Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vụ “Cán bộ được chia 24 nền mặt tiền”: Chủ cũ xin làm người giúp việc trên tài sản nghìn tỷ!

17:14 28/07/2018 GMT+7

Liên quan vụ một công dân suốt 40 năm đi đòi đất ở TPHCM mà Phó Thủ tướng chính phủ Trương Hòa Bình đang chỉ đạo làm rõ, người chủ thực sự của khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng này đã trở thành người giúp việc nhà tại 1/24 căn mà gia đình cán bộ đang chiếm hữu…

Ngày 28.7, ông Nguyễn Minh T (ngụ Cần Thơ) cho biết, bà Lê Thị Hồng Phượng (chủ cũ khu đất 16.000m2 bị gia đình cán bộ Nguyễn Văn Nhờ chiếm hữu ở phường An Lạc A, Bình Tân, TPHCM mà Làng Mới đã thông tin) hiện đang làm người giúp việc tại số nhà 468 Kinh Dương Vương mà ông thuê để kinh doanh. Theo đó, bà Phượng đã nhận việc nửa tháng nay, mức lương 5 triệu đồng/tháng. Bà Phượng được ăn ở tại chỗ làm việc vì hiện nay bà không còn nơi nào để ở, tuổi bà lại cao và đau ốm liên miên nên không nơi nào nhận làm, mà đi bán vé số thì cũng không có vốn.

Hợp đồng thuê một phần căn nhà số 468 Kinh Dương Vương mà anh T thuê vợ chồng ông Nguyễn Văn Phụng và bà Lâm Yến, được lập tại Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Ngụ

Tuy nhiên, từ ngày 13.7 đến nay, khi anh T đưa đồ đạc và ký hợp đồng với các nhóm thợ đến để trang trí, sửa chữa nhằm đưa vào kinh doanh thì vợ chồng ông Phụng không giao chìa khóa và tránh mặt. Không có chỗ ở, các nhân viên của anh T phải nằm vạ vật ngoài đường, còn bà Phượng thì cũng đứng ngồi không yên khi đã xin anh T ứng trước tiền lương để cuối tháng này mua vé bay ra Hà Nội tìm gặp ông Đặng Công Huẩn – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, người được giao xử lý vụ kêu cứu của bà Phượng trong 15 ngày nhưng đã một năm trôi qua ông Huẩn làm mãi không xong.

Do phía ông Phụng đã lấy của mình 180.000.000 đồng rồi né tránh, liên tục trong 2 ngày 27 và 28.7, anh T đã đến công an phường An Lạc A để trình báo vì nghi ngờ bị lừa đảo. “Tôi bán căn nhà ở Cần Thơ, bán luôn mấy chiếc xe ô tô để lấy vốn lên Sài Gòn làm ăn. Ngay khi ký hợp đồng thuê nhà, tôi đã ký hợp đồng và đặt cọc với các đơn vị thi công, rồi ký mua bán với các đối tác khác. Giờ ông Phụng không giao nhà, tôi thiệt hại tiền tỷ mà gia đình họ dửng dưng. Để lấy lòng tin của tôi, họ khoe gia đình họ toàn cán bộ cỡ bự. Nào ngờ họ chỉ mục đích lấy tiền mà bất chấp hết”.

T thuê nhà từ 13.7 đến nay nhưng không được giao nhà nên nhân viên không có chỗ ở.

Như Làng Mới đã thông tin, bà Nguyễn Thị Đê (mẹ bà Phượng) có chồng là ông Hà Văn Tài, tham gia kháng chiến ở Cái Bè, Tiền Giang. Ông Tài bị mất tích trong kháng chiến. Do chồng mất sớm nên gia đình bà Đê nán hết gia sản về Sài Gòn sinh sống. Bà Đê mua 16.000m2 đất mặt tiền đường Kinh Dương Vương ở  Bình Chánh (nay là Bình Tân) để xây thương xá. Sau ngày thống nhất đất nước, chính quyền địa phương tạm quản lý đất gia đình bà Đê mà không có quyết định. Năm 1979 đất này bị địa phương chia cho ông Nguyễn Văn Nhờ (lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh) và Bến xe Miền Tây sử dụng. Ngoài ra, còn có 20 hộ khác được cất nhà để ở.

