Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp nông dân thực hiện ý chí, khát vọng vươn lên

16:35 10/12/2019 GMT+7
Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân với chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”, diễn ra gày 10/12/2019, tại TP. Cần Thơ do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân với chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”, diễn ra gày 10/12/2019, tại TP. Cần Thơ do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư; đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thành ủy TP. Cần Thơ; đồng chí Bùi Văn Nam, Thứ  trưởng Bộ Công an; Đồng chí Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát trển Nông thôn cùng đại diện một số ban, bộ, ngành ở T.Ư; lãnh đạo Hội Nông dân và nông dân tiêu biểu các tỉnh, thành trong cả nước Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vân Nguyễn

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước gửi đến qua các kênh tiếp nhận. Các câu hỏi tập trung vào ba nhóm vấn đề: Tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Về đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu và vốn; Nông thôn mới và các vấn đề xã hội ở nông thôn.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ sẽ trao đổi trực tiếp với nông dân xoay quanh những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… đồng thời lắng nghe nông dân chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… Một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo nông dân có lãi. Để giải quyết vấn đề khó khăn này cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt .

Với đường lối nhất quán và những chủ trương, chính sách hiệu quả của Đảng, Nhà nước ngành Nông nghiệp trong thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc. Ước tính cả năm 2019, cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa, 3,3 triệu tấn thịt lợn, 1,3 triệu tấn thịt gà, sản lượng nuôi trồng khai thác thủy hải sản đạt 7,6 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,4 tỷ USD ; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỷ USD. Với những thành tích đạt được, đời sống người nông dân được nâng lên, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững, bắt đầu xuất hiện khái niệm tỷ phú nông dân với những điển hình tiêu biểu về sản xuất giỏi.

Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Bên cạnh những thành tích đạt được, năm 2019 được xem là năm rất khó khăn của ngành Nông nghiệp do tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và biến động thị trường toàn cầu do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta. Vấn đề đất đai trong nông nghiệp hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn, nhưng manh mún, nhỏ lẻ không tập trung.  Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang xây dựng nghị định theo hướng khuyến khích tập trung đất đai, quy định quyền và nghĩa vụ các bên và đang tích cực lấy ý kiến của nông dân và doanh nghiệp để đưa ra giải pháp phù hợp.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Vân Nguyễn

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và  Đầu tư cho biết: Nên có chiến lượt, tầm nhìn sắp xếp lại không gian hợp lý cho Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) về giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Phải có cơ chế liên kết vùng, xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. ĐBSCL đang rất cần nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, việc làm… Hạ tầng sản xuất cần đầu tư mạnh  hơn nữa. Thời gian qua, việc khai thác cát, nước ngầm bừa bãi là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở, ĐBSCL nên ưu tiên cấp bách cho các công trình sạt lở nghiêm trọng. Muốn phát triển tốt ĐBSCL ngoài Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ từ Chính phủ, các địa phương nên thành lập các quỹ hỗ trợ riêng chứ không chỉ trông chờ vào Quỹ hỗ trợ từ Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Cuối năm 2020 sẽ hoàn thành cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về cảng biển tại ĐBSCL hiện cần có cảng biển lớn để xuất nhập hàng hóa. Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất đến Chính phủ phát triển cảng nước sâu Trần Đề ở Sóc trăng, nhằm giảm chi phí vận tải, giá  thành sản phẩm cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu. Dự tính cuối năm 2020 sẽ hoàn thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đầu năm 2021 sẽ tiếp tục xây dựng cao tốc từ Mỹ Thuận đến TP. Cần Thơ và hình thành mạng lưới giao thông tốt hơn so với hệ thống giao thông yếu ở ĐBSCL hiện nay, nhằm phục vụ tốt cho người dân ĐBSCL.

Mạnh dạn giảm diện tích trồng lúa chuyển sang các loại cây trồng vật nuôi khác hiệu quả

Ông Trần Thanh Nam, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, ông rất mong nhận được câu trả lời về những chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng đã nhất trí chi 3.000 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn ở đây, ông quan tâm việc triển khai chính sách này như thế nào?

