Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Suy nghĩ về “khoảng trống” của báo chí hiện nay

11:02 21/06/2020 GMT+7
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc phỏng vấn đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn – Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam về một vài chuyện “nóng” của báo chí hiện nay.

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc phỏng vấn đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn – Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam về một vài chuyện “nóng” của báo chí hiện nay. Đại tá Nguyễn Hoà Văn là Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, kiêm Tổng Biên tập báo Biên phòng trước khi chuyển công tác về Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Hòa Văn

Trao đổi với phóng viên, nhà báo Nguyễn Hoà Văn chia sẻ: Công tác lãnh đạo, quản lý báo chí ở nước ta trong những năm vừa qua rất tích cực. Sau khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung ban hành Luật Báo chí mới (2016) Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông đã chủ trì xây dựng và trình Trung ương Đảng, Chính phủ phê duyệt quy hoạch quản lý và phát triển báo chí đến năm 2025. Cùng với đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và ban hành quy định mới về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam… Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí đã tích cực triển khai thực hiện, vì thế báo chí Việt Nam đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chung của đất nước. Tuy nhiên nhìn vào bức tranh tổng thể chung của báo chí, vẫn còn có nhiều bất cập, sai lệch.Ở chừng mực nhất định đã có một bộ phận người làm báo suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, thậm chí là đã vi phạm pháp luật.

Trong dịp này, cái hay, cái đáng ca ngợi về báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều người đề cập. Nếu có thể chia sẻ về một số vấn đề còn trái khoáy trong báo chí hiện nay, ông sẽ đề cập đến câu chuyện nào?

Trước hết là thực tiễn của mối quan hệ giữa nhiệm vụ chính trị và nguồn thu tài chính của cơ quan báo chí. Những cơ quan báo chí nguồn thu chính phụ thuộc ngân sách nhà nước, có công lớn trong tuyên truyền đậm về chủ trương, chính sách, điển hình tiên tiến… Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này, tỷ lệ lượng tác phẩm phản biện còn ít, thông tin một chiều vượt trội, hạn chế về tính hấp dẫn, theo đó sức lan tỏa không mạnh, trừ khi thông tin về sự kiện nóng, cộng đồng xã hội quan tâm.

Cũng có nhiều người cho rằng, các cơ quan báo chí được ngân sách bảo đảm, hàng năm sản xuất ra một lượng tác phẩm báo in, báo điện tử, chương trình phát thanh, truyền hình, trong đó ước có khoảng trên 20% lượng sản phẩm báo chí làm ra rất ít người đọc, người xem. Mặc dù tiêu tốn một lượng ngân sách lớn, nhưng hiệu quả tuyên truyền không cao.

Tôi viết báo và cũng có tham gia mạng xã hội, tôi nhận thấy, có những bài phản biện trên mạng xã hội rất sâu sắc, được công chúng đồng tình, nhưng nhiều ấn phẩm báo chí, nhất là ấn phẩm của cơ quan báo chí được cấp ngân sách lại không thấy đăng, hoặc có thể không dám đăng, mặc dù về đề tài, chủ đề đó hợp với tôn chỉ mục đích của báo. Còn các báo chí không được ngân sách nhà nước bảo đảm, trong đó có nhiều báo, tạp chí trong hoạt động tác nghiệp thường đặt mục tiêu nguồn thu lên trên mục đích tuyên truyền. Vì thế mà trong thời gian qua các phóng viên, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí “tự kiếm tiền nuôi nhau” đã chuyên đi kiếm chuyện, bới móc, làm sai lệch, méo mó hình ảnh của báo chí.

Nhà báo Nguyễn Hoà Văn nhận giải B, Giải báo chí Búa Liềm Vàng lần thứ 3 (2018). Tác phẩm: Hoá giải những nghịch lý, ngang trái trên con đường đã chọn (thể loại không có giải A). Ảnh tư liệu.

Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về cụm từ “thông tin một chiều” vừa đề cập được hiểu theo nghĩa như thế nào?

