Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vấn đề đạo đức nghề báo đang có xu hướng được điều chỉnh

07:10 21/06/2021 GMT+7

Về vấn đề “đạo đức nghề báo” đã được quy định rất cụ thể trong Luật Báo chí (2016), bao gồm các quy định về xử lý vi phạm đạo đức nghề báo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy là trong chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam cũng nêu 10 điều về đạo đức nghề báo. Đối với Hội Nhà báo tại các địa phương cũng có những yêu cầu, quy tắc riêng quy định với hội viên về đạo đức nghề báo.

Nhà báo Nguyễn Thành Luân (bên trái) .

Ở đây, tôi xin không nhắc lại những quy định nêu trên mà tập trung chia sẻ góc nhìn cá nhân của mình liên quan đến vấn đề này.

Như chúng ta đều biết, báo chí Việt Nam vừa trải qua đợt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đến nay, nhiều Bộ, ngành, cơ quan chủ quản báo chí Trung ương và địa phương đã thực hiện xong việc sáp nhập các cơ quan báo chí, tạp chí… Sau sáp nhập, các cơ quan báo chí đang dần ổn định về cơ cấu tổ chức, nhân sự, hoạt động bám theo tôn chỉ, mục đích của mình. Sở dĩ, tôi bắt đầu từ bối cảnh quy hoạch báo chí kể trên để chúng ta thấy rằng về quan niệm đạo đức báo chí cũng có những cập nhật mới về nhận thức, quan niệm để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Điển hình của những thay đổi sau quy hoạch báo chí, chúng ta thấy các trường hợp, đối tượng vi phạm về đạo đức nghề báo đều đã bị xử lý nhanh chóng, công khai, minh bạch. Đáng chú ý, trong hai năm gần đây các trường hợp bị phát hiện, xử lý vi phạm có tần suất nhiều hơn, sau đó được công bố công khai trên các phương tiện báo in, báo điện tử…

Bối cảnh kể trên cho thấy vấn đề về đạo đức nghề báo đã không thiên nhiều về điều chỉnh ở khía cạnh hành vi đạo đức, lối sống, văn hóa như trước đây, mà đang có xu hướng được điều chỉnh, xử lý nghiêm minh bởi các quy định về xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.

Trong môi trường làm báo như vậy, đạo đức nghề báo gắn với việc người làm báo phải đảm bảo các nguyên tắc hết sức cụ thể, rõ ràng, trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Đương nhiên, nếu vượt qua những “lằn ranh” ấy thì người làm báo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Như vậy, từ các vấn đề đặt ra nêu trên, vấn đề đạo đức nghề báo đòi hỏi trước hết là thái độ và hành vi ứng xử của người làm báo phải tuân thủ, phù hợp theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan, đơn vị mình công tác. Kế đến, khi được phân công tác nghiệp cần trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi, tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật báo chí. Ngoài việc hoàn thành công việc tác nghiệp được giao, người làm báo phải đảm bảo chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia không gian mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Bởi vì, lúc này người làm báo không chỉ thể hiện vai trò cá nhân, mà đang đại diện uy tín của một tập thể cơ quan báo chí cụ thể.

Hơn bao giờ hết, người làm báo phải ý thức, trách nhiệm đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, quyền và lợi ích của người dân, những người yếu thế trong xã hội; giám sát, phản biện hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là vai trò trong phòng chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm đấu tranh, xử lý tận gốc.

Ái Vân (ghi)