Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thông qua các hình thức liên kết để tối đa hoá lợi ích của nông dân

15:55 13/10/2020 GMT+7
Ngày 13/10, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Ngân hàng Nhà nước tổ chức Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V với chủ đề “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà”, nằm trong chuỗi sự kiện Tự hào

Ngày 13/10, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Ngân hàng Nhà nước tổ chức Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V với chủ đề “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà”, nằm trong chuỗi sự kiện Tự hào nông dân Việt Nam được tổ chức thường niên.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chủ trì điều hành Diễn đàn. Ảnh: N. Hải.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chủ trì điều hành Diễn đàn. Tham dự chủ trì Diễn đàn có lãnh đạo các Bộ Khoa học Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương…

Tham dự diễn đàn còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan ban, ngành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo nhiều địa phương, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư vào nông dân, nông nghiệp, nông thôn, các hiệp hội, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Về phía T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, tham dự Diễn đàn có các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội, đại diện các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội; lãnh đạo các tỉnh, thành Hội trong cả nước. Đặc biệt, 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 được Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm nay bình chọn trực tiếp tham gia đối thoại tại Diễn đàn.

Vốn và Công nghệ là hai trong số những vấn đề quan trọng nhất trong quá trình sản xuất kinh doanh của nông dân hiện nay. Những yêu cầu khắt khe của kinh tế thời hội nhập đòi hỏi người nông dân phải có phương thức sản xuất mới, hiện đại hơn. Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm thì đòi hỏi người nông dân phải áp dụng, cập nhật những công nghệ mới đang từng ngày phát triển như vũ bão. Tìm công nghệ mới ở đâu? Trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay có những công nghệ mới nào thích hợp cho từng lĩnh vực? Những xu hướng công nghệ trong thời gian tới?…

Có đồng vốn là đòn bẩy kinh tế quan trọng để người nông dân mở rộng làm ăn, đầu tư chiều sâu, tăng cường liên kết, mạnh dạn tham gia vào chuỗi giá trị nông sản trong nước cũng như gia nhập thị trường thế giới.

Với chủ đề “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà” (Nhà nông- Nhà nước- Nhà đầu tư (doanh nghiệp – Nhà băng- Nhà khoa học- Nhà phân phối), Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông sản cũng như làm thế nào để tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, làm thế nào để sử dụng đồng vốn một cách thông minh, hiệu quả nhất. Tại Diễn đàn, những vướng mắc của nông dân sẽ được lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp và chuyên gia cũng như chính quyền địa phương giải đáp, tháo gỡ.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: N. Hải.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN cho biết: Nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14/10/1930 – 14/10-2020), trong những ngày qua, T.Ư Hội NDVN đã tổ chức trang trọng và thành công chuỗi các sự kiện: Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam, Đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Đại hội thi đua yêu nước Hội NDVN lần thứ V, Tuyên dương Chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc năm 2020.

Hôm nay, tiếp theo chuỗi sự  kiện, T.Ư Hội NDVN chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V với chủ đề: “Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà” nhằm phát triển một nền nông nghiệp đạt được cả “3 cao” (năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao) theo hướng nông nghiệp y học và nông nghiệp sinh học theo yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn thân thiện với môi trường.

Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng: Năm 2020 là một năm thế giới có nhiều biến động, dịch viêm phổi cấp do chủng vi rút mới corona gây ra (dịch Covid-19) đã lây lan ra phạm vi toàn cầu, gây thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng con người và thiệt hại về kinh tế xã hội, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân, doanh nghiệp, HTX đã nỗ lực vượt khó vươn lên, cùng cả nước thực hiện có hiệu quả nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Cũng nhờ tinh thần và sức mạnh ấy mà nông nghiệp, nông thôn nước ta trong năm 2020 một lần nữa lại chứng tỏ là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, có đóng góp to lớn vào sự ổn định, hội nhập và phát triển. Các tiềm năng về dân số, sự đa dạng về sinh thái, thổ nhưỡng, sinh học với hàng nghìn loại giống cây, con, thổ sản quý hiếm cho phép sản xuất được cả 3 nhóm nông sản (nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới); 1.200 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, 15.800 HTX, 40.000 trang trại, 8 triệu hộ nông dân đã và đang sản xuất tập trung.

