo kiểu phổ thông thì có thể mất vài ngày và hàng chục công lao động. Với máy xới cỏ mía có thể giúp người trồng mía giảm công lao động trong việc làm cỏ, vừa làm cho đất tơi xốp. Còn đối với máy phun thuốc cỏ mía, 1ha chỉ mất gần một tiếng đồng hồ là có thể phun xong.

Do những tiện ích của máy, không chỉ nông dân trong và ngoài tỉnh Phú Yên đón nhận mà ngay cả những doanh nghiệp cũng tìm đến đặt hàng. Hiện cơ sở đã ký nhiều hợp đồng cung ứng máy cho các nhà máy mía đường Biên Hòa, Nhà máy đường Ninh Hòa, Nhà máy đường Đắk Nông, Nhà máy đường Gia Lai…

Ông Đệ vận hành máy bón phân cho mía. Ảnh Đức Huy

Chia vui cùng nhà nông

Gần 20 năm miệt mài với công việc sáng chế, chế tạo máy, khi những máy móc được nông dân đón nhận, giúp giảm chi phí, giảm nhân công là điểm tựa để ông Đệ càng nỗ lực nâng cao chất lượng, tính năng của sản phẩm. Đối với nông dân trồng mía trên đất Phú Yên, việc thuê mướn công lao động vào mùa thu hoạch gặp rất khó khăn và đội chi phí cao. Khi máy của ông Đệ được đưa vào sản xuất sẽ làm lợi rất nhiều.

“Vào vụ thu hoạch mía rất khó để thuê nhân công, có được chiếc máy thu hoạch sẽ thuận lợi hơn cho người trồng mía. Nay thấy anh Đệ chế tạo được cái máy này tôi rất vui vì người dân ở đây có điều kiện tiếp xúc với công nghệ hiện đại thay vì làm thủ công như trước đây”- ông Phan Văn Tiếp, một hộ có 6ha mía ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết.

Còn ông Hà Châu Ánh, một nông dân trồng mía ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) nhận xét: Sử dụng máy nông cụ của ông Đệ hiệu quả hơn máy ngoại nhập nhưng giá thành rẻ hơn nhiều. Đất trồng mía ở đây không bằng phẳng, đồi dốc nên các thiết bị ngoại nhập không phù hợp và kém hiệu quả. Từ khi tôi sử dụng máy phục vụ trồng mía do ông Đệ chế tạo thì năng suất tăng, giảm chi phí rất đáng kể. Chi phí cho 1ha mía giảm từ 5 – 10 triệu đồng”.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của ông Đệ ngày càng hiệu quả do nhu cầu đầu tư máy phục vụ sản xuất ngày càng cao. Chỉ tính riêng năm 2020, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 1,7 tỷ đồng. Không chỉ miệt mài, nghiên cứu chế tạo, ông Phi Anh Đệ cũng là hội viên nông dân gương mẫu, tích cực tham gia phong trào của Hội Nông dân các cấp.

Hưởng ứng phong trào của Hội ND, ông đã đứng ra tổ chức đào tạo nghề cho 100 thanh niên đang chưa có việc làm. Gia đình ông cũng đã truyền nghề cho hơn 70 hộ trong và ngoài xã có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, giúp cho nhiều nông dân tìm được vệc làm, tăng thu nhập.

Đối với những hộ khó khăn, thiếu vốn phát triển sản xuất cũng được gia đình ông giúp vốn để mua nguyên liệu sản xuất. Tới nay, đã có hơn 20 hộ nghèo được mượn vốn không tính lãi với tổng số tiền 60 triệu đồng.

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Đệ đã vận động gia đình và người thân tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất, cây cối, hoa màu để giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, hỗ trợ những hộ nghèo ở thôn, tích cực tham gia và ủng hộ các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương.

Những năm qua, gia đình ông Phi Anh Đệ được các cấp Hội công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương. Các ngành, địa phương vinh danh, biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, năm 2017, ông được Trung ương Hội NDVN tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Thái Khang