Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đào tạo nông dân đạt trình độ tương xứng với thời đại

08:06 02/01/2021 GMT+7

“Nông dân Việt Nam hiện vẫn thiếu tính chuyên nghiệp: cày ruộng, tuốt lúa cũng phải đi thuê, bón phân gì, phun thuốc gì cũng phải đi hỏi người khác. Muốn làm chủ được sản xuất, làm giàu được từ chính nghề nông, thì nông dân thời đại mới phải có trình độ khoa học công nghệ, phải có kiến thức sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, có kỹ năng sử dụng công cụ, phương tiện cơ giới hóa…” Đó là những chia sẻ của ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Tư liệu.

Xin ông cho nhận định: Nông dân hiện nay giống và khác gì so với trước kia?

Điều giống lớn nhất, và có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi của người nông dân Việt Nam là bản chất cần cù lao động, chịu đựng gian khổ hy sinh. Không phải thời kháng chiến họ mới hy sinh, mà bây giờ vẫn thế, nhiều người sẵn sàng hiến đất đai để làm đường giao thông nông thôn mà không đòi phải đền bù. Đặc điểm thứ hai chưa thay đổi là, nông dân và cư dân nông thôn cho đến bây giờ vẫn là nơi cung cấp ra nguồn nhân lực cho đất nước, gồm cả nhân lực cho công nghiệp, thương nghiệp, trí thức, quân đội, công an. Thứ ba, nông dân ở mọi thời đại dù nghèo khổ đến đâu cũng muốn cho con cái mở mày mở mặt, vì ít chữ nên trọng người nhiều chữ, bóp bụng nuôi con thành tiến sỹ, kỹ sư. Thứ tư, cho dù sau mấy chục năm văn hóa Á – Âu tràn vào đất nước ta nhưng nông dân hiện nay vẫn giữ được bản chất văn hóa truyền thống gia đình, dân tộc và tình làng nghĩa xóm mà cha ông để lại. Thứ năm, một điều kỳ lạ của nông dân Việt Nam mà tôi thấy là họ hay tự so sánh với chính mình để rồi tự thỏa mãn với những cái họ có, chứ ít so sánh với xung quanh. Thấy ngày trước mình không có nổi cái xe đạp, nay có xe đạp, có xe máy rẻ tiền, có ti vi là sướng, chứ không cần biết rằng trong khi mình đang đi xe đạp thì nông dân ở nhiều nước đã đi ô tô rồi. Đây lại trở thành điều may cho các nhà quản lý, vì nếu nông dân không tự chấp nhận những gì họ đang có trong khi xã hội chưa đủ điều kiện làm cho họ giàu thì nguy cơ sẽ bùng nổ những sự phức tạp, dẫn đến bất ổn.

Về những cái khác so với trước kia, đời sống vật chất bây giờ cao hơn trước nhiều. Trí tuệ của nông dân đã hơn hẳn, nhờ tác động của truyền thông đại chúng và quá trình thương mại hội nhập. Tôi gặp rất nhiều nông dân từ nông thôn ra Hà Nội, TP. HCM và các thành phố khác, họ không bị ngỡ ngàng như nông dân của cách đây vài ba chục năm nữa. Đông đảo thanh niên trẻ từ nông thôn ra thành thị được mở rộng tầm nhìn, khi trở về đem theo hiểu biết mới cho nông thôn. Một điều khác nữa, hầu hết các hộ gia đình ở nông thôn bây giờ không còn thuần nông nữa, mà trong một hộ gia đình có cả tri thức, công nhân, nông dân…

Có người nói nông dân bây giờ không đói, họ chỉ thiếu tiền thôi. Ông nghĩ gì về điều này?