Tuy nhiên, trước cơ hội hội nhập sâu rộng theo hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có CPTPP và EVFTA được mở rộng thị trường, thay đổi công nghệ, thay đổi cách quản trị hay thay đổi về thể chế, pháp luật thì chúng ta cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện xuất phát điểm thấp và thiếu kết nối theo chuỗi giá trị. Điều này đòi hỏi mỗi chủ hộ kinh tế, giám đốc HTX và giá đốc doanh nghiệp phải được giải phóng bằng kiến thức của không chỉ của nhà sản xuất mà hơn nữa là phải là của nhà kinh doanh nông nghiệp tức là nhà kinh tế trí thức nông nghiệp với cuộc chuyển đổi lớn về các yếu tố của năng lực khởi nghiệp sáng tạo và quản trị”.

Để góp phần tranh thủ cơ hội vượt qua thách thức, chúng ta cần thống nhất những giải pháp căn cơ nhất để huy động vốn sử dụng có hiệu quả 2 vấn đề mấu chốt là “vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà” nhằm tạo cầu nối trao đổi, đối thoại, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị của nông dân, HTX, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong việc tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để đưa vốn, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp với chi phí hợp lý nhất để từ đó nâng cao được sản lượng, chủng loại, chất lượng nông sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu; góp phần hình thành, nâng cao chuỗi giá trị nông sản với sự tham gia của 6 nhà.

“Vì vậy tôi đề nghị các diễn giả, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện Hội ND các tỉnh, thành phố và các đại biểu nông dân tiêu biểu, HTX, doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn ngày hôm nay tập trung thảo luân, đối thoại, trao đổi thẳng thẳn vào chủ đề của diễn đàn gồm 3 nội dung lớn. Đó là vốn đầu tư; vai trò của nhà khoa học công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp và mối liên kết 6 nhà trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản vì bạn bè quốc tế và vì dân tộc Việt Nam” – Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, GS.TS Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ KH&CN khẳng định, một trong những vấn đề mang tính chất quyết định đến sự phát triển bền vững của sản phẩm đó là “Chất lượng sản phẩm”. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến, chế tạo được giám định kỹ lưỡng về tiêu chuẩn, mà còn đi kèm với kiểu dáng, mẫu mã, bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện nhất khi đưa ra thị trường. Điều đó rất cần tác động của KH&CN. Thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều điểm yếu “cốt lõi” trong hầu hết các sản phẩm của Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Bình.

Đối với sản phẩm nông nghiệp: Điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam là khâu thu hoạch, chế biến đa dạng hóa sản phẩm. Dù tự hào đứng đầu thế giới về nhiều loại nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, tôm, cá các loại trong nhiều năm nhưng bài toán về giá vẫn rất nan giải. Việt Nam là nước có điều kiện thiên nhiên ưu đãi và có nhiều mặt hàng nông sản được người nước ngoài ưa chuộng nhưng những năm trước đây các doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất thật nhiều mà chưa quan tâm đến việc sản phẩm làm ra bán cho thị trường nào, bao bì mẫu mã ra sao nên những ưu điểm đó đã không thể phát huy được, các doanh nghiệp không thể tập trung diện tích đất lớn để ứng dụng khoa học công nghệ toàn diện, đạt năng suất, hiệu quả cao nhất.

“Ngay cả với sản phẩm “gạo Việt Nam” đã có bề dày xuất khẩu khá lâu và đứng vào tốp các nước dẫn đầu thế giới nhưng lại mang thương hiệu của nước khác”, ông Ngô Xuân Bình nói.

Theo ý kiến của ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam phát triển nền nông nghiệp toàn diện có nghĩa là cái gì cũng phải làm. Tuy nhiên, trước đà phát triển hiện tại, nông nghiệp Việt Nam cần thích nghi theo hướng phát triển đa chức năng, dựa trên lợi thế so sánh hình thành của nền nông nghiệp trong nước.

“Chức năng đầu tiên của nông nghiệp là bảo đảm an ninh lương thực, điều này đồng nghĩa với đảm bảo an ninh tài chính, an ninh năng lượng. Tiếp đến là bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ đất chứ không phải là hủy hoại tài sản đất của chúng ta”, ông Tuyển cho hay.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh N.Hải

Ông Trương Đình Tuyển dẫn lại câu chuyện “Phi nông bất ổn, Phi công bất phú, Phi thương bất hoạt,” để nói về truyền thống nông nghiệp từ xưa đến nay. Tuy nhiên, hiện tại rất khó để tìm ra ranh giới tách bạch giữa nông nghiệp và nông nghiệp cao, cũng như nông dân truyền thống và nông dân theo xu hướng cải cách, khoa học. Điều phân biệt giữa thời đại kinh tế này với thời đại kinh tế khác không phải chỗ chúng ta làm cái gì mà là chúng ta làm như thế nào. “Đơn cử như cách trồng lúa bây giờ rất khác với mô hình trồng lúa từ xưa của ông cha. Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất chính là công nghệ, công nghệ tạo ra cách làm mới, tạo ra sản xuất mới, hiệu quả cao hơn. Nhưng muốn có công nghệ thì phải có vốn. Cho nên vai trò của nhà nước, nhà băng là hỗ trợ vốn cho nhà nông để có thể cải tiến sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại hơn nữa”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng cần phải chú trọng đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao khi nhiều công ty có đầy đủ tiềm lực đầu tư, kể cả doanh nghiệp FDI vì bản thân nông nghiệp Việt Nam luôn nằm trong top đầu trên thế giới.