“Một chiều” ở đây ta có thể hiểu là thông tin về một sự kiện nào đó được đưa lên báo chí, không có góc nhìn đa chiều, phân tích, bình luận thuận theo ý của người có trách nhiệm. Bài viết được đăng dạng này thường không đủ thông tin hấp dẫn độc giả, vì phóng viên chủ yếu dẫn theo lời phát biểu, hoặc bài tham luận, báo cáo đã được chuẩn bị sẵn. Có những nhận định thiếu khách quan, có những số liệu thiếu chính xác, thậm chí có những lời hoa mỹ chỉ để làm đẹp lòng người cũng được đưa lên mặt báo. Tính “một chiều” thông tin trên khía cạnh nghiệp vụ báo chí còn thể hiện ở cách đưa nội dung về chủ trương chính sách theo hướng đưa tin, ghi nhận những điểm tiến bộ, ưu điểm, mặt phải, không hoặc hiếm khi phân tích, bình luận đến những bất cập, mặt trái. Cho nên, chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí không được phát huy mạnh mẽ.

Thường thì nhà báo là người tạo ra bài viết và cũng chính là độc giả. Từ hai vai này, ông nhận xét như thế nào về hiệu ứng của “thông tin một chiều”?

Cái có lợi của thông tin một chiều là chuyển tải được nội dung chủ trương, chính sách chung, chuyển tải được vấn đề, sự kiện nhanh. Nhưng cái không có lợi là độc giả thấy báo nói chung chung, không đa chiều, sáo mòn, ít hấp dẫn nên nhạt, xa dần và thậm chí có định kiến với một số cơ quan báo chí, mặc dù trên thực tế cơ quan báo chí nào cũng đổi mới cách thông tin để thu hút độc giả.

Vậy tóm lại, ở đây ông muốn chuyển thông điệp gì đến độc giả, thưa ông?

Tôi phân ra hai loại báo chí nêu trên, nhận diện rõ về mối quan hệ giữa nhiệm vụ chính trị và nguồn thu tài chính của từng loại để nói rằng báo chí chưa phản ánh đầy đủ đời sống thực tiễn của xã hội. Đời sống xã hội trên báo chí, phần màu hồng và màu đen quá nhiều, không phù hợp với hiện thực. Màu hồng thì phần nhiều do các cơ quan báo chí được cấp ngân sách phác họa. Màu đen thì phần nhiều do các cơ quan báo chí tự kiếm tiền tạo ra. Một số không ít cơ quan báo chí này muốn lượng bạn đọc truy cập nhiều, nên thường quan tâm các sự kiện về mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội nhiều hơn. Trên mặt báo không chỉ đăng các tác phẩm do phóng viên báo mình làm ra mà còn dẫn nguồn từ báo khác, không bỏ qua một sự kiện tiêu cực điển hình nào của xã hội. Rút tít tin, bài thường giật gân, làm cho vấn đề nóng lên, làm cho đời sống tinh thần xã hội bị hạn chế phần năng lượng tích cực. Trong khi thực tế cuộc sống đa màu lại không được phản ánh đúng và đầy đủ trên báo chí. Hay nói cách khác, báo chí còn có “khoảng trống” đời sống thực của xã hội, trong đó còn thiếu nhiều hoạt động sống tích cực đang hiện hữu hàng ngày.

Vậy các bên liên quan nên xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Về mặt tư duy quản lý, đối với các cơ quan báo chí dựa vào ngân sách nhà nước cần tổ chức lại việc tổ chức sản xuất cung cấp thông tin. Không thể để tốn một lượng kinh phí lớn cho ra đời những sản phẩm báo chí ít người đọc, người xem. Trong khi, có một số cơ quan báo chí khác lại nhiễu nhương xã hội để tạo nguồn thu. Ở các nước, kinh tế báo chí hoạt động như doanh nghiệp. Nội dung thông tin thường chỉ phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Nhiều nước, không có khái niệm thông tin nhạy cảm, phức tạp, quan trọng, chịu sự định hướng chính trị như ở ta. Vì vậy việc tồn tại hay không tồn tại của tờ báo là do quy luật thị trường.

Ở nước ta, tôi nghĩ khi Bộ TTTT đã cấp phép hoạt động, có nghĩa là sự ra đời của cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí xuất phát từ nhu cầu thông tin của tất cả cộng đồng, hoặc một bộ phận cộng đồng xã hội. Thế mới có câu chuyện nhiều cơ quan báo chí không được cấp ngân sách nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo định hướng, ngược lại nhiều cơ quan báo chí được cấp ngân sách, nhưng muốn kiếm thêm thì phải xuất bản thêm sản phẩm phụ.

