Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyện người lính trinh sát Đoàn Bông lau

18:28 29/04/2019 GMT+7

Tháng 3.1972, bộ đội ta tiến công Quảng Trị. Trung đoàn pháo binh Bông lau (38) được giao nhiệm vụ chi viện cho sư đoàn 304, tấn công ở hướng chủ yếu, theo đường số 9 từ hướng Tây xuống Đông Hà. Mục tiêu đầu tiên là đánh cụm điểm tựa kiên cố do trung đoàn 56, sư đoàn 3 (Ngụy) đóng giữ. Cụm cứ điểm này gồm căn cứ Caroll (cao điểm 241) là nơi chỉ huy của trung đoàn địch và là căn cứ hỏa lực của pháo binh, vòng ngoài có các căn cứ Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn…

Nhớ lại một kỷ niệm cũ, ông Phan Đăng Thìn, nguyên đại tá Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Quân Sự, lúc đó là trinh sát pháo binh của trung đoàn Bông Lau kể: “4 giờ sáng 30.3.1972, tôi cùng chủ nhiệm trinh sát ông Nguyễn Văn Hiếu và ông Hồ Văn Duyệt – sĩ quan trường pháo binh, ông Trần Thông bí mật tiến sát căn cứ 241 dùng khí tài quang học theo dõi. Đài quan sát được đặt trên là Sao Mai. Bọn thám báo phát hiện và 2 tiếng đồng hồ giã pháo lên lưng anh em tôi. Hút chết, may mà không sao.

Ngay sau đó 10 giờ 55 phút ngày 30.3.1972, từ Sở chỉ huy Bộ chỉ huy chiến dịch, Tư lệnh mặt trận Lê Trọng Tấn phát lệnh “Bão táp”, mở màn chiến dịch tấn công giải phóng Quảng Trị. Sau tiếng gầm rít của đạn pháo ta, chúng tôi từ đài quan sát “Sao Mai” báo về: “Căn cứ 241, đạn trúng mục tiêu, kho đạn nổ…”. Pháo ta cấp tập nổ rền đến 18 giờ ngày 30.3. Những ngày tiếp sau đó, ta tiếp tục bắn gấp, bắn cầm canh. Với cách bắn đó, pháo địch gần như hoàn toàn im bặt.

Các chiến sĩ bên chiến lợi phẩm. Từ trái sang phải; Ông Trần Thông, ông Nguyễn Văn Hiếu, ông Hồ Văn Duyệt, ông Phan Đăng Thìn. Ảnh Tư liệu.

Lần lượt các cứ điểm Đầu Mẫu, Ba Hồ, Đông Toàn bị tiêu diệt

Lúc 14 giờ ngày 1.4, tôi ở đài quan sát pháo binh phát hiện ở 241 địch có hiện tượng muốn rút chạy. Không chậm trễ, Trung đoàn phó Trần Thông trao đổi với ông Hồ Văn Duyệt và đề nghị với trung đoàn trưởng cho tập trung hỏa lực toàn trung đoàn và sử dụng cả hai giàn hỏa tiễn của sư đoàn 304 đồng loạt bắn vào 241. Năm phút cấp tập tạo thành một đòn sấm sét giáng xuống căn cứ 241 buộc địch phải từ bỏ ý địch rút chạy và cũng chính đòn hỏa lực mãnh liệt này đã đập tạn ý chí chống cự của địch ở 241.

Bước sang ngày 2.4. Một ngày đen tối nhất của Trung đoàn 56 và Lữ Thủy quân Lục chiến 147. Bị triệt đường tiếp tế cả đường không lẫn đường bộ, binh lính thương vong không chuyển đi được, lương thực cạn kiệt, tinh thần hoang mang cực độ. Pháo binh của ta vẫn không ngớt bắn phá. Trung đoàn Bộ binh 24 đã tiến vào vị trí xuất phát tấn công và được lệnh tấn công vào Căn cứ 241 sớm hơn dự định. Như vậy là số phận của sỹ quan và binh lính ở Căn cứ 241 đã được định đoạt: Đầu hàng hay là bị tiêu diệt. Và Trung tá Phạm Văn Đính đã quyết định đầu hàng để cứu sinh mạng của sỹ quan, binh lính thuộc quyền. Đó là quyết định khôn ngoan.

Trên đài quan sát bất ngờ ta nhận được điện xin gặp Sao Mai

Sao Mai là mật danh đài quan sát chỉ huy. Theo cách xưng hô chúng tôi đoán có lẽ là một viên sĩ quan – Đồng chí Trần Thông cầm máy:

–  A lô! Tôi là Sao Mai đây! Các anh gặp có việc gì.