Quả là kinh tế thị trường đã làm cho nông dân thay đổi, cấu trúc kinh tế và xã hội trong nông thôn đã chuyển từ trao đổi hiện vật sang sử dụng tiền mặt. Nếu như trước kia, nông dân thiếu đói thì thường tăng trồng các loại cây lương thực khác trong vườn nhà như ngô, khoai, sắn để chống đói. Nhưng nay họ không lo trồng các loại cây này nữa, mà sẽ ra các hàng quán, đại lý ở gần nhà để mua chịu lương thực, thực phẩm và vật tư nông nghiệp. Dẫn đến hình thành mối quan hệ “cộng sinh” giữa người dân với đại lý, hàng quán ở gần nhà. Rất nhiều nông dân nói rằng: Bây giờ không còn lo đói nữa, chỉ lo thiếu tiền để trả nợ. Nhưng câu nói trên còn đặt ra một vấn đề khác nữa. Mặc dù nông dân có nhiều sản phẩm, nhưng lại không bán được vì không có ai mua cho. Điều đó nói một khía cạnh lớn hơn, đặt ra trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải thúc đẩy kinh tế hàng hóa, cho nông dân dễ dàng tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay thấy ở nhiều vùng nông thôn, những lao động trẻ dễ dàng tiếp thu kiến thức, những người có trình độ ở nông thôn đang bỏ quê ra thành phố, các khu đô thị, khu công nghiệp để kiếm sống. Một số lao động khác lại qua con đường xuất khẩu lao động, hoặc học xong ở lại không về. Quê nhà nhiều nơi đất ruộng bỏ hoang. Về nhiều vùng nông thôn, thấy có nhiều nông dân sống trong những ngôi nhà kiên cố nhưng lại phải chạy ăn từng bữa. Tôi đã vào rất nhiều ngôi nhà 2-4 tầng rất hoành tráng, nhưng người sống trong đó vô cùng khổ sở vì không có công ăn việc làm. Bởi vì họ không phải là các đại gia, tiền xây nhà là tích cóp được khi đi xuất khẩu lao động, tiền đền bù khi ruộng đất bị thu hồi, hoặc ra thành phố làm thuê… Như quê tôi chẳng hạn, nhiều người sang Lào buôn bán hoặc làm nghề đồng nát về kiếm được ít tiền đều đổ hết vào xây nhà để tự hào với bà con làng xóm rằng có nhà cao cửa rộng, chứ không đầu tư vào sản xuất. Chỗ này có lỗi trách nhiệm của các đoàn hội tại địa phương trong việc hướng dẫn nông dân tìm lối ra trong cuộc sống. Phải sửa những tư duy lạc hậu của nông dân. Đặc biệt vẫn hằn sâu tư duy rằng, bố mẹ phải làm nhà để lại cho con trai, với tư duy ấy họ phải chắt chiu hàng ngày rất khổ.

Những lực lượng lao động chính thường rời nông thôn ra thành phố để tìm việc làm. Ảnh: Tư liệu.

Nông dân muốn có tiền phải ra thành phố làm thuê. Nhưng ra thành phố thì lại phải thuê trọ trong những căn nhà tồi tàn. Hướng nào để giải quyết nghịch lý này?

Thực ra dòng người từ nông thôn chạy về thành phố là xu hướng chung trên cả thế giới chứ không phải ở Việt Nam. Ngay cả ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… thu nhập và đời sống vật chất của nông dân cao hơn hẳn nước ta, nhưng lao động trẻ vẫn rời bỏ nông thôn, vì nhu cầu giao lưu cuộc sống của họ nữa, chứ không phải chỉ là cần việc làm. Nhà nước cần giải quyết vấn đề nhà ở cho lao động tạm trú ở thành phố, thúc đẩy xây nhà cho thuê với giá rẻ.

Hướng thứ hai là phải kéo gần thành phố về nông thôn, bằng cách phát triển nhiều thành phố giữa vùng nông thôn. Nếu nông thôn chỉ cách thành phố 10-20 km, thì người dân sáng ra thành phố làm việc, tối lại về nông thôn ở sẽ là mô hình rất hay. Nhiều người nhận xét, nếu có thu nhập ở thành phố và sống ở nông thôn là sướng, vì nông thôn mua thực phẩm rất rẻ, không gian lại thoáng đãng. Nhiều người từ nông thôn ra lập nghiệp ở thành phố với mong muốn khi về hưu sẽ về nông thôn. Thế nhưng đến khi về hưu thì nửa muốn về nông thôn, nửa muốn ở thành phố, họ nghĩ rằng về nông thôn thì đời sống dễ chịu hơn với đồng lương hưu ấy, thế nhưng không muốn về vì các dịch vụ như y tế, giáo dục, thông tin lại còn kém. Vì vậy, phải nâng điều kiện sống xã hội ở nông thôn lên ngang tầm với đô thị.

Chính sách xóa đói giảm nghèo hướng đến cho người nghèo cần câu và dạy họ cách câu cá. Những năm qua, chương trình đào tạo nghề nông dân đã triển khai rộng khắp. Vì sao nhiều người vẫn nghèo, thưa ông?

Thế giới khen ngợi chúng ta về thành tích xóa đói giảm nghèo phải hiểu rằng cái họ khen là giảm bớt hộ nghèo trong số tổng số hộ nghèo mình có, chứ thực ra tỷ lệ nghèo ở Việt Nam vẫn còn quá cao so với thế giới.

