Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Tôi vẫn còn nợ nông dân”

14:10 14/10/2020 GMT+7

Được biết đến là một trong những người luôn gắn bó và tận tâm với nông dân, trong suốt thời gian công tác tại T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), ông Lê Văn Nhẫn, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN đã có những đóng góp mang tính đột phá trong việc hình thành chủ trương, định hướng cụ thể, thiết thực, với tầm nhìn chiến lược để phát triển phong trào nông dân cả nước, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, góp phần nâng cao vị thế, vai trò nòng cốt của Hội NDVN.

Ông Lê Văn Nhẫn – Nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN. Ảnh Hồng Châu

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội NDVN, ông đã chia sẻ với Tạp chí Nông Thôn Mới một vài kỷ niệm sâu sắc trong thời gian ông công tác.

Để nông dân học nông dân, giúp nhau thoát nghèo

Theo chia sẻ của ông Lê Văn Nhẫn, từ cán bộ thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông được phân công sang Trung ương Hội NDVN vào năm 1991, sau Đại hội Hội NDVN lần thứ nhất 3 năm, thời điểm đó đất nước đang bước vào giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới, cuộc sống của nhân dân nói chung và nông dân nói riêng vẫn còn rất nhiều khó khăn sau thời gian dài “bao cấp”.

Ông nhớ lại, lúc đó cán bộ các cấp Hội NDVN khi xây dựng chương trình hoạt động công tác Hội chủ yếu bàn về công tác chính trị – tư tưởng là chính, chưa nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ chủ yếu của Hội ND trong đời sống xã hội. Là người đã có 20 năm công tác tại T.Ư Đoàn, luôn gắn bó với phong trào tại các địa phương, gần dân, sát dân, ông thấu hiểu được những khó khăn, vất vả cũng như những bức xúc của người dân. Vì vậy, lúc đó ông đã đưa ra ý kiến: “Cái cần nhất của Hội ND lúc này là quan tâm đến đời sống nông dân một cách cụ thể, làm sao cho đời sống nông dân được nâng cao. Muốn như vậy, chúng ta cần tham khảo cách làm của những gương nông dân điển hình trong sản xuất hiệu quả, sau đó hỗ trợ nhân rộng các mô hình này, để nông dân dạy nông dân, nông dân học nông dân, cùng giúp nhau thoát nghèo, nâng cao đời sống”.

Cũng lúc này, ông đang tham gia phối hợp với một số nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong việc thực hiện Đề tài “Nông dân không có đất sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long” do Thủ tướng Chính phủ giao, trước những thực tế của đề tài, ông đưa ra ý định mời những nông dân sản xuất giỏi trong cả nước gặp mặt, qua đó giúp nông dân trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm của họ, giúp cán bộ Hội ND có cái nhìn cụ thể hơn về phong trào tại cơ sở, là thực tế cho những quyết sách, chương trình hoạt động. “Do là Hội ND nên mình chỉ đưa ra tiêu chí ND sản xuất giỏi, nhưng vì đề tài phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên họ đề nghị thêm chữ “Kinh doanh”, Lúc đó Hội đồng ý bởi khi đó xã hội đã bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động kinh tế tư nhân thông thoáng hơn trước rất nhiều, đó cũng là tính tất yếu của thời cuộc. Sau khi trình lên cấp trên được thông qua, tôi khi đó là Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội được giao chuẩn bị, biên tập tài liệu, tập hợp danh sách nông dân sản xuất-kinh doanh (SXKD) giỏi để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc Nông dân SXKD giỏi lần thứ Nhất. Đó là một kỷ niệm sâu sắc trong thời gian tôi công tác tại Hội NDVN”.

Thành lập Quỹ Hỗ trợ Nông dân: “Hội ND không kinh doanh tiền”

Chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần II, ông Lê Văn Nhẫn được lãnh đạo Trung ương Hội giao viết dự thảo văn kiện Đại hội. Ông kể: “Khi đó trong cán bộ Hội ND các cấp vẫn còn đấu tranh tư tưởng về phương pháp hoạt động của Hội chủ yếu là vận động quần chúng, không đi vào công việc cụ thể, sợ chồng chéo với hoạt động của ngành Nông nghiệp. Tôi lúc đó đưa ra quan niệm, ngoài công tác vận động tuyên truyền, Hội ND cần hỗ trợ cụ thể, trực tiếp cho ND thông qua tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Và thực tế là: Nông dân luôn thiếu vốn để đầu tư, mở rộng SXKD, Hội ND cần làm như thế nào để hỗ trợ họ. Thời điểm đó, các ngân hàng chưa cho nông dân vay vốn, muốn vay phải qua các hợp tác xã. Khi ông Nguyễn Văn Chính (ông Chín Cần) về làm Chủ tịch Trung ương Hội NDVN từ tháng 6/1992, tôi đã báo cáo với ông Chín Cần vấn đề này. Ông đã yêu cầu tôi sang làm việc với Bộ Tài chính đề xuất cho Hội ND tổ chức phát hành vài cuộc xổ số lấy tiền gây quỹ hoạt động. Trong một chuyến công tác tại Bangladesh, tôi tâm đắc với mô hình ngân hàng vì người nghèo do một bác sĩ nước này sáng lập, nên trước phương án “phát hành xổ số”, tôi nghĩ cần xin cơ chế hoạt động cho một mô hình lâu dài để phục vụ cho nhân dân”.

