Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đình làng Mai Động rộn ràng tiếng trống vật mùa Xuân

Minh Tú - 13:38 01/02/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đã thành truyền thống từ hàng ngàn năm nay, Lễ hội vật truyền thống làng Mai Động được tổ chức từ ngày mùng 4 đến mùng 7 tháng Giêng. Được xem là đất tổ của vật, nên mỗi dịp diễn ra, Lễ hội vật làng Mai Động luôn thu hút nhiều đô vật đến từ nhiều lò vật nổi tiếng của Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc về tranh tài. Không chỉ tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam, Hội vật làng Mai Động còn là một ngày hội lớn của nhân dân cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội.

Ngôi làng hơn 2.000 năm tuổi phía Nam Hà Nội

Các tài liệu cổ đã ghi, Mai Động, tức Động Mai, còn có tên cổ là My Động. Vào những năm đầu Công nguyên, khu vực phường Mai Động ngày nay, đất My Động là một rừng mai, mùa Xuân hoa mai nở trắng cả một vùng.

Mỗi dịp đầu Xuân, Lễ hội vật làng Mai Động lại được tổ chức nhằm ôn lại chiến công và tưởng nhớ Đô úy Tam Trinh - Vị tướng tài dưới thời Hai Bà Trưng. Thần phả làng Mai Động do Đại Học sĩ Nguyễn Bính dịch năm 1572 ghi rõ: Tam Trinh, người quận Cửu Chân sinh ngày 5 tháng Giêng năm Nhâm Dần (năm 20 trước Công nguyên). Ông có tướng mạo khác thường, 3 tuổi biết lễ nghĩa, 15 tuổi làu thông kinh sử, võ nghệ cao cường. Năm ông 18 tuổi, bố mẹ mất, ông chịu tang 3 năm rồi đến Mai Động dựng trường dạy học, dạy võ thuật, học trò mến mộ theo học rất đông. Ông còn giúp dân làm ăn, truyền nghề làm đậu phụ cho người dân ở đây, sửa sang phong tục, được dân chúng mến mộ tôn làm Châu Trưởng.

Năm 40, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Tam Trinh đem 3.000 tráng đinh lên Hát Môn tụ nghĩa. Thấy ông võ nghệ cao cường, mưa trí, dũng cảm, Hai Bà phong ông là Đô úy, cử ông dẫn đầu một cánh quân tiến thẳng đánh thành Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), quân Đông Hán đại bại. Thừa thắng, quân Hai Bà đánh hạ 65 thành trì, Thái thú Tô Định phải cải trang làm dân thường, bỏ cả ấn tín chạy về phương Bắc. Khi Trưng Trắc lên ngôi vua, Tam Trinh được phong tước Liệt hầu trấn giữ quan ải. Đầu năm 43, Mã Viện dẫn quân Đông Hán sang xâm lược. Thế địch rất mạnh, Tam Trinh phải lui quân về Mai Động đào hào, đắp lũy cố thủ. Đêm 10 tháng Hai năm Quý Mão, sau một trận đánh không cân sức, ông phi ngựa lên núi rồi hóa. Thương tiếc ông, dân Mai Động làm lễ tế thần, suy tôn ông làm Thành Hoàng làng đồng thời cử hành hội vật, tương truyền chính là môn thể thao của quân Tam Trinh ngày xưa.

Đình và Nghè Mai Động được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa năm 1989

Trải qua hơn 2000 năm tồn tại và phát triển, làng Mai Động trở thành một trong những cái nôi kết tinh võ vật cổ truyền của dân tộc Việt Nam và Lễ hội vật làng Mai Động trở thành hoạt động văn hóa lớn nhất tại khu vực Nam Hà Nội ngày nay. Lễ hội vật làng Mai Động gồm hai phần Lễ và Hội. 7:00 sáng mùng 4 Tết Ất Tỵ năm nay đã diễn ra nghi thức múa lân sư, văn nghệ, rước kiệu thánh từ Nghè về Đình, biểu diễn trống hội và võ thuật, tế thánh.

