Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Báo động ô nhiễm nước thải ở đồng bằng sông Cửu Long

09:54 19/02/2021 GMT+7

Theo Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, nguồn nước mặt tại nhiều tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện ô nhiễm nghiêm trọng do sự phát triển nhanh của các dự án công nghiệp và đô thị hóa.

Ô nhiễm xung quanh Nhà máy xử lý rác Phương Thảo (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long)

Báo động ô nhiễm nguồn nước ngọt

Tại các tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh như: Cần Thơ, Long An, An Giang… lượng nước thải từ hàng trăm, hàng nghìn cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, khai thác khoáng sản… chưa qua xử lý, được xả trực tiếp vào các hệ thống kênh rạch đã khiến nguồn nước mặt cũng như nước ngầm bị ô nhiễm trên quy mô lớn. Hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở ĐBSCL đều tập trung dọc tuyến sông Hậu, sông Tiền, hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, hệ thống xử lý nước thải tập trung chiếm tỷ lệ thấp hoặc không đạt tiêu chuẩn vẫn xả ra môi trường mỗi ngày, khiến cho tài nguyên nước mặt bị nhiễm chất bẩn hữu cơ và vi sinh.

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng đang có những diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn; nước thải từ các hoạt động nông nghiệp được xem là nguồn thải phân tán và hầu như không thể kiểm soát được trong quá trình canh tác. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, hầu hết nông dân trồng lúa tại ĐBSCL đều sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn mức được khuyến nghị.
Ngoài ra, các hoạt động nuôi trồng thủy sản như: Nước thải nuôi trồng, quá trình vệ sinh, nạo vét ao nuôi, chất thải ao nuôi công nghiệp cũng đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, suy thoái nguồn nước trên các con sông ở vùng ĐBSCL. Theo kết quả quan trắc của Viện nghiên cứu Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, nồng độ vi khuẩn ecoli tại các sông ngòi, kênh rạch ở khu vực ĐBSCL đã vượt quá mức cho phép 2-5 lần; nồng độ BOD và COD3 vượt giới hạn cho phép 1-3 lần; nồng độ ammoniac và một số độc chất phát sinh từ hoạt động công nghiệp và nông nghiệp đã vượt quá 5-10 lần tiêu chuẩn cho phép.

Năm 2018, hàng trăm hộ dân sinh sống cạnh nhà máy giấy Lee & Man (tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện tượng nguồn nước trên sông Hậu (cạnh nhà máy) ô nhiễm rất nghiêm trọng, sau đó các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc để xử lý vụ việc.

Bà Hà Thị Thủy Trang, ngụ thị trấn Mái Dầm bức xúc nói: “Nhà máy nằm cạnh các hộ dân nhưng họ không quan tâm đến nguồn nước sinh hoạt nông thôn dẫn đến xả nước thải ô nhiễm ra sông khiến các ao nuôi thủy sản bị thất thu vì cá chết đồng loạt, đó là chưa kể việc người dân không có nguồn nước sạch sinh hoạt lấy từ sông Hậu như trước đây. Nếu như các cấp ở trung ương không giải quyết thì chưa biết sẽ ra sao”.

Đến nay, người dân sinh sống cạnh bãi tập kết rác Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) vẫn còn ám ảnh bởi sự ô nhiễm của những dòng nước dơ bẩn, nhếch nhác đi kèm mùi hôi thối đe dọa sức khỏe của hàng trăm hộ dân xung quanh. Trước đó hàng trăm hộ dân sinh sống cạnh nhà máy xử lý rác Phương Thảo (gần khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ) đã đồng loạt đề nghị nhà máy này nhưng hoạt động vì để nước thải bẩn chảy ra ruộng vườn xung quanh. Cùng với đó là việc ô nhiễm nghiêm trọng tại rạch Múc Chuồng (xã Thuận An, TX. Bình Minh). Đó chỉ là 3 trong rất nhiều vụ việc liên quan đến nước sạch nông thôn được dư luận quan tâm bắt nguồn từ sự tắc trách của các doanh nghiệp.

