Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình gìn giữ, bảo vệ môi trường

15:29 21/12/2020 GMT+7
 Ngày 21/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Hội thảo tăng cường sự phối hợp giữa Hội ND các cấp với ngành Tài nguyên và môi trường trong việc đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc

 Ngày 21/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Hội thảo tăng cường sự phối hợp giữa Hội ND các cấp với ngành Tài nguyên và môi trường trong việc đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN phát biểu khai mạc Hội thảo.

Dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN; đồng chí Trần Hồng Hà – Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ TNMT. Cùng tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo các ban thuộc Trung ương Hội NDVN, Bộ TNMT, Chủ tịch Hội ND một số tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Tạo động lực cho hội viên nông dân – là đích đưa Luật BVMT 2020 vào cuộc sống

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng  cho biết: Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường. Luật gồm 16 chương, 171 điều, được thực thi trên nguyên tắc “Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân”.

Chủ tịch Hội NDVN nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Để đảm bảo sự phù hợp và đúng đắn với chức năng nhiệm vụ, tính thiết thực, hiệu quả trong triển khai, tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Chủ tịch Thào Xuân Sùng đã gợi mở và đề nghị các đại biểu tại hội thảo tập trung vào 5 nhóm vấn đề gồm:

Thứ nhất, tập trung bàn nội dung, giải pháp thiết thực để tăng cường sự phối hợp giữa Hội NDVN, Bộ TNMT, các đoàn thể chính trị và các bộ, ngành trong việc đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống.

Thứ hai, vấn đề bảo vệ môi trường là quá trình liên tục, lâu dài. Từ đó, cần bàn rõ về hình thức tổ chức phối hợp giữa 2 cơ quan Hội NDVN, Bộ TNMT như thế nào (theo hệ thống, theo phân cấp…).

Thứ ba, Hội NDVN đã đóng góp xây dựng vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng theo tư tưởng xuyên suốt đó là: Chuyển từ kinh tế nâu sang phát triển kinh tế xanh (kinh tế tuần hoàn). Để thực hiện tốt mục tiêu này, cần phải xác định rõ bắt đầu từ đâu? Khâu đột phá là gì…?

Thứ tư, đóng góp việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách để thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường.

Thứ năm, cơ chế để huy động tốt các nguồn lực, phương tiện và điều kiện để thi hành Luật.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp, hợp tác, liên kết giữa Hội NDVN và các bộ, ngành, giữa các địa phương với nhau, giữa các địa bàn đồng bằng – miền núi, tập trung sản xuất theo 5 phương châm: Tạo năng suất cao; Chất lượng tốt; Tạo giá trị kinh tế cao; Đảm bảo an toàn; Vì mình và vì mọi người.

Hội NDVN cần  tiếp tục xây dựng chi, tổ Hội ND mới, chi tổ Hội kiểu mẫu và chỉ được công nhận chi tổ Hội ND xuất sắc khi thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Phát triển, nhân rộng các mô hình gìn giữ, bảo vệ môi trường từ cấp cơ sở – đây chính là động lực – là đích đưa Luật BVMT 2020 vào cuộc sống.

Theo ý kiến các đại biểu, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội ND các cấp và cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ môi trường thì cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ TNMT và Hội NDVN. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ nhấn mạnh: “Việc tăng cường này phải bằng hành động cụ thể, trong đó cần có đội ngũ chuyên gia của Bộ xuống cơ sở đào tạo lớp giảng viên nguồn về công tác bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân. Có như vậy thì mới nâng cao được vai trò giám sát của nông dân trong vấn đề bảo vệ môi trường”.

Nâng cao vai trò của Chi, tổ Hội ND trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi khá thẳng thắn về những kết quả đã đạt được và tồn tại, hạn chế xoay quanh vấn đề bảo vệ môi trường ở nông thôn. Qua đó đưa ra các giải pháp, nhất là công tác phối hợp với Hội ND các cấp để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường.