–  Tôi, Trung tá Phạm Văn Đính, chỉ huy trưởng trung đoàn 56 xin được gặp cấp chỉ huy cao nhất. Chúng tôi muốn thương lượng.

Nhận được điện chuyển từ Sao Mai xuống. Đồng chí lãnh đạo trung đoàn nói với Trung tá Đính:

–  Vậy thì chúng tôi đồng ý ngừng hỏa lực trong một giờ như yêu cầu để các ông ra hàng. Còn yêu cầu của chúng tôi là ông cho kéo cờ trắng lên cột cờ trung tâm căn cứ trước khi ngừng hỏa lực. Sau khi ngừng hỏa lục được 30 phút, một nửa số quân của ông phải ra khỏi công sự, lên mặt đất, không mang vũ khí.

–  Đính nói: Tôi thỏa thuận và đề nghị các ông dừng hỏa lực.

Qua ống nhòm  có một người lính ngụy trèo lên nóc lô cốt phía Tây phủ lên đó một tấm vải trắng rồi vội vàng tụt xuống hầm.

Binh sĩ Căn cứ 241 lần lượt lên khỏi công sự, ban đầu còn lẻ tẻ dè dặt nhưng rồi mỗi lúc một nhiều và không còn vẻ sợ như ban đầu nữa.

Các cựu binh trong lễ đón nhận Huân chương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh Tư liệu.

Đúng 13 giờ 10 rồi 13 giờ 20 phút, chúng tôi quan sát thấy binh lính địch xuất hiện, đi lại trên mặt đất và mấy phút sau đã xếp hàng đi ra cổng phía Tây. Đội hình trải dài, khi đầu đội hình ra khỏi cổng một quãng ngắn thì bỗng nhiên xuất hiện 2 trực thăng loại nhỏ, chúng bay rất thấp dọc theo Đường số 9 và đột ngột nâng độ cao lên bay thẳng vào vùng trời 2414. Hai thang giây từ 2 trực thăng được thả xuống, 2 tên Mỹ bám leo lên. Một tình huống xảy ra quá bất ngờ và chỉ trong mấy giây. Ở đài quan sát có ai đó nói gấp gáp: “nó bốc mất 2 thằng Mỹ, đề nghị cho bắn”. Phó trung đoàn Trần Thông đưa tay ra hiệu giữ trật tự và ra lệnh: “Không được bắn”.

Nhớ lại những ký ức cũ, ông Phan Đăng Thìn trầm ngâm kể: “Trong chuyện này có hai vấn đề rất nhân văn, thứ nhất, là pháo ta đã không bắn khi trực thăng cứu cố vấn Mỹ vì hàng nghìn sinh mạng cho dù đó là lính địch; thứ hai, tuy bị “bức hàng” nhưng Trung tá Đính vẫn được giữ nguyên quân hàm và tiếp tục làm việc cho chúng ta”.

Caroll là căn cứ pháo binh có hỏa lực ghê gớm án ngữ tây Quảng Trị, 12 khẩu 105 và 155 ly mỗi đầu đạn nặng gần 50kg. Đặc biệt ở đây còn có 4 khẩu 175ly tự hành tối tân trong số 08 khẩu Mỹ vừa mới trang bị cho quân đội ngụy để “Việt Nam hóa chiến tranh”. Pháo này dùng loại đạn tăng tầm có thể bắn xa trên 40km. Đại đội 4 khẩu 175 ly ở đây được mệnh danh “Vua chiến trường”, đại đội kia được gọi là “Thần sấm sét”. Trung đoàn Trưởng quân nguỵ là Trung tá Phạm Văn Đính,  phó là Trung tá Vĩnh Phong.

Trung đoàn Pháo binh 38 trực thuộc Bộ tư lệnh Pháo binh, do đồng chí Cao Sơn làm Trung đoàn trưởng và đồng chí Trần Thông làm Trung đoàn phó. Trung đoàn 38 được trang bị loại pháo nòng dài 130mm và 122mm, đã được đưa vào chiến trường Quảng Trị từ đầu năm 1971, và trong chiến dịch Quảng Trị là cụm Pháo binh chiến dịch trực tiếp chi viện cho Sư đoàn 304 tác chiến trên hướng chủ yếu của chiến dịch.

                             Thiên Việt (ghi theo lời kể của Đại tá Phan Đăng Thìn)