Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Điểm sáng bảo vệ môi trường ven biển ở Thừa Thiên–Huế

11:40 20/09/2021 GMT+7

Hải Dương là xã ven biển duy nhất của thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) có địa hình nằm dọc biển với chiều dài 7km. Đây là một địa bàn “đầu sóng ngọn gió” chịu ảnh hưởng trực tiếp khi có triều cường, áp thấp nhiệt đới và bão. Việc duy trì, tôn tạo hệ thống kè chắn sóng cũng như gìn giữ môi trường ven biển luôn được chính quyền và các đoàn thể địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Bờ biển sạch nhờ Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”

Những năm gần đây, chính quyền và Hội Nông dân Thị xã Hương Trà đã phát động các hoạt động gìn giữ, bảo vệ môi trường biển với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”; “Chung tay hành động vì biển xanh không rác thải nhựa”; “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển”…  Triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Phát động hội viên, nông dân các xã, phường trên địa bàn ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải tại bờ phá, bờ biển, giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon cũng như thói quen vứt rác bừa bãi…

Là xã biển duy nhất của Thị xã Hương Trà, Hải Dương có bờ biển được đánh giá là bãi biển đẹp, còn hoang sơ, có tiềm năng phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, khác với khu vực dân cư đã dần “sạch đẹp”, khu vực bờ biển Hải Dương vẫn chưa xử lý triệt để được tình trạng ô nhiễm vì rác.

Người dân xã Hải Dương trước đây chưa có thói quen trong việc bảo vệ môi trường, “tiện tay” ở đâu vứt bỏ rác tại đó. Nguyên nhân theo nhìn nhận của cán bộ Hội Nông dân xã là do địa phương chưa có phương tiện xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày cộng với rác tồn dư sau những đợt lũ để lại. Lượng rác này tấp vào bờ, “cư ngụ” trong rừng dương, chen chúc trong các kẽ đá của bờ kè. Vì có quá nhiều rác nên lâu nay việc quản lý bị bỏ ngỏ và người dân xử lý bằng cách đào hố để chôn. Hậu quả là dọc bờ biển tồn tại những hố rác lộ thiên bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Trước nguy cơ ô nhiễm bờ biển do rác thải, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân, kêu gọi người dân và các tổ chức, đoàn thể hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, tổ chức thu gom và xử lý rác thải, “chung tay” dọn rác khu vực bãi biển, bờ kè đã phần nào làm giảm tình trạng ô nhiễm do rác tại đây.

Người dân tham gia thu gom rác khu vực bờ kè xã Hải Dương.

Từ khi hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, không chờ đến dịp cuối tuần, Hội Nông dân xã đã kêu gọi hội viên nông dân phối hợp với các đoàn thể địa phương luôn tích cực chung tay dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải tại khu vực bờ biển, địa bàn dân cư, trường học.

Dọc con đường từ cầu Tam Giang về bờ biển Hải Dương và đến các thôn không còn hình ảnh rác thải vứt bừa bãi. Hai bên đường, trong các khu dân cư, rác được tập kết đúng nơi quy định. Ông Nguyễn Hận – Bí thư Đảng uỷ xã Hải Dương hồ hởi chia sẻ: “Điều đáng mừng là từ khi phong trào vệ sinh môi trường có sự lan toả rộng khắp đến các khu dân cư, hộ gia đình, người dân xã Hải Dương không chỉ chờ dịp cuối tuần mới ra quân mà hàng ngày vẫn nhắc nhau làm vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở, thu gom, dọn dẹp rác để đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cũng phân chia rõ ràng tuyến đường, bãi biển mà đơn vị phụ trách để thực hiện việc dọn dẹp vệ sinh… Nhờ đó đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Hận, chính quyền xã đã họp dân và thống nhất mỗi hộ sẽ đóng 20 ngàn đồng (tổng số gần 260 hộ dân khu vực bờ kè, hộ kinh doanh) và bà con sẽ tự hợp đồng thu gom rồi xã sẽ vận chuyển tới nơi tập kết xử lý. Hiện một âu thuyền chứa rác đã được đưa về đặt tại đây, hàng tuần sẽ tổ chức lực lượng thu gom rác đưa về âu thuyền. Riêng các hố rác tự phát trước mắt sẽ được xử lý đốt tại chỗ.