Đội Lân Sư Rồng thực hiện nghi thức tế trước cửa Nghè Mai Động 
Các tráng đinh trong làng trong trang phục binh lính chuẩn bị rước kiệu tại sân Nghè

 

 

 

 

 

 

Nghi thức bắt đầu với lễ rước thánh kiệu tưởng nhớ Đức Thánh Tam Trinh xuất phát từ Nghè đến Đình
Thượng tọa Thích Thanh Vân (trụ trì chùa Thiện Khánh, Mai Động) cùng đoàn Phật tử chùa Thiện Khánh dẫn đầu đoàn rước kiệu
Nhân dân, các đô vật và đông đảo du khách thập phương chứng kiến lễ rước kiệu đầy thành kính và trang nghiêm

Đoàn rước kiệu thực hiện các nghi thức tưởng nhớ, tôn vinh vị Thành Hoàng đã có nhiều công lao với nhân dân Mai Động tại sân Đình

Tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc Việt  

Hội vật bắt đầu sau lễ rước thánh kiệu tưởng nhớ Đức Thánh Tam Trinh. Tuy chỉ là lễ hội vật làng nhưng vẫn quy tụ của nhiều đô vật danh tiếng khắp các “lò vật” nổi tiếng ở Hà Nội như: Hoàng Mai, Lĩnh Nam, Mai Động, Yên Sở… cũng như những đô vật tới từ các tỉnh khác ở phía Bắc như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Tây cũ, Vĩnh Phúc...

Mở màn phần Hội là keo Vật thờ, một nghi thức báo cáo với Thành Hoàng làng, thần linh về Hội vật do hai Lão Đô nổi tiếng của làng Mai Động thực hiện
Keo vật thờ cũng là cách gửi gắm tới Thành hoàng làng, chư vị thần linh những ước nguyện của nông dân về một mùa màng bội thu
Hai lão đô, Đô Tư và Đô Thụy 81 tuổi động tác tuy có chậm nhưng vẫn khiến người xem trầm trồ bởi kỹ thuật vật của hai lão đô đã đạt tới mức đỉnh cao

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động cho biết: Nhân dân phường Mai Động suy tôn Thánh Tam Trinh làm Thành Hoàng làng, ông là một Đô úy dưới thời Hai Bà Trưng năm 40. Thánh Tam Trinh đã dạy văn, dạy võ, truyền nghề làm đậu phụ cho dân làng Mai Động. Nghề làm đậu phụ, đậu phụ Mơ đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Nghề truyền thống của Thủ Đô”. “Vật chính là một môn võ thuật mà Thánh Tam Trinh dùng luyện quân ngày xưa và Lễ hội vật làng Mai Động đã thể hiện được tinh thần thượng võ cũng như lòng biết ơn của dân làng đối với một người Anh hùng.”, ông Hoàng Việt cho biết thêm.

Ông Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Nông thôn mới 

Lễ hội vật làng Mai Động năm 2025 có nhiều diểm mới so với mọi năm, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động chia sẻ. Công tác chuẩn bị được UBND Phường tiến hành từ sớm, phân công các đoàn thể, Hội vận động bà con dân làng tổ chức Lễ Hội cẩn thận chu đáo, an toàn. Một trong những vấn đề khiến dân làng băn khoăn từ nhiều năm nay đó là Lễ hội vật làng Mai Động nổi tiếng nên thu hút đông đảo đô vật về tranh tài, trong đó có cả các Đô đạt đẳng cấp quốc gia, quốc tế. Phần lớn các giải thưởng đều do nhóm các vận động viên chuyên nghiệp này đạt nên dù bà con rất hoan nghênh và tự hào khi thu hút nhiều anh tài về dự nhưng cũng băn khoăn khi các đô vật của lò vật Mai Động dù rất giỏi nhưng cũng nhiều năm không thể cạnh tranh. “Năm nay, bên cạnh các Giải như mọi năm, chúng tôi tổ chức thêm một giải thưởng giành cho các đô của làng tham gia tranh giải và một giải thưởng giành cho các thiếu niên. Chính quyền và nhân dân phường Mai Động hy vọng thông qua các giải thưởng mang tính khích lệ này sẽ góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục thể thao, tiếp nối truyền thống thượng võ của dân tộc cho các thế hệ sau này”.

Công điện bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025
Ngày 22/1/2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Công điện số 05/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025.