Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tinh xảo nghệ thuật điêu khắc Đình Phù Lão

21:41 27/09/2018 GMT+7

Đình Phù Lão, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) là ngôi đình thời Lê, thế kỷ 17, dựng năm 1688. Đây là ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo không chỉ của Bắc Giang mà của cả Việt Nam.

Quang cảnh ngôi đình Phù Lão.

Giá trị điêu khắc nghệ thuật của đình được thể hiện ở các kết cấu kiến trúc của đình như tai cột, kẻ, bẩy, cốn, diệp… với những hình ảnh chạm khắc sinh động.

Vào đình Phù Lão, ta có thể thấy trên các kẻ là những bức chạm nổi hình ảnh mang phong cách văn hóa dân gian như: Những con rồng mẹ, rồng con có đầu như quả na hồn nhiên cùng các hình cô gái, chàng trai, võ sỹ, tiên nữ, nghê ngao đủ các tư thế. Điều đặc biệt ở những bức chạm khắc trong ngôi đình này là rất nhiều hình ảnh con rồng. Hầu như ở bức chạm khắc nào cũng có bóng dáng của rồng với đủ loại tư thế, kích cỡ.

Có thể nói, rồng là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ, của phương Đông và của mùa xuân. Dưới thời phong kiến, rồng được suy tôn là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy. Thế nhưng, rồng xuất hiện ở đình Phù Lão lại hết sức sinh động, gần gũi với con người, hoà quyện với người dân làng xã…

Hình các bức điêu khắc trong đình Phù Lão.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, chạm khắc ở đình Phù Lão là chạm theo lối chạm lọng – có nghĩa là phải chạm thủng kênh bong ở những chỗ cần thiết để làm các hình nổi hẳn lên theo lối tượng tròn. Lối chạm này rất khó, phải có những dụng cụ chuyên dùng mới kênh bong được và người thợ chạm phải hiểu phép chạm đối với từng hình, từng chủ đề trên cấu kiện kiến trúc.

Đình Phù Lão là ngôi đình có nhiều bức chạm đẹp nổi tiếng mô tả cuộc sống dân gian – chỗ thì tả cảnh vui chơi, đàm đạo, rượu chè trăng gió. Chỗ thì tả cảnh nam nữ tỏ tình, trên người không có xiêm y. Có bức thì đấu vật, đánh võ. Có bức tả cảnh lao động hăng say. Bên cạnh những hoạt động của con người lại có hình ảnh các con vật như nghê, lân, ngựa, rắn, tắc kè, thạch sùng. Phải chăng, những nghệ nhân dựng đình xưa kia muốn gửi gắm mong ước về một xã hội tốt đẹp, làng quê trù phú, bình yên.

Đình Phù Lão được khởi dựng vào năm 1688, thời vua Lê Chính Hoà thứ 15. Từ nguyên sơ đình Phù Lão có kiến trúc theo lối chữ nhất (-), chỉ có toà đại đình dài 13m, rộng 12m; sau này mới nối thêm phía sau 2 gian hậu cung. Phía trước, bên trái đình Phù Lão còn có một tấm bia tứ diện khá hơn, cao hơn 1m ghi công bà Đào Thị Hiền đã đóng góp tiền của xây dựng đình, tấm bia này cũng là minh chứng cho năm xây dựng đình. Đình là nơi thờ thánh Cao Sơn – Quý Minh, ngoài ra còn thờ hai vợ chồng ông Hậu là những người có công tạo dựng ngôi đình.

Đình Phù Lão và những mảng điêu khắc gỗ độc đáo

Đình Phù Lão toạ lạc trên một dải đất cao, thoáng, đẹp ở phía đầu làng thuộc thôn Tây Lò. Làng Phù Lão xưa, nay tách thành 3 thôn Tây Lò, Đông Thắm và Núi Dứa. Mặt đình quay về phía xóm làng, soi mình xuống bến nước trong veo. Ngôi đình đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc- nghệ thuật cấp quốc gia.

Hằng năm, làng Phù Lão có hai tiết lệ lớn, mở hội làng vào Rằm tháng Ba và lệ làng vào Rằm tháng Tám. Khi ấy, người dân Phù Lão nói riêng, xã Đào Mỹ nói chung và đông đảo du khách thập phương lại tụ hội về ngôi đình có nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo này./.

Nguyễn Khắc