Nhiều điểm chứa chai lọ chưa thuốc BVTV tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ thiết kế đẹp, kiên cố nhưng không phát huy tác dụng.

Ý thức đóng vai trò quyết định

Nhìn từ góc độ khác để công tâm nói rằng, một bộ phận người dân chính là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước nông thôn thông qua việc xây dựng nhà tắm, hố xí, chuồng trại, trang trại chăn nuôi trên sông rạch, kênh mương mà không có hệ thống lắng lọc trước khi đưa xuống sông rạch. Đã vậy một số nông dân lại có thói quen sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây trái, đồng ruộng, chỉ sau các trận mưa dư lượng thuốc sẽ tuôn xuống kênh rạch.

Dù nhiều địa phương đã hình thành khá nhiều điểm thu gom chai lọ các loại thuốc BVTV đã qua sử dụng để tiêu hủy theo qui định nhưng nhiều nông dân lại không chấp hành, ngược lại họ vứt rất bừa bãi ngay trên ruộng vườn sau khi sử dụng ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước nông thôn sau các trận mưa lớn hay khi triều cường dâng cao.

Ông Võ Văn Phải, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long bức xúc chia sẻ: “Tôi có 10 công đất trồng sầu riêng theo phương pháp VietGap, nghĩa là hạn chế phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, vậy mà các khu vườn xung quanh đang áp dụng phương pháp canh tác cũ, dùng quá nhiều thuốc, phân khiến nguồn nước ô nhiễm rất nặng nề, ảnh hưởng đến việc lấy nước sạch tưới cây của gia đình tôi. Riêng các điểm chứa chai lọ thuốc BVTV, chính quyền đã cho xây dựng, lắp đặt tại ruộng nhưng họ không tuân thủ, cứ quen tay xả bừa, vậy là các thùng chứa trở nên vô nghĩa”.

Trước tình hình ô nhiễm nguồn nước ngọt đã đến mức báo động, nhiều cơ quan, ban ngành chuyên môn, chính quyền các cấp tỉnh Vĩnh Long đã vào cuộc với nhiều biện pháp, trong đó ý thức tự giác chấp hành việc bảo về nguồn nước nông thôn của các doanh nghiệp, người dân được xem là vấn đề then chốt.

Nói như ông Trương Tấn Đức, ngụ xã Hòa Phú, huyện Long Hồ thì: “Ý thức của doanh nghiệp, người dân phải được nâng cao một cách tự giác, đừng để điệp khúc: Xả nước thải bẩn – phát hiện – xử phạt – tái xả nước thải bẩn cứ lặp đi, lặp lại mãi. Nếu họ cố tình vi phạm thì phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn kể cả rút giấy phép hoat động, truy tố trước pháp luật mới đủ sức răn đe”.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trên các kênh rạch nông thôn cần lan tỏa nhiều hơn, phong phú hơn, đa dạng hơn thông qua hệ thống thông tin truyền thông, các hình thức cổ động trực quan, qua đội ngũ cộng tác viên, báo cáo viên các cơ quan, ban ngành đoàn thể. Cùng với đó là việc tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên lẫn đột xuất, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi làm ô nhiễm nguồn nước nông thôn như xây dựng chuồng trại, trang trại, hố xí… mà không có hệ thống xử lý nước trước khi xả xuống kênh mương, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV, tổ chức lấy rác thải triệt để tại các chợ, các hộ dân vùng sâu.

Tại ĐBSCL, trung bình mỗi năm có khoảng 1.790 tấn thuốc diệt ốc sên, 210 tấn thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn thuốc trừ sâu và 4.245 tấn thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất lúa. Lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật dư thừa cùng với bao bì, vỏ sản phẩm xả bừa bãi, không được thu gom là một trong những nguyên nhân lớn gây suy giảm chất lượng nước mặt, thậm chí còn ngấm xuống các mạch nước ngầm.
Nguồn: Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB)

Bài và ảnh: Anh Thư