Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trưởng BQL khu công nghệ cao nói về rào cản khiến Việt Nam mất lợi thế thu hút đầu tư

09:55 03/04/2023 GMT+7
Tốc độ ra quyết định chậm, thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư chiến lược… là những rào cản chính khiến Việt Nam mất lợi thế trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh sự dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành đang diễn ra mạnh mẽ cả trên phương diện tốc độ và cường độ.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Khu CNC TPHCM đạt 23 tỷ USD

Thời cơ vàng 'trăm năm có một'

Xu hướng dịch chuyển đầu tư đã và đang diễn ra. Với nhiều lợi thế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hấp dẫn, nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn, trong đó có các tập đoàn công nghệ.

Đánh giá về xu hướng dịch chuyển đầu tư này, Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TPHCM (Khu CNC TPHCM) Nguyễn Anh Thi cho rằng, tác động của đại dịch COVID-19, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và chiến tranh giữa Nga và Ukraina đang đã đặt ra yêu cầu hết sức cấp thiết đối với các quốc gia, tập đoàn đa quốc gia trong việc tái cấu trúc chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tăng sức chống chịu trước những rủi ro tương tự trong tương lai.

Với những lợi thế về địa chính trị, sự ổn định kinh tế vĩ mô và độ mở của nền kinh tế, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến tiềm năng, được các tập đoàn CNC đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc có rất nhiều đoàn doanh nghiệp CNC của các nước đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua. 

Đây là thời cơ vàng "trăm năm có một" để Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu trong những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn.

Có thể nhận định, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và Việt Nam cần phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để đón đầu xu hướng.

Trong 4 lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, Khu CNC TPHCM xác định tập trung vào vi mạch điện tử, hướng đến hình thành hệ sinh thái sản phẩm vi mạch điện tử tích hợp, bán dẫn hoàn chỉnh từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm vi mạch, bán dẫn.

3 giải pháp để đón làn sóng đầu tư mới

Với Khu CNC TPHCM, ông Nguyễn Anh Thi cho biết, với vai trò, vị trí của một khu CNC quốc gia, Khu CNC TPHCM có sứ mạng phải góp phần trực tiếp vào xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn cho đất nước, qua đó giúp thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các ngành, thời gian qua BQL Khu CNC TPHCM đã tập trung chuẩn bị một số giải pháp, trong đó có 3 giải pháp chính:

Thứ nhất, xác định các ngành công nghiệp chiến lược mà Khu CNC TPHCM tập trung vào phát triển trong giai đoạn tới.

Theo đó, trên cơ sở định hướng phát triển chung của quốc gia, định hướng phát triển của TPHCM, xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp và hiện trạng các hệ sinh thái ngành của Khu CNC TPHCM, BQL xác định các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học và hàng không dân dụng là các ngành công nghiệp mà Khu CNC TPHCM sẽ tập trung xây dựng và phát triển.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thu hút đầu tư, tiếp theo việc xác định các ngành chiến lược là việc phân tích, xác định các khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh. Ví dụ, đối với ngành vi mạch bán dẫn thì thiết kế và đóng gói là các khâu mà Việt Nam có thế mạnh để thu hút đầu tư.             

Thứ hai, chuẩn bị các cơ chế, chính sách, rà soát, hoạch định các quỹ đất, văn phòng cho thuê, đặc biệt là chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho thu hút đầu tư.      

Thứ ba, xác định một cách có chủ đích các quốc gia, tập đoàn chiến lược sẽ tập trung tổ chức xúc tiến đầu tư trong năm 2023 và thời gian tới gắn với các ngành công nghiệp, công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh và gắn với trọng tâm phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn tới là phát triển doanh nghiệp trong nước.

Sự kiện công bố đầu tư vào Việt Nam của Tập đoàn Intel năm 2006 đã góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ của ngành CNC và công nghệ thông tin trên toàn cầu. Năm 2021, nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam đã cán mốc xuất khẩu 50 tỷ USD - Ảnh: Intel

Những cản trở thu hút đầu tư

Trả lời câu hỏi làm sao để Việt Nam nói chung, cụ thể là Khu CNC TPHCM trở thành điểm đến của sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đang diễn ra, trong đó có nhiều tập đoàn công nghệ, ông Nguyễn Anh Thi cho rằng, ở cấp độ quốc gia, sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô tăng trưởng cao, độ mở của nền kinh tế lớn, quy mô thị trường nội địa xấp xỉ 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, chịu khó, ham học hỏi, chi phí lao động thấp… được đánh giá là những lợi thế chủ yếu của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Ở cấp độ TPHCM, chất lượng nguồn nhân lực và sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược trong một số ngành, như Intel là lợi thế so sánh để Thành phố phát triển những ngành công nghiệp chiến lược, những công đoạn có giá trị gia tăng cao.  

"Tốc độ ra quyết định chậm, thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư chiến lược và sự rối rắm trong thực hiện các thủ tục hành chính dẫn đến việc không thể đưa ra các cam kết về thời gian triển khai dự án... đang là những rào cản chính khiến Việt Nam đánh mất lợi thế trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh sự dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành đang diễn ra mạnh mẽ cả trên phương diện tốc độ và cường độ", người đứng đầu Khu CNC TPHCM chia sẻ.     

Riêng với Khu CNC TPHCM, khó khăn lớn nhất, cơ bản nhất liên quan đến thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính. Với việc ra đời của các luật chuyên ngành, cơ chế "một cửa, tại chỗ" trước đây của BQL Khu CNC TPHCM bị phá vỡ dẫn đến thời gian triển khai của các dự án đầu tư bị kéo dài.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư chịu áp lực rất lớn về thời gian triển khai dự án như hiện nay thì việc BQL không thể khẳng định khung thời gian có thể hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án (do thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính nằm ở các cơ quan khác nhau) là một bất lợi rất lớn trong việc thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Thi hy vọng, việc ra đời của Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TPHCM sắp tới sẽ giúp tháo gỡ được khó khăn cơ bản này.

Trong dài hạn, người đứng đầu Khu CNC TPHCM kiến nghị cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho các khu CNC quốc gia để thực hiện nhiệm vụ của mình là tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn và ưu tiên cho đất nước.

Tính đến cuối năm 2022, Khu CNC TPHCM có 162 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 12,087 tỷ USD. Trong đó, 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 10,106 tỷ USD (chiếm 84%), 111 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 1,981 tỷ USD (chiếm 16%), vốn đầu tư trung bình 74,61 triệu USD/dự án.

Trong số các dự án đầu tư nước ngoài, có hơn 10 tập đoàn CNC hàng đầu thế giới có mặt tại Khu CNC TPHCM, như: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa kỳ), Nidec, Nipro, NTT (nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Italy), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)...

Năng suất lao động của Khu CNC TPHCM cao gấp 6,6 lần so với bình quân của TPHCM và 16,6 lần cả nước.

Theo Chính phủ 

TỪ KHÓA #góc nhìn