Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thái Bình: Người dân được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn

07:26 20/06/2021 GMT+7

Trước thực trạng người dân nông thôn thiếu nước sạch trong sinh hoạt, từ năm 2012, tỉnh Thái Bình luôn coi vấn đề nước sinh hoạt và môi trường nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng vận tải Sông Hồng kiểm tra khu vực bể sơ lắng và bể lọc sơ bộ tại nhà máy nước xã Nam Chính (Tiền Hải). Ảnh Hải Dương

Dẫn đầu cả nước về nước sạch nông thôn nhờ đột phá từ cơ chế, chính sách

Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong thực hiện chương trình nước sạch nông thôn ở Thái Bình là những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc rất tích cực để các dự án nước sạch nông thôn sớm đưa vào hoạt động. Đây được coi là bước đột phá, thu hút các dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án cung cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng ban hành một số cơ chế, chính sách như như hỗ trợ 100% tiền giải phóng mặt bằng, ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và hưởng những ưu đãi về thuế… Vì vậy, Thái Bình đã nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nước sạch.
Đến nay, 99,87% số hộ dân huyện Vũ Thư được sử dụng nước sạch, được đánh giá là huyện có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch cao nhất cả nước. Trên địa bàn huyện hiện có 13 nhà máy nước của 5 doanh nghiệp, cấp nước cho 26 xã, thị trấn.

Tại huyện Quỳnh Phụ từ cuối năm 2019, tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước máy trên toàn huyện đạt 97,31%, hiện có 10 công trình cấp nước cho nhân dân các địa phương trong huyện. Các dự án đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân 38/38 xã, thị trấn.

Toàn huyện Hưng Hà có tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 95,7% với 6 dự án. Các đơn vị cấp nước sạch trên địa bàn huyện đã nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm chất lượng nước bằng các biện pháp như tăng cường vệ sinh, sục rửa toàn bộ hệ thống bể xử lý nước, thực hiện tốt công tác nội kiểm và ngoại kiểm chất lượng nguồn nước đã qua xử lý.

Tại Đại hội Hội Nước sạch tỉnh Thái Bình khóa II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa qua, ông Hoàng Quốc Lập – Chủ tịch Hội nêu rõ: Hội nước sạch Thái Bình hiện có 56 hội viên với 33 nhà máy và trạm cấp nước đang cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân 180 xã trên toàn tỉnh với tổng công suất trên 200.000m3/ngày đêm. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án trên 2.000 tỷ đồng. Năm 2020, 100% dân số vùng nông thôn được tiếp cận sử dụng nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Thái Bình được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước trong chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn.

Ông Đinh Cao Tần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng vận tải Sông Hồng – một trong những đơn vị đang cung cấp nước sạch cho 9 xã khu Nam huyện Tiền Hải cho biết: Nhà máy nước xã Nam Chính (Tiền Hải) do Công ty làm chủ đầu tư với công suất 12.000m3/ngày đêm, tổng nguồn vốn đầu tư trên 125 tỷ đồng. Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2016, hiện đang cung cấp nước sạch cho khoảng hơn 7.000 hộ dân ở 9 xã với công suất khoảng 7.000m3/ngày đêm.

Sau nhiều năm phải sống chung với nguồn nước bị nhiễm mặn, từ năm 2016, người dân xã Nam Chính đã có nước sạch sử dụng. Bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn Hữu Vi Nam cho biết: “Ngày trước gia đình tôi phải dùng nước giếng khoan bị nhiễm mặn, không bảo đảm vệ sinh. Đầu năm 2016, nhà máy nước sạch xã Nam Chính đi vào hoạt động, dẫn nước đến tận nhà, chúng tôi rất vui mừng. Từ khi có nước sạch sử dụng, người dân trong xã rất phấn khởi, yên tâm về sức khỏe”.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, thôn An Hiệp, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi cũng như tất cả các hộ khác trong xã sử dụng nước giếng khoan có qua hệ thống lọc thủ công để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ khi nhà máy nước sạch Quỳnh Giao đi vào hoạt động thì bà con nơi đây đóng góp tiền, đấu nối đồng hồ, đưa nước sạch về sử dụng. Nước sạch đã góp phần giảm thiểu tỷ lệ người dân bị mắc các bệnh liên quan đến sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh”.

Gia đình ông Trần Ngọc Trản, thôn An Thọ, xã Thanh Tân (Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã có nước sạch sử dụng sau nhiều năm trông đợi. Ảnh Mai Tú

Tăng cường kiểm tra duy trì, bảo đảm chất lượng nước sạch

Để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh cũng như phòng ngừa, không để xảy ra những sự cố về nguồn nước, khả năng cung cấp, chất lượng nước sử dụng… UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát máy móc, thiết bị, công nghệ, quy trình vận hành cung cấp nước sạch; có kế hoạch phòng ngừa, bảo vệ an toàn nguồn nước, triển khai phương án xử lý khi phát hiện tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước đầu vào trong các nhà máy nước để xét nghiệm, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được.
Hàng năm, ngành chức năng tỉnh đều tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước từ các công trình cấp nước sạch sinh hoạt để xét nghiệm theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Kết quả, các mẫu nước cơ bản đạt yêu cầu theo quy chuẩn của Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một vài cơ sở có mẫu nước chưa đạt yêu cầu, chủ yếu là về hàm lượng Clo dư và chỉ tiêu này các doanh nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục ngay được.

Theo ông Hoàng Quốc Lập, Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh: “Hiện nay, các doanh nghiệp nước sạch trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phòng thí nghiệm với đủ các thiết bị để thực hiện công tác nội kiểm theo văn bản hướng dẫn của Nhà nước. Hàng ngày đều lấy mẫu nước đầu vào và đầu ra kiểm tra, xét nghiệm, phân tích đánh giá các chỉ tiêu an toàn chất lượng. Định kỳ hàng quý phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu nước xét nghiệm chất lượng nước sạch”.

Cũng theo ông Lập, mặc dù các doanh nghiệp nước sạch đã kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, cấp nước nhưng để phòng ngừa những sự cố về môi trường có thể xảy ra, Hội Nước sạch tỉnh đã thông báo tới các doanh nghiệp chủ động phương án xử lý để ứng phó kịp thời đối với từng sự cố ô nhiễm, nhằm duy trì cấp nước sạch liên tục, an toàn cho người dân.

Hiện toàn tỉnh Thái Bình có 74 công trình cấp nước sạch tập trung với tổng công suất thiết kế 370.950m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, 100% dân số vùng nông thôn trong tỉnh đã được tiếp cận sử dụng nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Mai Tú