Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển
Tìm giải pháp căn cơ giảm thiểu thiệt hại do lũ ống, lũ quét
10:46 29/09/2018 GMT+7

Chiều 28.9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp  tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp hạn chế thiệt hại bởi thiên tai lũ ống, lũ quét và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai để nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc định canh, định cư bền vững”.

Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Thào Xuân Sùng. Tham dự điều hành Hội nghị còn có Thứ  trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lều Vũ Điều và Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Tổng cục, cục, vụ, viện, ban, đơn vị của hai bên và một số nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

Thiên tai ngày càng khó lường

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết, quản lý tài nguyên và môi trường có liên quan trực tiếp đến nông dân, nông thôn; do đó công tác phối hợp giữa Bộ TNMT và Hội NDVN được triển khai thực hiện từ cách đây 13 năm với nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả, thực chất trong xây dựng chính sách, pháp luật nhất là trong các lĩnh vực xây dựng chính sách pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên nước… Hội nghị này sẽ là bước tiếp theo nâng cao chất lượng hợp tác, hình thành các bước chuẩn bị cho nghiên cứu, xây dựng chính sách, giải pháp phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, lũ ống khu vực phía Bắc, bao gồm các giải pháp công trình và phi công trình.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo nghiên cứu, thống kê của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Quản lý đất đai, Viện Khoa học địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy trong những năm gần đây, thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần suất, ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường và tính tàn phá cũng ngày càng khốc liệt hơn. Chỉ tính riêng năm 2017 đã có 16 cơn bão lớn nhỏ và 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp nước ta; từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai với 6 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới, 212 trận giông, lốc sét, 12 trận lũ quét, sạt lở đất… Thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, với quy mô lớn hơn đe doạ đến tính mạng, tài sản, sinh kế cho nhân dân nhất là ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Đại diện một số cục, viện nghiên cứu khác của Bộ TNMT cũng có một số tham luận phân tích chuyên sâu về tình hình thiệt hại, nguyên nhân của lũ quét, lũ ống, cùng những dự báo, nhận định về thiên tai, giúp người tham gia hội nghị thấy rõ hơn thực trạng khốc liệt của thiên tai và cả những nguyên nhân từ con người gây ra.

Cùng với những tham luận, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội NDVN, bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn- Trung ương Hội NDVN đề xuất: “Để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, nâng cao năng lực cho nông dân phòng chống thiên tai, định canh, định cư bền vững”, hai cơ quan cần những giải pháp lớn trong thực hiện và phối hợp thực hiện như:  Trung ương Hội ND, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, khẩn trương rà soát, di dời khẩn cấp dân cư tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất; phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ số hộ dân cần di dời khẩn cấp được bố trí đến nơi an toàn, nơi định canh, định cư có điều kiện thuận lợi về: Đất ở, đất sản xuất, đường giao thông, điện, nước, y tế, trường học…; các hạng mục dân sinh, đáp ứng nhu cầu thường ngày của nông dân”.

Hai đơn vị cùng tham gia xây dựng chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai, định canh, định cư bền vững ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó, tập trung chính vào việc nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; xây dựng thí điểm lắp đặt cảnh báo tại một số điểm có nguy cơ cao cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, tập trung triển khai các chương trình, dự án như xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ chứa, sạt lở, thí điểm cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khe núi và ven đường giao thông. Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, đặc biệt là nâng cao năng lực dự báo mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; Có kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn trước lũ quét, sạt lở đất gắn với sinh kế của đồng bào, ngăn chặn việc phá rừng; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản…

Cần có giải pháp đúng và trúng, hợp lý, hợp tình!

Phát biểu kết luận một số điểm tại hội nghị, ông Thào Xuân Sùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao những ý kiến phát biểu, tham luận của các diễn giả, các chuyên gia đã trình bày tại Hội nghị, ông Thào Xuân Sùng cho biết: Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn vấn đề thiên tai do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc để nghiên cứu, trao đổi, xác định các giải pháp căn cơ nhằm tổ chức cuộc sống định canh, định cư bền vững cho đồng bào nông dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Thào Xuân Sùng phát biểu tổng kết Hội nghị.

Ông Thào Xuân Sùng khẳng định, các báo cáo chuyên đề, tham luận  tại Hội nghị đã cung cấp những thông tin quý giá và đề xuất nhiều giải pháp hữu ích để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh vùng miền núi phía Bắc nước ta phòng tránh được thiên tai do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, xây dựng cuộc sống thực sự được bền vững.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã nhấn mạnh 9 vấn đề để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TNMT cần nghiên cứu, phối hợp chuẩn bị, triển khai thực hiện từ nay đến quý I năm 2019 – thời điểm dự kiến hai bên sẽ chốt lại những nội dung hợp tác cụ thể về chủ đề này. Theo đó, các đơn vị của 2 cơ quan được giao tiếp tục nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng thực trạng thiên nhiên, địa lý, địa chất của vùng miền núi phía Bắc, nắm chắc đặc điểm tình hình xưa kia và hiện nay để xác định được một hệ thống giải pháp khả thi và đúng đắn.

Trung ương Hội NDVN và Bộ TNMT sẽ tập trung thúc đẩy triển khai thực hiện tích cực chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (giai đoạn 2011 – 2020) và tầm nhìn đến 2050. Để có thể tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược này, hai bên cần tiếp tục tập trung phối hợp với UBND các tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân và vận động mọi người thực hiện thi đua yêu nước, thực hiện xanh hóa sản xuất nông nghiệp, xanh hóa lối sống ở nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Bộ TNMT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc và trình Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tốt Luật Phòng chống thiên tai và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 17/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai nhằm phụ vụ cho công tác quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội.

Hai cơ quan cùng phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tăng trưởng xanh và nhân dân gắn bó với rừng, vì lợi ích của nhân dân và an ninh môi trường của đất nước. Bộ TNMT và Trung ương Hội sẽ chủ động chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể để tổ chức các đoàn liên ngành nhằm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành luật Phòng chống thiên tai, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng thủy văn và xây dựng các mô hình “thôn bản định canh, định cư bền vững, an toàn trước thiên tai” trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho nông dân.

Trung ương Hội NDVN và Bộ TNMT hi vọng tìm ra những giải pháp căn cơ, tạo tiền đề vững mạnh giúp nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động phòng và ứng phó hiệu quả hơn đối với lũ ống, lũ quét.

Bộ TNMT và Trung ương Hội NDVN sẽ tăng cường nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và định canh, định cư bền vững, đồng thời, đôn đốc UBND các tỉnh khẩn trương tổ chức di dời tái định cư cho bộ phận hộ dân có nguy cơ về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và phấn đấu hoàn thành công tác này trong năm 2025.

Theo phát biểu kết luận Hội nghị của ông Thào Xuân Sùng, thời gian tới,  các Ban, đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị của Bộ TNMT phối hợp với nhau nghiên cứu, đề xuất các đề án theo hướng tiết kiệm sử dụng đất, sử dụng nước, sử dụng tài nguyên với phương châm hành động là “giảm nhanh sản xuất lương thực trên đất dốc, tăng nhanh trồng cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi những con gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao” – Chủ tịch Thào Xuân Sùng nói.

“Sau Hội nghị này, tôi và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Hội NDVN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TNMT từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở nhằm có nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại bởi thiên tai lũ ống, lũ quét và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai để nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc định canh, định cư bền vững trong thời gian tới”.

Ông Thào Xuân Sùng

Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Chu Hồng Châu