Vì có sự giao thoa về nội dung thông tin, có phần theo định hướng, theo tôn chỉ, và có phần không, nên Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng quản lý báo chí, cơ quan chủ quản không thể để mặc các cơ quan báo chí tự tung, tự tác để tạo nguồn thu, không đầu tư cho cơ quan báo chí để bảo đảm định hướng, thì lệch lạc, sai phạm của cơ quan báo chí dễ xẩy ra. Tôi nghĩ thực hiện quy hoạch báo chí và xây dựng cơ chế tài chính “nhà nước đặt hàng” với cơ quan báo chí sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu làm tích cực, quyết liệt thì sẽ giảm được đầu mối cơ quan báo chí, tinh gọn nâng cao chất lượng lực lượng làm báo, sẽ khắc phục được thông tin một chiều, thông tin phản biện và đa chiều sẽ chiếm ưu thế. Báo chí vừa phản ánh khách quan bức tranh hiện thực của xã hội, vừa góp phần ngăn chặn suy thoái trong báo chí.

Vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí quan tâm là những vướng mắc trong thực hiện quy hoạch và cơ chế đặt hàng. Có một số quy định về tuyển chọn, quản lý, sử dụng nhân lực và quản lý nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công không tạo được động lực, cũng như công tác tư tưởng, xây dựng sự đoàn kết trong cơ quan báo chí.

Nhà báo, toà soạn báo giữ được uy tín và mối liên hệ chặt chẽ với bạn đọc, mới có lý do để tồn tại và phát triển (trong ảnh – phóng viên Báo Lào Cai tìm hiểu về phản ứng của người dân về dịch Covid-19, chụp tháng 2. Ảnh tư liệu.

Có quan điểm cho rằng, với báo chí không có ích cho cộng đồng xã hội thì không nên cho tồn tại. Ông bình luận như thế nào về quan điểm này?

Tôi ủng hộ điều này! Nếu tờ báo nào ra đời để chỉ “cần” và “có ích” cho một nhóm người thôi, mà gây ra những hệ lụy xấu thì nên dẹp bỏ.

Trong thời gian qua có những báo, tạp chí xét về nhu cầu xã hội có cũng được, không có cũng được. Nhưng những báo và tạp chí này thường lại đi làm phiền các tổ chức và cá nhân. Cái gậy quyền lực của họ vẫn như các cơ quan báo chí khác. Các cơ quan báo chí ra đời do nhu cầu xã hội, họ sử dụng quyền lực chủ yếu phục vụ tôn chỉ mục đích. Còn các cơ quan báo chí ra đời chỉ vì một nhóm người, thường họ lạm quyền, sử dụng quyền lực để phục vụ lợi ích nhóm.

Tuy nhiên, hiện thực của hoạt động báo chí hiện nay cũng không phải lúc nào cũng rõ ràng, cứ xã hội cần là tốt, không cần là xấu. Việc kiếm chuyện và bới móc để trục lợi, hoặc ở cấp độ nhẹ hơn là sử dụng quyền của báo chí để tạo quan hệ làm ăn, thì dường như không còn là cá biệt. Bất cứ tổ chức cá nhân nào cũng có thể chi phối được báo chí thông qua quan hệ hợp pháp hoặc phi pháp. Bản lĩnh của báo chí là ở chỗ, mặc dù có sự chi phối nhưng hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng pháp luật, thông tin đúng sự thật và xuất phát từ lợi ích chung. Nhưng thực trạng hiện nay, tuy thông tin trên báo chí sai sự thật thì không có nhiều, nhưng thông tin bất lợi, hoặc có lợi, nghiêng ngả bên này, bên kia thì có rất nhiều.

Riêng đối với các tạp chí, ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội phát triển, tạo dấu ấn riêng trong bối cảnh hiện nay?

Tạp chí nói chung rất cần cho xã hội, đó là tài liệu có tính khoa học, tổng kết đúc kết kinh nghiệm thực tiễn. Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, những người quan tâm thời cuộc, họ rất cần tạp chí để nắm bắt, hiểu sâu những nội dung cần thiết.

Báo thì thường theo sự kiện, theo dòng thời sự. Tạp chí ngoài việc trao đổi kinh nghiệm, phát triển các nội dung mang tính lý luận, theo và luận giải các vấn đề của thời cuộc. Tạp chí chứa đựng hàm lượng chất xám cao hơn báo, có giá trị sử dụng lâu hơn. Vì thế tạp chí cũng có đất sống, nếu biết cách làm.

Đối với các tạp chí chính trị xã hội, trong việc thực hiện quy hoạch báo chí, theo ông nên lưu ý những điều gì trong quá trình đổi mới?