Báo cáo kết quả Hội NDVN tham gia bảo vệ môi trường và thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Hội NDVN)  cho biết: “Phát huy vai trò của Hội ND các cấp, cán bộ, hội viên, nông dân tích cực bảo vệ môi trường nông thôn. Theo đó, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, T.Ư Hội NDVN đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong sinh hoạt, xử lý chất thải trong làng nghề, hầm khí biogas bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các cấp Hội ND còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Hội NDVN) Báo cáo tại Hội thảo.

Phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững đề xuất 9 giải pháp để triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến cán bộ, hội viên, nông dân. Trong đó, các cấp Hội cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn; nâng cao chất lượng phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường…

Hội NDVN là chủ thể quan trọng, trách nhiệm, năng động, sáng tạo

Tiến sĩ Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Trong 2 năm 2016-2017, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã tiến hành 4 cuộc nghiên cứu và kết quả 4 cuộc nghiên cứu đều cho thấy, cộng đồng dân cư và các đoàn thể nhân dân giữ vai trò quan trọng trong việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, các nghiên cứu đều khẳng định, Hội NDVN là 1 trong những tổ chức triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Trần Văn Miều đề nghị, Nhà nước, Chính phủ mà trực tiếp là Bộ TNMT coi Hội NDVN là chủ thể quan trọng, trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Văn Miều cũng cho rằng, trong công tác bảo vệ môi trường, Hội NDVN phát huy tri thức bản địa để đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền bảo vệ môi trường đến hội viên nông dân cả nước.

Bà Trần Thị Tuyết Hương – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên cho biết: Trước những thực trạng và một số vấn đề môi trường nổi cộm của tỉnh Hưng Yên, năm 2015, Hội ND tỉnh đã ban hành Đề án số 06 về “Nâng cao vai trò của các cấp Hội ND trong tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch đẹp; góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hội ND tỉnh đã trực tiếp xây dựng được trên 60 mô hình thu gom, xử lý sơ bộ vỏ bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng tại 60 cơ sở trong tỉnh; các cấp Hội đã xây dựng được 98 “chi hội 3 không”; 182 mô hình Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, 436 tổ vệ sinh môi trường do các cấp Hội tự quản. Bên cạnh đó, Hội ND phối hợp Sở NNPTNT, Sở KHCN xây dựng 296 mô hình thu gom xử lý sơ bộ vỏ bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực của Hội ND các cấp đã đạt được trong vấn đề bảo vệ môi trường và đánh giá cao các ý kiến trao đổi tại hội thảo.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cũng cho rằng, thời gian tới, Bộ TNMT- Hội NDVN sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện những chương trình hành động để ban hành các văn bản nhằm đưa ngay tinh thần luật BVMT 2020 vào Nghị quyết, xây dựng chuyên đề “ Hội ND với bảo vệ môi trường”.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phát biểu bế mạc Hội thảo.

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT, các quy định tại các nội dung liên quan của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Hội NDVN đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc huy động hội viên và nông dân tham gia bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp, vệ sinh và giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn và làng nghề; phát triển mô hình bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Vì vậy, Bộ trưởng nhận định, thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa hệ thống các cơ quan quản lý ngành Tài nguyên và môi trường, Hội Nông dân các cấp tổ chức triển khai Chương trình phối hợp số 48-2017/CTPH-HND-BTNMT trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018 – 2023.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị, Hội NDVN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về môi trường trên địa bàn, đặc biệt là các Chi, tổ Hội. Kết hợp luật pháp và luật tục, chuyển hoá thành hương ước, tuyên truyền góp ý cho nhân dân dần xoá bỏ các hủ tục văn hoá lâu đời trong việc tang ma, chôn cất. Đồng thời tiếp tục định hướng cho các hội viên, tổ chức Hội ND cấp xã phát triển các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm thấp, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường; nâng cao vai trò giám sát việc thực hiện Luật BVMT năm 2020, tiếp nhận phản hồi, nguyện vọng của nông dân; tìm kiếm nguồn lực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thu gom, lưu giữ hiệu quả bao bì thuốc BVTV sau sử dụng…

Bài, ảnh: Bảo Minh