Sau khi chiếm được một diện tích khá lớn, ông Nhờ chuyển qua làm Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây. Thời gian này, ông tiếp tục chiếm thêm đất, tổng diện tích mà ông sử dụng gần 6.000m2.

Năm 1990, một người đang ở trên đất bà Đê muốn bán nhà nên vợ chồng bà Phượng mua lại một căn nhà trên đất mình để ở, được chính quyền thị ký giấy xác nhận mua bán. Bà Đê đã già yếu nên mọi việc giao hết cho bà Phượng. Nhà mua xong, mọi người vừa dọn vào ở thì ngay lập tức ông Nhờ và vợ kéo đàn em đến giật sập nhà, đuổi cả nhà bà Phượng ra đường. Gia đình bà khiếu nại mấy chục năm thì toàn bị hăm dọa. Năm 2003, bà Đê mất trong cảnh không đòi được đất. Căn nhà mà gia đình bà mua năm 1990, ông Nhờ giật sập xong thì cũng chiếm đoạt cho đến nay.

Theo hồ sơ, số đất mà ông Nhờ được cấp tương đương 60 – 80 nền nhà. Riêng đất mặt tiền, theo cung cấp của UBND phường An Lạc A, ông Nhờ và các con được sở hữu toàn bộ nhà từ số 466 đến hết số 500 đường Kinh Dương Vương (18 căn); và từ số 6 đến số 16 đường Tên Lửa (6 căn). Do đất ở đã có quá nhiều nên toàn bộ nhà mặt tiền ông Nhờ và các con cho thuê để cải thiện cuộc sống. Theo đó, với số nhà nhiều ở mức này, mỗi năm gia đình ông Nhờ bỏ túi sơ sơ gần chục tỷ đồng.

Do gia đình bà Phượng khiếu nại quyết liệt suốt 40 năm qua nên 15 hộ dân (không có bà con với ông Nhờ) vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, ông Nhờ và các con lại “chẻ nhỏ” đất bà Phượng làm nhiều thửa cho nhiều người cùng đứng tên. Thậm chí, đến năm 2014, UBND Thành phố HCM còn ban hành quyết định giao 2.056m2 đất cho đại gia đình ông Nhờ. Diện tích khủng này được chính quyền địa phương hợp thức hóa bằng cách chẻ ra làm 12 thửa, ông Nhờ và các con, dâu, rể thay phiên nhau đứng tên.

Điều lạ là, dù được cấp đất khủng (riêng ông Nhờ được cấp gần 1.500m2 chỉ trong năm 2014) nhưng ông vẫn đi khiếu nại vì “đóng thuế nhiều”. Theo đó, chỉ riêng tiền thuế của đợt cấp này, gia đình ông Nhờ phải đóng hơn 20 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Thanh tra Chính phủ khu vực phía nam cho biết, toàn bộ 15 người chưa được cấp giấy đều là “dân thường”. Riêng gia đình ông Nhờ thì được cấp tất, và cấp vượt diện tích so với luật đất đai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài ông Nhờ từng làm lãnh đạo, các con ông hiện nay cũng làm cán bộ hoặc lãnh đạo. Những cán bộ này gồm ông Nguyễn Văn Bộc  – trung tá công an nghỉ hưu. Ông Bộc có con gái làm công an, còn con rể là thiếu tá Lương Phạm Thái Nguyên – đội phó phụ trách đội CSGT Bình Triệu; ông Nguyễn Văn Ngân – Bí thư phường Bình Trị Đông; ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Ban tổ chức Quận ủy; Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc đội đặc nhiệm quận Bình Tân…

Theo hồ sơ do Thanh tra Chính phủ cung cấp, vụ việc của bà Phượng đã có kết luận giải quyết từ năm 2009, yêu cầu xử lý các cán bộ làm sai và phải giải quyết khiếu nại của bà Phượng. Tuy nhiên, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Năm 2017, Phó Thủ tướng chính phủ Trương Hòa Bình lại chỉ đạo giải quyết. Vì vậy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, thời hạn kiểm tra là 15 ngày. Tuy nhiên, đến nay ông Huẩn không hề kết luận dù bà Phượng bức xúc đến mức đòi tự thiêu.

Trong thời gian chờ ông Huẩn giải quyết, bà Phượng đành xin làm người giúp việc trên chính khối tài sản khổng lồ của mình.

Sỹ Công