Chưa thoát được nghèo, trước hết là ở bản thân những người nghèo. Các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng phải giúp họ tháo “ách ỷ lại”. Chính sách giảm nghèo vẫn nặng về cho nhiều quá. Dẫn đến nhiều nơi nông dân không muốn ra khỏi diện nghèo, vì họ sợ sẽ không còn được hưởng những thứ mà nhà nước cho họ. Vì vậy, cần phải giáo dục lòng tự trọng của nông dân. Nông dân ở các quốc gia khác khoe họ đóng được nhiều tiền thuế cơ, chứ không khoe tôi là hộ nghèo.

Vấn đề thứ hai, mình cho họ cái cần câu mà không ra cần câu. Có cần và mồi tốt rồi, nhưng lại để cho quá nhiều nông dân tập trung vào câu ở một khúc sông thì làm gì có cá. Tôi đã đến một xã, thấy họ đào tạo 35-40 người sửa xe máy. Đông thế thì sửa xe máy cho ai? Đến đâu cũng thấy dạy nghề mây tre đan, cả nước sản xuất hàng mây tre đan thì sản phẩm bán ở đâu? Rất buồn rằng đào tạo của chúng ta không sát nghề. Năm nào cũng báo cáo thành tích mở hàng nghìn lớp, dạy nghề cho hàng trăm nghìn người, thế nhưng chẳng mấy người có nghề. Mình đang đào tạo nghề theo kiểu dạy những nghề mà trường có giáo viên, chứ không cần biết nông dân cần nghề gì, bao nhiêu người học nghề đó là đủ. Ngay cả những người đi học nghề nông về, hầu hết vẫn lúng túng không biết tự tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trong gia đình mình thế nào cho hiệu quả.

Nông dân Việt Nam thiếu chuyên nghiệp là do chính ở đào tạo, chứ đừng quy cho đất đai ít. Như ở Hàn Quốc, Nhật Bản… đất ruộng của mỗi hộ nông dân cũng chỉ có vài sào, nhưng họ vẫn cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao nên đạt thu nhập rất cao. Nông dân ở các nước đó có tính chuyên nghiệp rất cao, họ hoàn toàn làm chủ được công cụ lao động và kỹ thuật canh tác. Trong khi nông dân ở nước mình, từ việc cày ruộng cũng phải đi thuê, tuốt lúa cũng phải đi thuê. Thậm chí nhiều nhà phải sang hàng xóm mượn cái bình phun thuốc trừ sâu, rồi bón phân gì, phun thuốc gì cũng phải đi hỏi người khác thì làm chủ sản xuất thế nào được.

Tập hợp lại những chính sách về hỗ trợ nông dân, xóa đói giảm nghèo đã được ban hành trong mười năm qua, phải lên đến 10.000 trang. Nếu tất cả các chính sách đó được thực thi hết thì nông dân Việt Nam bây giờ đã giàu nhất thế giới rồi, chẳng còn ai nghèo nữa. Nhưng với 10.000 trang như vậy, cán bộ quản lý chẳng đọc được hết, chứ đừng nói là thực thi. Nhiều tiền nhưng chia cho quá nhiều chính sách, thành ra không chính sách nào có đủ tiền để thực thi, dẫn đến triển khai nửa vời. Cần phải soát lại các chính sách, làm sao cho ít chính sách thôi nhưng phải thiết thực.

Đào tạo nghề cho nông dân cần thiết thực và gắn với việc làm. Ảnh: Tư liệu.

Vậy ông cho rằng công tác đào tạo nông dân vẫn chưa hiệu quả?

Từ hơn 10 năm nay, chúng ta tập trung đào tạo rất nhiều cho nông dân, nhưng thực tế cần phải nhìn thẳng là đa phần chưa đào tạo được những kiến thức nông dân cần. Nông dân Việt Nam vẫn thiếu chuyên nghiệp trong chính nghề nông của mình. Cán bộ khuyến nông các tỉnh tuy nhiệt tình nhưng còn thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có lớp nghiệp vụ sư phạm nào được mở cho cán bộ khuyến nông. Nông dân sau khi được học còn lúng túng, khó triển khai ứng dụng và mở rộng sản xuất trên quy mô lớn một phần bởi vì Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm.

Ông có những khuyến cáo gì đối với việc đào tạo nghề cho nông dân?