Theo ông Trương Đình Tuyển, để tạo được điều đó phải tạo ra được liên kết tiền đề để đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, ngược lại, bản thân liên kết cũng là hệ quả của quá trình đưa vốn vào nông nghiệp. Do đó, diễn đàn hôm nay rất thiết thực, đặt ra câu hỏi làm thế nào để huy động vốn, ngoài việc trông chờ vào nhà nước tăng đầu tư vốn theo kiểu nông nghiệp tạo ra bao nhiêu GDP thì nhận được bấy nhiêu vốn.

Khi nông dân tiếp cận được với vốn có thể tạo ra công nghệ. Thực tế cho thấy, nhiều người trở thành nhà khoa học là vì nhờ tạo ra công nghệ, công nghệ đưa lại lợi nhuận, lợi nhuận trở thành nguồn vốn. Do đó, trong quá trình này, nông dân chính là chủ thể, nhà doanh nghiệp, nhà băng là đối tác quan trọng, nhàn nước cần nghiên cứu nhiều hơn chính sách để hỗ trợ quá trình hình thành chuỗi liên kết hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Theo chia sẻ nông dân Trần Văn Tân – Chủ trang trại Queenfarm (Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) mô hình trồng dưa lưới Taki, rau thủy canh theo công nghệ Nhật Bản trang trại của ông đang áp dụng quy trình tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel và mô hình công nghệ, sản xuất của Nhật Bản. Nhờ đó, bình quân hiệu quả kinh tế từ mô hình này là rất cao. Hiện Dưa Taki trồng trong nhà lưới được 3 vụ/năm, mỗi vụ 30 tấn/vụ, doanh thu 1 năm 5,4 tỷ đồng. Nếu chỉ tính giá bình quân 20 triệu đồng/tấn thì từ rau thủy canh, mỗi năm cũng thu về trên 4 tỷ đồng. “Khi áp dụng mô hình này sẽ giúp tăng năng suất và sản lượng của cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế của nó cũng sẽ vượt trội hơn nhiều so với việc sản xuất truyền thống”, ông Tân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Tân(Long Hồ, Vĩnh Long), nông dân sở hữu trang trại nuôi lươn ứng dụng công nghệ cao với quy mô hàng chục ngàn mét vuông. Ảnh: N. Hải

Không ít lần thất bại, lỗ cả trăm triệu và đứng trước bờ vực phá sản nhưng nhờ kiên trì mày mò, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình nuôi lươn công nghệ cao của Nguyễn Thanh Tân (Long Hồ, Vĩnh Long) cũng đang mang lại số lợi nhuận lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Điểm nổi bật của mô hình này là tận dụng tiện ích từ công nghệ 4.0 để quảng bá, xây dựng thương hiệu. “Một điều cực kỳ đặc biệt của trang trại là Zalo, Facebook, website chiếm hơn 90 % lượng khách. Chúng tôi là đơn vị tiên phong về thương mại điện tử với sản phẩm này. Đó là thành công rất lớn”, anh Tân cho hay.

Tuy vậy, thực trạng ứng dụng KHCN trong nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Theo ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, trong thế giới phẳng, tràn ngập thông tin việc tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng, lai tạo, ghép giống…, thậm chí đang bị ngộ độc vì quá nhiều thông tin. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại không đơn giản với những nông dân “dám” khởi nghiệp. Bởi họ không biết nên học của ai, học từ đâu, trình độ có đủ để tiếp cận và học hỏi không.

“Vì vậy, vai trò định hướng của Nhà nước, nhà khoa học để KHCN phù hợp với trình độ chuyên môn và phù hợp với nhận thức, phù hợp với mô hình, loại hình nông nghiệp – nghĩa là phù hợp trong điều kiện thực tế sản xuất cho bà con nông dân rất quan trọng”, ông Cường cho hay.

