Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vì nông dân và dựa vào nông dân là phương pháp tư duy đúng đắn, khoa học của cố Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc

14:32 29/12/2020 GMT+7

Đó là nhận định của TSKH. Thào Xuân Sùng – Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – Chân dung một con người  đổi  mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp” do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tại Hà Nội, ngày 29.12.2020.

TSKH. Thào Xuân Sùng – Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu tại buổi Hội thảo. Ảnh: Trần Quảng

Chủ trì Hội thảo có đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; PGS.TS Dương Trung Ý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM; đồng chí Phan Xuân Thuỷ – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, các bộ, ban, đoàn thể ở T.Ư, lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội; đại diện lãnh đạo HND 13 tỉnh, thành phố; các chuyên gia, các nhà khoa học, hội viên nông dân.

Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời là dịp làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc nói chung, và sự nghiệp phát triển nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi giai cấp nông dân, xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Dương Trung Ý khẳng định: Chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968 do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc khởi xướng là một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng “dong công, phóng điểm” diễn ra phổ biến trong các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ. “Khoán hộ” chính là những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp. Và tại cuộc Hội thảo lần này đề nghị các nhà khoa học, đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ những nội dung chủ yếu sau:

PGS.TS Dương Trung Ý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N. Thuỷ

Thứ nhất, làm rõ sự đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc góp phần thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp và nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc những năm 1960 – 1970.

Hai là, khẳng định những tác động từ sự đổi mới tư duy kinh tế trong nông nghiệp của  đồng chí Kim Ngọc đối với quá  trình hoạch định đường lối đổi mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng.

Ba là, khẳng định bản lĩnh, sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc.

Bốn là, đúc kết những bài học, kinh nghiệm quý nhằm xây dựng nhân cách, đạo đức, tác phong của người cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay.

Trao đổi về vai trò, vị trí của kinh tế hộ gia đình và mô hình kinh tế HTX theo PGS.TS Đào Thế Anh – Hội Khoa học Phát triển Nông thôn: Trong quá trình đi lên của nền kinh tế, nông dân ở các vùng không còn là những hộ sản xuất tự cung tự cấp mà đã từng bước chuyển dần sang sản xuất nông sản hàng hoá. Kinh tế hộ đã dần phá vỡ vỏ bọc khép kín để tạo ra nhiều nông sản hàng hoá trao đổi trên thị trường. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá, phân công lao động sản xuất, cũng như khai thác sử dụng đất đai với hiệu quả cao hơn. Thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng lao động nông thôn, mô hình kinh tế hợp tác và tổ chức HTX nông nghiệp đã phát triển với nhiều loại hình phong phú. Những mô hình HTX đa dạng xuất hiện trong thực thi Luật HTX 2012 mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, đã góp phần thiết thực vào đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên không thể có HTX tốt nếu không có kinh tế hộ nông dân năng động.

Ông Nguyễn Tiến Định – Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Dẫu đã trên nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bí thư Kim Ngọc cùng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành “Nghị quyết số 68-NQ/TU về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”, nhưng bài học từ Nghị quyết này về phát triển kinh tế hộ, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nguyên giá trị. Chế độ 3 khoán và những nội dung nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 68-NQ/TU vẫn là những vấn đề rất phù hợp với cơ sở khoa học về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển nông nghiệp, nông thôn trong nền kinh tế thị trường.