Ông Lê Văn Lam, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp là người 50 năm gắn bó với cây lúa chia sẻ:  Năm nay thời tiết bất thường, sâu rầy gây hại, không có lũ bồi đắp phù sa khiến năng suất lúa giảm 10%, khoảng 4,8-6ha, nhưng giá phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động tăng 10-20%. Suốt 10 năm qua, giá lúa cứ quanh quẩn mức 5.000 đồng/kg, khiến cuộc sống nông dân gặp nhiều khó khăn nên ông đề nghị nhà nước đừng “gò bó” nông dân vùng Đồng Tháp Mười làm lúa mãi, cho họ chuyển đổi đất đai, cây trồng để có lợi nhuận cao hơn.

Đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tặng bức tranh được làm bằng gạo của nông dân đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Vân Nguyễn.

Kết luận Hội nghị để giải quyết các vấn đề còn tồn động, Thủ tướng nhấn mạnh: Trước hết bà con thắc mắc về cơ chế hỗ trợ thủ tục còn rườm rà, mất thời gian. Nông dân cần hỗ trợ thực hiện công nghệ 4.0; thông tin thị trường; vốn, giống; thông tin quy hoạch rõ ràng… Việc thực hiện liên kết nhất là liên kết vùng và liên kết “6 nhà” bước đầu đã có những giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, trong mối liên kết “6 nhà” thì vai trò các hiệp hội chưa làm tốt, chưa phát huy hết được vai trò, chức năng của các hiệp hội trong mối liên kết. Nhiều ý kiến của nông dân còn thắc mắc về cơ chế để phát triển; hiện tượng tham nhũng, nhũng nhiễu trong xã hội; nhiều vấn đề còn hạn chế, gây khó khăn, bức xúc trong nhân dân đặc biệt như việc xuất khẩu lao động, môi trường dịch bệnh, tích tụ đất đai, ô nhiễm môi trường… Bà con nông dân quan tâm, phản ánh công tác dự báo nhất là dự báo thị trường còn kém, vấn đề được mùa mất giá vẫn xảy ra…

Tình trạng thiếu thông tin; vấn đề chế biến cần phải giải quyết; tăng cường nguồn lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh, môi trường, nước, rác thải vẫn tồn động. Bà con yêu cầu hỗ trợ thông tin minh bạch tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Về quy hoạch, giảm đất lúa và mạnh dạn giảm diện tích trồng lúa chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả hơn. Sau Hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan từ T.Ư đến địa phương chủ động rà soát, chỉ đạo, triển khai tạo điều kiện để bà con nông dân sản xuất hiệu quả. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhất là ngành Nông nghiệp hướng dẫn và giúp nông dân sản xuất theo chuỗi, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ; rà soát xem xét các khâu, quản lý nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất để giảm chi phí, giá thành sản phẩm; triển khai thực hiện mạnh mẽ về liên kết vùng trong sản xuất, nhất là vùng ĐBSCL.

Một câu hỏi lớn đặt ra là nông dân phải làm gì để thực hiện câu nói của Bác Hồ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Đất nước Việt Nam hiện nay cần một lớp nông dân giỏi, sáng tạo, không để đất manh mún, cần liên kết, hợp tác để phát triển. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn và kiến thức nhất là về khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường, và phát triển. Hơn lúc nào hết nông dân phải tự cứu mình trước khi chờ người khác cứu. Nếu chúng ta không nuôi cho mình một ý chí, khát vọng thì không thể vươn lên phát triển được – Đó là phát huy tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân ta nói chung và nông dân nói riêng. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan và Hội Nông dân Việt Nam phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà nông dân đã nêu ra để đẩy mạnh liên kết “6 nhà”, sản xuất theo chuỗi và phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Vân Nguyễn