Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Quảng Ninh chú trọng giữ gìn môi trường biển

17:05 05/06/2020 GMT+7
Tỉnh Quảng Ninh sở hữu đường bờ biển dài và rộng, đồng thời quản lý trên 1.000km2 diện tích hải đảo. Đi kèm với lợi thế về phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), địa phương này cũng đang giữ trọng trách bảo vệ môi trường biển. Việc làm nhỏ ý nghĩa lớn Trong

Tỉnh Quảng Ninh sở hữu đường bờ biển dài và rộng, đồng thời quản lý trên 1.000km2 diện tích hải đảo. Đi kèm với lợi thế về phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), địa phương này cũng đang giữ trọng trách bảo vệ môi trường biển.

Việc làm nhỏ ý nghĩa lớn

Trong những năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cùng các cấp, các ngành, đơn vị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện xuyên suốt để bảo vệ môi trường biển. Đặc biệt đã tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; Quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; Xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên.

Trong số đó, phải kể đến chiến dịch “Hãy làm sạch biển” được Tỉnh Đoàn triển khai sâu rộng đến đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Chiến dịch này đã trở thành hoạt động định kỳ, tạo được hiệu ứng lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng về ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường biển.

Thả tôm giống vào vùng nước tự nhiên tại TX.Quảng Yên. Ảnh: Việt Hoa

Anh Hoàng Văn Hải, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh chia sẻ: Hơn một năm thực hiện chiến dịch “Hãy làm sạch biển” không chỉ các bãi biển được dọn vệ sinh thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ mà quan trọng đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức và hành động tham gia bảo vệ môi trường của đoàn viên thanh niên và nhân dân địa phương.Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, đưa việc làm này trở thành thường xuyên, tự giác trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân.

Để chung tay làm sạch biển, không chỉ quy trách nhiệm của riêng tập thể hay bất kỳ cá nhân nào, mà đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Các ngành chức năng cũng đã tuyên truyền tới các đối tượng hoạt động dịch vụ trên biển như chủ tàu du lịch phải có biện pháp, dụng cụ, thiết bị thu gom nước thải. Đồng thời, trang bị thùng rác phục vụ việc thu gom rác thải sinh hoạt trên tàu trong suốt hành trình phục vụ khách tham quan vịnh, khi cập bến các tàu tập kết rác thải tại nơi chính quyền bố trí sẵn…

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã dành một phần ngân sách của tỉnh trong việc hỗ trợ, hướng dẫn những mô hình quản lý bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững; các khu vực làng chài và khu nuôi thủy sản lồng bè tự phát được di dời, sắp xếp lại theo quy hoạch; thí điểm quy hoạch một số khu nuôi thủy sản lồng bè kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái theo tiêu chí đảm bảo thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan.

Để bảo vệ môi trường biển tốt hơn, tỉnh đã đầu tư mạng lưới giám sát môi trường tự động, trong đó có 6 điểm quan trắc môi trường nước biển tại các vị trí đặc biệt nhạy cảm (cảng Cái Rồng, tuyển than Cửa Ông, cảng Vũng Đục, cầu cảng xi măng Cẩm Phả, cảng dầu B12, cảng khách Tuần Châu). Điểm quan trắc môi trường biển được thực hiện định kỳ bởi Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường (Sở TN&MT), Ban Quan lý Vịnh Hạ Long. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) thường xuyên giám sát chất lượng nước vùng nuôi trồng thủy sản, các đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển và ven biển cũng quan trắc định kỳ môi trường và gửi kết quả về Sở TN&MT.

Xứng tầm địa phương ven biển

Để bảo vệ và phát huy hiệu quả tiềm năng, vị thế của địa phương có biển, Quảng Ninh đề ra mục tiêu xây dựng và quảng bá thương hiệu biển với việc hình thành các khu dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các địa điểm và quần thể tham quan ven biển, đảo có giá trị văn hóa, lịch sử… Thực hiện mục tiêu này, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền giúp cộng đồng có thái độ ứng xử tích cực, thân thiện với biển, các cấp, ngành, địa phương ven biển cũng đang tập trung ưu tiên khai thác, phát triển theo hướng chia sẻ, gìn giữ và bảo vệ.

Có thể kể đến những nỗ lực của Quảng Ninh trong thực hiện các quy hoạch chiến lược như: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050; quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm bảo tồn, phát huy, nâng cao giá trị của Vịnh Hạ Long đảm bảo phát triển bền vững.

Vùng biển ven bờ tại đây cũng nhờ tán rừng mà duy trì được đa dạng sinh học, là nơi cư trú nhiều loài động vật cửa sông ven biển có giá trị kinh tế cao. Để bảo vệ những lợi ích to lớn về nhiều mặt này, các địa phương trên toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường biển và rừng ngập mặn. Bao gồm duy trì lực lượng chức năng liên tục rà soát, nắm tình hình để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm rừng, phá hoại môi trường tự nhiên. Đồng thời đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân để tạo được sự đồng thuận cao.

Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn rác bãi biển tại Khu du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long. Ảnh: Thu Trang

Bảo vệ rừng ngập mặn là một trong nhiều hoạt động cụ thể để giữ gìn môi trường biển.Thực tế các địa phương ven biển trong tỉnh còn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về xử lý rác, nước thải ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường biển không chỉ góp phần tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu khu vực, mà cũng chính là một trong những giải pháp để dịch vụ “du lịch xanh” phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh thời gian tới.

Tỉnh Quảng Ninh cũng ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nhất là ở các vùng xung yếu rủi ro cao trước tác động của biến đổi khí hậu…

Hà THắng