Những yêu cầu về “sử dụng được hết và tốt mọi khả năng lao động đồng nghĩa với việc phải tổ chức lại mô hình quản lý, quản trị HTX, mở rộng và đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh ở nông thôn, cải tiến công cụ, ứng dụng KHKT vào sản xuất, đào tạo, huấn luyện và chấn chỉnh thái độ tác phong làm việc của người lao động, nhưng quan trọng nhất là phải quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của người lao động, trong đó đặc biệt là lợi ích kinh tế hiện đang được thể chế hóa và nâng tầm trong các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hộ nông dân, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khẳng định những giá trị, kế thừa và phát triển sang tạo tư duy đổi mới của đồng chí Bí thư Kim Ngọc đối với nông nghiệp của Vĩnh Phúc hiện nay, đồng chí Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Chủ trương “Khoán hộ” là một hướng đi tích cực trong việc tìm tòi cách thức làm ăn mới, cách thức quản lý mới, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động của mình nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Vĩnh Phúc, tháo gỡ các khó khăn, cản trở trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đó còn là những đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những cơ sở để Trung ương tham khảo, hoạch định đường lối đổi mới, mà trước hết là đổi mới sản xuất nông nghiệp.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của tỉnh Vĩnh Phúc, luôn năng động, sáng tạo, tìm tòi, phát hiện và đề ra những chủ trương, quyết sách có tính đột phá trong lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp…. Đến nay, kinh tế nông nghiệp của Vĩnh Phúc phát triển và chuyển dịch tích cực; chăn nuôi đang từng bước trở thành ngành sản xuất chính của người dân. Sản xuất nông nghiệp đã và đang từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, chuyên nghiệp theo các mô hình mới, có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, có sự hỗ trợ của Nhà nước; dồn thửa đổi ruộng thực hiện thí điểm thành công trên địa bàn 2 xã Ngũ Kiên, Cao Đại (huyện Vĩnh Tường) và đang tích cực triển khai nhân rộng ra nhiều xã khác trong tỉnh. Một số vùng trồng trọt hàng hóa tập trung được hình thành, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, trong đó tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt trên 75% tổng diện tích gieo trồng lúa, cơ giới hóa trong sản xuất đạt cao. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá so sánh năm 2010) đạt 10.394,2 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2019. Giá trị sản xuất và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 145 triệu đồng/ha…

Ông Đỗ Đức Hoà – Chủ tịch Hội ND Hải Phòng cũng cho biết thêm: Từ những kinh nghiệm, bài học trong khoán hộ của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc, hiện nay vẫn còn nguyên những giá trị đối với Hải Phòng. Thực tế những năm gần đây, trên các cánh đồng, cây lúa đã không đem lại thu nhập để đủ trang trai cho cuộc sống của người nông dân. Những cánh đồng đất “khoán” xưa nay đang vật vã, tìm tòi thể nghiệm những cách làm mới, bắt đất đẻ vàng. Nhiều cấp ủy đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phân vùng kinh tế, quy hoạch và xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển kinh tế trang trại, thủy sản theo tinh thần Nghị quyết 26 (khóa X) của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ chủ trương của Đảng, ở nông thôn đã manh nha hình thành một số mô hình làm ăn mới, nhiều hộ dân mạnh dạn tận dụng đầm trũng, đào ao thả cá, nuôi tôm; hình thành các vùng chuyên màu, trồng rau, cà chua luân canh ba vụ, làm kinh tế tổng hợp hoặc chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn… đem lại thu nhập cao, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhằm tạo ra bước đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp. Dự báo trong những năm tới nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo chuỗi giá trị, các sản phẩm nông sản sẽ được quản lý chất lượng chặt chẽ hơn thông qua các hệ thống tiêu chuẩn, các mặt hang nông sản mang tính chất  truyền thống, vùng miền… sẽ là hướng tất yếu bởi có tính bền vững, thân thiện môi trường, cho ra đời những sản phẩm chất lượng ngày càng cao. Do đó đòi hỏi sự vào cuộc một cách quyết liệt của cấp ủy, sự đầu tư, chỉ đạo, định hướng của các ngành chuyên môn và đặc biệt là vai trò của các tổ chức đoàn thể trong vận động nông dân tham gia sâu vào  quá trình hình thành các loại hình kinh tế tập thể; Hợp tác xã, tổ hợp tác, HTX liên kết… nhằm hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Trần Quảng

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là tấm gương sáng, suốt đời cống hiến cho dân, cho nước; không hư vinh, không màng danh lợi. Ở đồng chí, hội tụ những phẩm chất cao đẹp của nhà lãnh đạo thời đại Hồ Chí Minh. Đó là: Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; một chiến sĩ cách mạng tận tụy, kiên cường, giàu nghị lực, nhiệt tình cách mạng; có khả năng khái quát hóa, tổng kết thực tiễn và có tầm nhìn sâu rộng. Chia sẻ về những nhận định này, ông Nguyễn Ngọc Hưng – nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Tân Lập, người đã từng là cấp dưới, cùng làm việc với đồng chí Kim Ngọc xúc động nói: Việc khoán hộ đã đến tai cấp trên, tôi được biết lúc đó lãnh đạo cấp cao của Đảng đã cho cán bộ về HTX kiểm tra xem xét việc làm này có sai đường lối, phá vỡ HTX hay không. Sau đó chúng tôi biết đồng chí Bí Thư tỉnh ủy Kim Ngọc bị tổ chức kiểm điểm. Chúng tôi là những người trực tiếp ở cơ sở nên thấu hiểu những chủ trương và việc làm của đồng chí Kim Ngọc. Suốt cả cuộc đời mình, đồng chí luôn có tấm lòng thương dân, luôn nghĩ đến nông dân và tìm mọi cách làm cho nông dân no đủ. Người nông dân phải được làm chủ mảnh ruộng của mình.