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, đồng chí Thào Xuân Sùng ghi nhận và đánh giá cao những những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại diễn đàn. Đồng chí Thào Xuân Sùng cũng nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Đối thoại với Nông dân lần thứ 2 diễn ra tháng 12/2019 cũng về chủ đề này, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông sản hiện nay để đáp ứng các yêu cầu trong liên kết 6 “nhà”. Theo đồng chí Thào Xuân Sùng để làm tốt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới các Ban, đơn vị của T.Ư Hội Nông tham mưu cho Ban Thường vụ T.Ư Hội chủ trì chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan thực hiện 6 nội dung sau:

Thứ nhất, tại Diễn đàn này đều thống nhất cao rằng năng lực trí tuệ, khoa học công nghệ, nguồn lực tài chính là 3 yếu tố mang tính quyết định trong thời kỳ sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn chặt với thị trường. Với tinh thần đó, sau diễn đàn ngày hôm nay, Hội NDVN sẽ tập trung rất cao trong việc phối hợp với các bộ, ban, ngành để tối đa hoá lợi ích của người nông dân thông qua các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể để đạt được mục tiêu “3 cao” (năng suất cao nhất, chất lượng cao nhất và giá trị cao nhất.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Nông nghiệp Việt Nam có một vị thế hết sức quan trọng, là nền tảng cho nền kinh tế. Các hội viên, nông dân đã tích cực sản xuất, kinh doanh góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và liên tục gia tăng xuất khẩu gạo từ 1,4 triệu tấn năm 1989 lên 6,37 triệu tấn gạo năm 2019, chiếm vị trí số 1 trên thế giới về lượng và giá trị. Nông dân Việt Nam đã góp phần củng cố và xây dựng mối quan hệ ngoại giao nông sản, gắn bó giữa nước ta với các nước trên thế giới.

Thứ hai, T.Ư Hội NDVN phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT cùng các ban, bộ, ngành T.Ư và địa phương rà soát, tham mưu cho Chính phủ, đồng chí Thủ tướng chính phủ để có những điều chỉnh, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau Diễn đàn hôm nay, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN sẽ chủ động đề xuất xây dựng dự thảo đề án về liên kết 6 nhà, trên cơ sở đó xin ý kiến các bộ, ngành về đề án này để T.Ư Hội NDVN tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc tham dự, phụ trách cho Chính phủ đưa ra Quyết định hoặc cao hơn là Nghị định

Thứ ba, là tập trung đẩy mạnh đào tạo dạy nghề về kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên nông dân, giám đốc HTX, giám đốc các doanh nghiệp làm nông nghiệp. T.Ư Hội NDVN sẽ phối hợp tốt với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết vấn đề này.

Thứ tư, sau diễn đàn hôm nay, Hội NDVN sẽ khẩn trương lên kế hoạch tổ chức một hội nghị dành riêng cho các nhà nông có sáng kiến, sáng chế. Hội sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ, Ngân hàng nhà nước và các bộ ngành liên quan để lắng nghe, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học và các nhà sáng kiến.

Thứ  năm, Chủ tịch Thào Xuân Sùng trân trọng đề nghị lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì phối hợp với Hội NDVN chỉ đạo các cục, vụ của Bộ, các Sở Công thương các tỉnh, thành và các ban, đơn vị T.Ư Hội, nhất là Uỷ ban Kiểm tra T.Ư Hội để tiến hành kiểm tra giám sát, thanh tra một số nơi về hoạt động thương mại.

Thứ  sáu, chúng ta sẽ sơ kết, đánh giá kết quả 5 lần tổ chức diễn đàn, được gì chưa được gì để nâng cao chất lượng tổ chức các diễn đàn và tổ chức diễn đàn không chỉ theo chủ đề mà còn theo cả chuyên đề.

Cũng tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 5 , Ban Tổ chức Cuộc thi “Làm nông thời công nghệ 4.0” cũng tổ chức trao giải cho các cá nhân đoạt giải. Theo đó, 1 giải Vàng trị giá 30 triệu đồng được trao cho ông Nguyễn Thế Hải với dự án “Ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn trong ấp trứng cá tầm, cá hồi và xử lý nguồn nước trước và sau sử dụng”, 1 giải Bạc trị giá 20 triệu đồng được trao cho ông Trần Văn Tân với dự án “Trồng dưa lưới Taki, rau thủy canh trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính”, 1 giải Đồng trị giá 15 triệu đồng được trao cho ông Nguyễn Thanh Tân với dự án “Sản xuất kinh doanh lươn giống nhân tạo, kết nối khách hàng qua Internet, nuôi lươn thương phẩm bằng phương pháp tự động hóa điều khiển bằng phần mềm PLC” và 3 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 10 triệu đồng.

   Hải Quỳnh