Theo tôi, đổi mới tạp chí nên theo hướng chuyên sâu vào ngành, lĩnh vực của mình, đăng tải những vấn đề chung nên bớt lại. Hướng chuyên sâu không phải cứ khô cứng, lý luận đơn thuần, mà phải làm sinh động lên, phải cậy vào đội ngũ cộng tác viên chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn, kể cả những bạn đọc có kiến thức chuyên môn, thậm chí ngay cả nông dân xuất sắc nắm vững quy trình sản xuất, kinh doanh của họ cũng có thể chia sẻ, trao đổi thông qua những bài viết đăng tạp chí.

Cần phải đổi mới mạnh cách tổ chức, chuyển tải thông tin trên tạp chí điện tử. Ngay cả mời cộng tác viên, chuyên gia, theo tôi cũng nên có ý thức “làm mới” các gương mặt khách mời. Trong xã hội rất nhiều người hiểu sâu biết rộng, không nên chỉ mời đi mời lại những gương mặt quen thuộc đến mức nhàm chán. Đổi mới bao gồm cả khâu tổ chức, kết nối thông tin của Toà soạn. Tiền quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định đến cách thức tổ chức cộng tác viên.

Bên cạnh hướng nội dung chuyên sâu, tôi cho rằng, tạp chí không nên loại ra ngoài những chủ đề về luân lý, đạo lý, đạo đức xã hội. Nên đầu tư cho những bài viết thể loại này hay hơn với một tỷ lệ nhất định, để mang hơi thở, sức sống xã hội nhiều hơn vào báo chí nói chung và tạp chí nói riêng. Nhà báo chọn nguồn tin cậy, rõ ràng, và ghi rõ nguồn có trách nhiệm. Không phải bài viết nào cũng cần đến kết luận, có những thứ gợi mở, tạo sự quan tâm tham gia của bạn đọc vào quá trình tác nghiệp báo chí của mình. Ví dụ, giáo lý đạo Phật, có rất nhiều giá trị cho cuộc sống nhân sinh, góp phần dung hoà giải quyết được nhiều mâu thuẫn xã hội, có thể chọn lọc để vận dụng chứ không phải là cứ đụng đến “tôn giáo” là báo chí cách mạng tránh xa. Những câu chuyện và cách tiếp cận này sẽ làm cho tạp chí sinh động, có sức sống hơn, bớt khô cứng. Báo chí chỉ có thể tìm được chỗ đứng khi nó được số đông công chúng sẵn sàng mở cửa tâm trí đón nhận theo cách hướng thiện.

Nhân đây, xin hỏi ông đối với Tạp chí điện tử Langmoi.vn, liệu có thể áp dụng công nghệ làm báo video để làm “chuyên sâu” hay không?

Việc này cần nghiên cứu kỹ các quy định của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông về giới hạn, phạm vi thông tin của Tạp chí điện tử. Ở đây tôi thấy, Tạp chí điện tử nên có mục video clip, có nhiều nội dung về toạ đàm chuyên sâu về lĩnh vực của mình. Nội dung cũng không cần quá dài, chỉ cần khoảng 10-15 phút về một chủ đề gì đó, chẳng hạn thảo luận hay ý kiến phân tích của chuyên gia về xuất khẩu gạo sau những lùm xùm vừa rồi, hay về những lưu ý cần có trong việc hỗ trợ nông dân sau đại dịch Covid-19…, như thế rất sinh động và có thể thu hút nhiều người truy cập.

Trong nông nghiệp, nông thôn rất nhiều câu chuyện, sự kiện, vấn đề có thể khai thác theo hướng chuyên đề. Chẳng hạn, một gia đình nông dân bị oan khuất, tạp chí điện tử có thể cho họ lên tiếng dưới hình thức video clip, mời luật sư, chuyên gia, cán bộ Hội nói về câu chuyện của họ và viện dẫn các quy định của pháp luật… Chuyện đó có thể xảy ra cả tháng rồi nay mới làm sâu, chứ không phải như báo bám theo sự kiện. Nông thôn, miền núi hiện nay có rất nhiều thứ có thể làm được như vậy.

Tạp chí cũng có thể dựng các video ngắn theo thể báo chí hoặc được nghệ thuật hoá về các vấn đề, sự kiện phù hợp tôn chỉ mục đích, thí dụ như kỹ thuật công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp sạch… Đi sâu vào những chuyện như vậy, nghiên cứu, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, nếu làm thế chắc chắn không đi ra ngoài mục đích tôn chỉ mà vẫn thu hút được độc giả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Sơn (thực hiện)