“Tôi thấm thía nhất là phong cách chỉ đạo của đồng chí cố Bí thư Kim Ngọc rất sâu sát, sáng tạo, cụ thể và quyết đoán. Trong thời gian làm việc ở xã Tân Lập, đồng chí đã ra tận cánh đồng đến thăm nhiều hộ gia đình để tìm hiểu đời sống nông dân rồi chỉ đạo chúng tôi những việc cụ thể, cách làm có lợi cho dân. Do vậy chúng tôi tổ chức thực hiện chỉ thị của đồng chí Bí thư thì nông dân rất hào hứng, phấn khởi, tự giác, gương mẫu chấp hành các quy định trong việc khoán mới” – ông Hưng cho biết thêm.

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Thào Xuân Sùng trân trọng cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo của Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Bộ NN&PTNT, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc – nơi đang kế thừa và phát huy những cống hiến của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc; đồng thời tiếp thu ý kiến phát biểu của các đồng chí tại buổi tham luận.

Đồng chí Thào Xuân Sùng cũng bày tỏ sự xúc động và tự hào về đồng chí Kim Ngọc – một tấm gương sáng ngời trên nhiều phương diện lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc. Thể hiện ở những điểm như:

Thứ nhất, là trung thành và thực hiện đúng tư tưởng “công, nông là gốc của cách mệnh” và “công nông là người làm chủ cách mệnh”; “nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh, cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh” của Bác Hồ.

Thứ hai, là quan điểm vì nông dân và dựa vào nông dân là phương pháp tư duy hết sức đúng đắn về khoa học chính trị của Bí thư Tỉnh uỷ và tập thể Ban thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. Tư duy dung đắn đó đã hun đúc nên lòng yêu nước nồng nàn, thương yêu nông dân sâu nặng, nghị lực và quyết tâm tìm tòi cách làm mới tạo ra động lực là tăng năng suất và tăng thu nhập của nông dân.

Thứ ba, cách quản lý mới dựa trên cơ sở nông dân được làm chủ ruộng đất và làm chủ quyền lợi đã tạo nên động lực thực sự trong việc biến tư duy sáng tạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cùng với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc thành hiện thực. Từ thực tiễn Vĩnh Phúc, Đảng ta đã có sự phát triển đột phá về đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp với sự ra đời của Chỉ thị số 100 và Nghị quyết số 10, chính thức xác lập hộ nông dân là một đơn vị kinh tế tự chủ.

Để tiếp nối và phát huy những giá trị trong đổi mới, sáng tạo về phát triển nông nghiệp. Hội Nông dân cần tiếp tục chuyển đổi tư duy và cách làm bằng cách đẩy mạnh đào tạo nghề giúp nông dân có kỹ năng sử dụng thành thạo các công cụ sản xuất tiên tiến và kinh doanh hiện đại; liên kết chặt chẽ sâu sắc mối quan hệ của 6 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối) mà doanh nghiệp là “bà đỡ” và nhà khoa học là “thầy cô giáo”. Đồng thời, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trí tuệ, có tâm huyết, có trách nhiệm và dám nghĩ, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm của Đảng, nhất là người đứng đầu luôn luôn là nhân tố quyết dịnh đưa đến thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta. Và đặc biệt, mỗi cán bộ đảng viên cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cũng tại buổi Hội thảo, Trung ương Hội NDVN đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp Nông dân Việt Nam” cho đồng chí Kim Ngọc – Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc.

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc được mệnh danh là “cha đẻ của khoán hộ” trong nông nghiệp Việt Nam. Ông tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày10 /10/1917, ở thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939; ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ở tuổi 23; tháng 8/1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và từ năm 1958 đến 1977, liên tục làm Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Vĩnh Phúc và Vĩnh Phú; năm 1978 ông nghỉ hưu trí và mất ngày 26/5/1979, ở tuổi 62.

Quang Tú