Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bình yên từ “Tiếng mõ an ninh”

16:02 28/04/2020 GMT+7
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Nam đã tích cực vận động cán bộ, hội viên ND phát huy vai trò, sức sáng tạo trong xây dựng các mô hình tự quản, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự, xây dựng làng, khu dân cư văn

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Nam đã tích cực vận động cán bộ, hội viên ND phát huy vai trò, sức sáng tạo trong xây dựng các mô hình tự quản, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự, xây dựng làng, khu dân cư văn hoá, ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội ở từng địa bàn dân cư.

Những năm qua, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tích cực tham gia Mô hình “Tiếng mõ an ninh”. Ảnh D.T

Hiệu quả lớn từ những chiếc mõ nhỏ

Với tổng số hộ dân là 340 hộ, thôn An Thành 3 nằm về phía Nam xã Bình An, giáp ranh với 2 xã Tam Thành và Tam An huyện Phú Ninh. Với địa hình như vậy nên tình hình an ninh trật tự những năm trước đây rất phức tạp. Các nhóm thanh niên tụ tập uống rượu, cờ bạc rồi gây gổ đánh nhau. Đặc biệt, tệ nạn trộm cắp vặt xảy ra thường xuyên, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất, gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong nhân dân.

Với quyết tâm lập lại tình hình an ninh trật tự trong thôn xóm, năm 2013, Hội ND xã đã xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh” và “Tổ dân phòng ND tự quản”.

Ông Ngô Đình Kỳ – Chi hội trưởng Hội ND thôn An Thành 3 cho biết: “Mỗi hộ gia đình trong thôn đều làm một cái mõ bằng tre, được treo ở những nơi thuận lợi để dễ dàng gõ mõ khi có sự cố. Khi phát hiện trộm cắp hay đánh nhau, chỉ cần nghe tiếng mõ người dân trong làng lập tức tỏa ra bao vây bắt trộm hay ngăn chặn đánh nhau”.

Theo ông Kỳ: Từ khi xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh”, “Tổ dân phòng ND tự quản” đi vào hoạt động, phối hợp cùng với công an viên, thôn đội thường xuyên tuần tra nên tình hình trộm cắp trên địa bàn thôn giảm đáng kể. Thanh, thiếu niên không còn tụ tập uống rượu trên các tuyến đường liên thôn, liên xóm; các đối tượng gây rối, trộm cắp cũng rất e dè khi đến địa bàn này; các trường hợp xảy ra đều được phát hiện, xử lý kịp thời. Bà con nhân dân yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất.

Hiện tại 7/7 thôn của xã Bình An đã thực hiện mô hình tiếng mõ an ninh, nhờ vậy mà an ninh trật tự tại địa phương được đảm bảo.

La Dêê là xã vùng cao biên giới của huyện Nam Giang. La Dêê có gần 400 hộ dân, trên 1.500 nhân khẩu, với gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm qua, với sự hỗ trợ của các chiến sĩ biên phòng nên người dân La Dêê rất quan tâm đến giữ gìn an ninh trật tự.

Ông Trần Thanh Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã La Dêê cho biết: Từ tháng 5/2017, xã triển khai mô hình “Tiếng mõ an ninh” với các mõ an ninh được lắp tại các thôn. Đồng thời, xã vận động mỗi hộ gia đình phải làm một cái mõ an ninh, có thể bằng tre hoặc bằng gỗ. Việc xây dựng mô hình “tiếng mõ an ninh” được đưa vào tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa hằng năm.

Theo ông Vinh, từ khi triển khai mô hình đến nay, nhiều vụ gây gổ đánh nhau được ngăn chặn kịp thời, hay những vụ trộm cắp vặt cũng được ngăn chặn. Người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn an ninh.

Tương tự xã Bình An, La Dêê, xã Phú Thọ (huyện Quế Sơn) là xã giáp ranh với một số địa phương của huyện Thăng Bình nên thời gian qua, tình hình an ninh trật tự có lúc diễn biến phức tạp.

Bà Đinh Thị Phúc – Chủ tịch Hội ND xã Phú Thọ cho biết, để góp phần giữ vững an ninh chính trị – an toàn xã hội trên địa bàn, từ năm 2013 đến nay Hội ND xã phối hợp với Ban Công an xã triển khai thực hiện khá nhiều phần việc.

Theo bà Phúc, cùng với việc tổ chức tuyên truyền đến hội viên ND các chương trình về phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm nhằm nâng cao hiểu biết trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, 5 năm qua 2 đơn vị cũng đã trợ giúp pháp lý cho 1.255 lượt hội viên ND. Đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình ND tự quản, giữ gìn an ninh trật tự ở nông thôn. Trong đó, đáng kể là xây dựng được 2 cổng an ninh trật tự, 1 tuyến đường tự quản về an toàn giao thông, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên 10 tuyến đường và thành lập 25 tổ tự quản, 3 tổ dân phòng, 7 tổ hòa giải ở thôn, xóm…

Hàng trăm hội viên nông dân tham gia mô hình tự quản

Ông Vũ Văn Thẩm – Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam cho biết: Xác định tầm quan trọng của mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình tự quản của Hội một cách cụ thể, phù hợp, sát với từng chi hội ở khu dân cư.

Tại buổi họp thôn ở xã La Dêê, Mô hình “Tiếng mõ an ninh” được bà con quan tâm, góp ý và ủng hộ tích cực. Ảnh P.T

Các cấp Hội tham mưu với với cấp uỷ cùng cấp ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo xây dựng các mô hình tự quản; khảo sát, lựa chọn địa bàn xây dựng các mô hình tự quản và có phương án xây dựng mô hình phù hợp. Bên cạnh đó, Hội ND các cấp còn tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia mô hình. Đồng thời, Hội tổ chức ký cam kết thực hiện, xây dựng các nội dung, phương pháp hoạt động của các tổ tự quản để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nội dung đã ký kết.

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã thành lập được 1.959 mô hình tự quản của ND với 155.750 thành viên tham gia. Trong đó, qua khảo sát, đánh giá, có 1.931 mô hình hoạt động hiệu quả, 28 mô hình hoạt động chưa hiệu quả. Các mô hình tự quản mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình “trong nhà có mõ, ngoài ngõ có đèn và chi hội không ma túy” của các chi Hội ND thuộc Hội ND huyện Tiên Phước; mô hình “ánh sáng đường quê” của các chi hội ND thuộc Hội ND huyện Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nông Sơn…; mô hình “Tiếng mõ an ninh”, “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”…

Đáng chú ý, các cấp Hội ND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng lực lượng nòng cốt được 3.500 cán bộ, hội viên ND nhằm phát hiện, cung cấp tố giác các loại tội phạm gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế- xã hội, an ninh trật tự ở nông thôn. Hội cũng tham gia hoà giải cho hơn 1.872 trường hợp bất đồng, mâu thuẫn và phối hợp với các cấp chính quyền giải quyết 1.085 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của ND, chủ yếu về tranh chấp đất đai và giải tỏa đền bù, vệ sinh môi trường.

Quảng Nam đã thành lập được gần 2.000 mô hình tự quản của nông dân với 155.750 thành viên tham gia. Trong đó, qua khảo sát, đánh giá, có 1.931 mô hình hoạt động hiệu quả, 28 mô hình hoạt động chưa hiệu quả. Các mô hình tự quản mang lại hiệu quả thiết thực như: “Trong nhà có mõ, ngoài ngõ có đèn và chi hội không ma túy”; “Ánh sáng đường quê”; “Tiếng mõ an ninh”, “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”…

Ngọc Mai