Việc đào tạo nông dân rất quan trọng để nông dân tự tin tham gia chuỗi sản xuất. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có những chính sách đào tạo nông dân và hợp tác xã rộng hơn về mặt tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn/quy chuẩn sản xuất trong nước và quốc tế, quản lý được chất lượng. Cùng với đó là chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, tập huấn cho nông dân các kỹ năng mới trong sản xuất nông nghiệp. Đào tạo, tập huấn cho nông dân để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng phương án phát triển sản xuất và tổ chức triển khai trên thực tiễn các mô hình sản xuất hàng hóa là vấn đề then chốt trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đào tạo đừng đưa cái quá xa vời cho người nông dân. Hãy dạy theo đúng nhu cầu thực tế, các định hướng phát triển nông thôn tại các xã và đào tạo đúng với mô hình khuyến nông, khuyến công để biến việc học thành việc làm cho nông dân. Dạy nghề để phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, do đó học nghề phải gắn với trách nhiệm của địa phương, doanh nghiệp; đào tạo phải theo hướng địa phương cần gì thì đào tạo cái đó, nên các địa phương cần xác định rõ nhu cầu đào tạo, theo tôi là then chốt.

Hiện nay một bộ phận lớn nông dân nước ta vẫn canh tác lạc hậu, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Ảnh: Tư liệu.

Những năm gần đây, làn sóng đầu tư vào nông nghiệp đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lớn lâu nay chưa từng tham gia vào nông nghiệp nhưng bây giờ họ cũng đổ tiền đầu tư khá mạnh mẽ. Nhiều chuỗi liên kết ngành hàng đã hình thành, do doanh nghiệp làm “đầu tàu” liên kết với các tổ hợp tác, các hợp tác xã tập hợp nông dân canh tác sản xuất hàng hóa lớn để bán cho doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ở mô hình này, đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VieGAP, hoặc GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác để đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Thế nhưng, nông dân lại chưa đủ kiến thức, kỹ năng để sản xuất tốt. Đấy là thách thức thực sự mà các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp phải đối mặt. Bởi vậy, cần đẩy mạnh việc đào tạo thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần bao nhiêu lao động, lao động như thế nào sẽ đào tạo như thế. Đây sẽ là phương án luôn phát huy hiệu quả. Nếu đào tạo không gắn với doanh nghiệp ngay từ đầu thì sẽ không thành công.

Theo ông, nông dân mới cần có những tố chất gì để tương xứng với thời hiện đại, thưa ông?

Nông dân hiện đại trước hết phải có thể lực, thể chất tốt. Người xưa thường nói nông dân lực điền, vạm vỡ như nông dân. Nhưng bây giờ tôi thấy nông dân nhiều nơi còi cọc hom hem quá, đừng xem nhẹ vấn đề này. Thứ hai, họ phải là nông dân chuyên nghiệp: phải có trình độ kỹ thuật cao, sử dụng thành thạo các máy nông nghiệp, họ phải lựa chọn được giống và vật tư nông nghiệp cho năng suất cao, tạo liên kết để xử lý đầu ra. Thứ ba, họ phải có trình độ văn hóa cao cả trong sản xuất, đời sống, tiêu dùng và trong hưởng thụ văn hóa. Thứ tư, đời sống của họ phải khá giả. Thứ năm là họ phải tin tưởng vào tương lai. Đáng buồn rằng, tôi hỏi từ chủ tịch xã đến nông dân, không ai muốn con mình làm nông nghiệp vì họ không thấy tương lai của nghề nông. Phải nhìn thấy được và tin tưởng nông nghiệp sẽ đưa họ trở thành giàu có, thì mới trở thành nông dân của thời đại mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Mình cho họ cái cần câu mà không ra cần câu. Có cần và mồi tốt rồi, nhưng lại để cho quá nhiều nông dân tập trung vào câu ở một khúc sông thì làm gì có cá. Tôi đã đến một xã, thấy họ đào tạo 35-40 người sửa xe máy. Đông thế thì sửa xe máy cho ai? Đến đâu cũng thấy dạy nghề mây tre đan, cả nước sản xuất hàng mây tre đan thì sản phẩm bán ở đâu? Rất buồn rằng đào tạo của chúng ta không sát nghề”.

Đào tạo đừng đưa cái quá xa vời cho người nông dân. Hãy dạy theo đúng nhu cầu thực tế, các định hướng phát triển nông thôn tại các xã và đào tạo đúng với mô hình khuyến nông, khuyến công để biến việc học thành việc làm cho nông dân. Dạy nghề để phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, do đó học nghề phải gắn với trách nhiệm của địa phương, doanh nghiệp; đào tạo phải theo hướng địa phương cần gì thì đào tạo cái đó, nên các địa phương cần xác định rõ nhu cầu đào tạo, theo tôi là then chốt.

Chu Khôi (thực hiện)