Sau đó, ông Lê Văn Nhẫn đã trình bày đề án dài 3 trang xin thành lập Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) trình lên lãnh đạo Hội NDVN và được hoàn thiện để Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trình lên Ban Bí thư. Nhưng lúc này, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cũng vừa ra đời.

“Ông Cao Sỹ Kiêm – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc đó cho rằng, việc giúp ND vay vốn nên để NHCSXH làm, Hội ND chỉ tham gia thôi. Nhưng ý kiến của Hội NDVN rất rõ ràng quan điểm: Đặc điểm của Quỹ HTND là không kinh doanh tiền tệ, mà Hội ND chỉ “Hỗ trợ”. Quỹ chỉ tạo điều kiện cho ND vay vốn làm ăn, là công cụ giúp Hội sát với dân và nông dân trả ơn bằng 1 khoản phí (không phải là tính lãi). Mục đích của Quỹ HTND là phục vụ nông dân nói chung và chủ yếu hỗ trợ nông dân nghèo. Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đồng tình với Hội ND về vấn đề này, Chủ tịch nước cho rằng Hội NDVN không phải là tổ chức làm kinh tế nên cần tạo điều kiện cho Hội hoạt động. Từ đó, Quỹ HTND ra đời. Ông Lò Văn Inh – Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN được giao điều hành Quỹ”- ông Lê Văn Nhẫn nhớ lại.

Ông Lê Văn Nhẫn cùng ông Nguyễn Văn Chính – nguyên Chủ tịch T.Ư Hội NDVN (ngoài cùng bên phải) trong chuyến thăm Ai Cập năm 1994. Ảnh tư liệu

Trăn trở vì món nợ với nông dân

Từ sau Đại hội toàn quốc Hội NDVN lần thứ II (năm 1993), ông Lê Văn Nhẫn đã tham gia xây dựng nhiều đề án đưa Hội ND trực tiếp tham gia vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng với nhà nước thông qua các hoạt động dịch vụ hỗ trợ mà trước đó chưa thực hiện. Cùng với đó là sự ra đời của các Trung tâm thuộc Hội NDVN nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của hoạt động Hội trước nền kinh tế đất nước đang ngày càng đa dạng (Trung tâm thực nghiệm, Trung tâm Môi trường nông thôn, Công ty Xuất khẩu lao động…).

Sau khi nghỉ hưu, điều mà ông Lê Văn Nhẫn vẫn còn băn khoăn, trăn trở đó là chưa hoàn thành thực hiện chương trình bảo hiểm cho nông dân. Theo ông, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân là một loại bảo hiểm do Nhà nước tổ chức cho người nông dân tham gia được phép chọn tỷ lệ thanh toán và phương thức thanh toán phù hợp với thu nhập của họ, đó là cách làm theo hướng kinh doanh, khi không đạt kết quả mong muốn lại chuyển sang “cho không”, đánh giá nông dân như vậy là chưa đúng.

Sau khi nghiên cứu mô hình bảo hiểm cho nông nghiệp, nông dân tại 3 quốc gia, nhất là trong chuyến công tác tại Cộng hòa Pháp vào tháng 1/1994, ông Lê Văn Nhẫn đã tìm hiểu kỹ về mô hình bảo hiểm nông dân của Tập đoàn Bảo hiểm Groupama và ấn tượng với sự thành công của mô hình này. “Đó là mô hình bảo hiểm tương hỗ, là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề hoặc sinh sống trên cùng một địa bàn và có cùng loại rủi ro, thành viên của tổ chức bảo hiểm tương hỗ vừa là bên mua bảo hiểm, vừa là chủ sở hữu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Theo tôi mô hình này phù hợp với hoàn cảnh của NDVN hơn, nhưng rất tiếc tôi đã chưa hoàn thành được công việc đó, đó là món nợ của tôi với nông dân mà tôi vẫn trăn trở” – ông Lê Văn Nhẫn nhớ lại.

“Nếu không có ông Chín Cần thì chắc không có sự ra đời của Quỹ HTND, bởi lúc đó ông là Phó Thủ tướng sang nhận nhiệm vụ lãnh đạo Hội NDVN, bằng tâm huyết và uy tín của ông, mới giúp Hội NDVN phản biện những ý kiến không đồng tình của các đơn vị khác. Tôi nhớ khi nghe tin Hội NDVN được phép thành lập Quỹ HTND, đã gần 10 giờ đêm, ông Chín Cần đã gọi tôi và một vài đồng chí đến nhà riêng, ông khui vài lon bia chúc mừng, mọi người đón nhận tin vui mà không nói lên lời”.
Ông Lê Văn Nhẫn – nguyên Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN

Chu Hồng Châu