“Tuy nhiên, do vị trí đặt âu thuyền hiện hơi xa so với khu vực trung tâm bờ kè nên chúng tôi đang đề xuất thị xã hỗ trợ xây dựng điểm đặt âu thuyền phù hợp, thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển rác thải” – ông Nguyễn Hận nói.

Góp công sức bảo vệ mảnh đất “đầu sóng ngọn gió”

Theo các vị cao niên trong xã, đối với cộng đồng dân cư Hải Dương cho đến nay, ngăn chặn xâm thực của biển cả là nhiệm vụ sống còn. Phát huy truyền thống của cha ông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cùng nhau bảo vệ mảnh đất “đầu sóng ngọn gió”, trồng cây chắn sóng, chắn cát, đắp đập, quai đê… là việc làm thường xuyên của người dân Hải Dương.

Cư dân xã Hải Dương chủ yếu làm nghề biển và sống nhờ sản vật biển. Trải qua bao đời sinh sống, lập làng, mở đất, người dân Hải Dương đã chịu nhiều áp lực của sóng gió, bão lũ,. Ví như xóm Gành chỉ còn là địa danh của xã Hải Dương, sóng biển xóa sạch một rừng dừa chỉ còn lại mặt nước biển với diện tích xâm thực gần 20 ha đất nhà ở và rừng.

Cũng từ việc thường xuyên chống chọi với thiên nhiên, người dân xã Hải Dương đã “tích lũy” cho mình những bài học kinh nghiệm để chung sống với thiên nhiên khắc nghiệt, phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh- quốc phòng.

Cách đây hơn 40 năm, người dân Hải Dương đã tập trung trồng cây chắn cát bay, như dừa, dương liễu, tre, bạch dàn, dứa, keo lá tràm… Hàng năm, người dân nơi đây chăm sóc, bảo vệ, trồng rừng trên các bãi cát, trồng cây phân tán trong dân cư.

Ra quân làm sạch môi trường ven biển, tu bổ đê kè, chăm sóc rừng cây chắn cát tại xã Hải Dương.

Đến nay, Hải Dương đã tạo nên một diện tích rừng phòng hộ gắn với nhiệm vụ quốc phòng –  an ninh hết sức vững chắc, phủ khắp không còn điểm trắng của sa bồi với 189 ha rừng phòng hộ, trong đó chủ yếu là cây dương liễu.

Cùng với nhiệm vụ trồng rừng chắn cát bay, xâm lấn khu dân cư, điều hòa khí hậu Hải Dương còn xây dựng các tuyến đê dân sinh bảo vệ sự xói mòn do lũ lụt, sóng biển. Hàng năm, nhân dân xã Hải Dương đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để đắp đê, ứng phó với thiên tai triều cường dâng cao. Mặt khác, xã Hải Dương được xác định như “bình phong” ngăn cản sóng, chặn nước mặn dâng lên làm ảnh hưởng đời sống nhân dân các xã vùng trên.

Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn chính quyền các cấp đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng xây dựng đê chắn sóng biển, đê kè phá chống xói lở, bảo vệ cho hơn 150 ha đất và hơn 500 hộ dân cư đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị tàn phá. Xã Hải Dương cũng được đầu tư quy hoạch mới 6 khu tái định cư cho hơn 450 hộ hội viên nông dân vùng bị lũ quét, bão tàn phá và các hộ nông dân di dời từ vùng hồ thủy điện làm nhà ở an toàn” –  ông Mai Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hương Trà chia sẻ.

Bài, ảnh: Liên Minh