Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gắn kết du lịch nông nghiệp với tiêu thụ sản phẩm OCOP: Kinh nghiệm từ Hậu Giang

Nguyễn Dương - 08:12 16/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Để khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa vùng miền, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch văn hóa nhằm thu hút khách du lịch, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động vùng nông thôn. Hiện toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được hơn 20 điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Vùng đất nhiều tiềm năng

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn đang mang lại nhiều ý nghĩa. Trong đó, một là giúp phát triển kinh tế nông thôn, hai là tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách.

Chợ nổi Ngã Bảy Hậu Giang

Cũng theo nhận định của ông Long, nếu không có các hoạt động tạo thu nhập ở vùng nông thôn thì các dòng di dân từ nông thôn lên đô thị càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi du lịch nông thôn phát triển sẽ có thêm việc làm cho giới trẻ và có thêm “không gian” để mọi người dân có những ý tưởng sáng tạo, hay có thể tận dụng chính những cảnh sắc làng quê thanh bình, những nét văn hóa đa dạng, những sản phẩm nông nghiệp phong phú để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn. Điều quan trọng của việc phát triển du lịch nông thôn là sẽ thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ nông sản, gia tăng giá trị nông sản từ hoạt động du lịch là kênh quảng bá hữu hiệu cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản đặc trưng của địa phương là hồn cốt trong tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo thúc đẩy cho ngành Du lịch phát triển. Bên cạnh đó, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được đảm bảo khi du lịch nông nghiệp - nông thôn tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn kiếm thu nhập tại nơi mình sinh sống, không phải đổ dồn về thành thị để mưu sinh.

Hiện nay, khi đến với các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, du khách sẽ được đi tham quan vườn cây ăn trái, tham quan trang trại chăn nuôi, quy trình sản xuất ở cơ sở, trải nghiệm làm vườn, tham gia nhiều trò chơi giải trí dân gian, thưởng thức ẩm thực với nhiều món ăn đặc sản của địa phương, đồng thời mua những sản phẩm OCOP của địa phương làm quà lưu niệm,…

Ngoài điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn trên thì trên địa bàn Hậu Giang còn có thể kể đến một số điểm du lịch ấn tượng khác như: Vườn dâu Thiên Ân ở thành phố Ngã Bảy, Homestay Mương Đình ở huyện Châu Thành A, Khu du lịch Mùa Xuân ở huyện Phụng Hiệp… Trong đó, Khu du lịch Mùa Xuân là nơi du lịch lâm nghiệp kết hợp với sinh thái. Đặc biệt, nơi đây có vườn chim với hàng nghìn cá thể để du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Du lịch nông thôn sẽ là xu thế tất yếu

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Xác định lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là 2 trong 4 trụ cột của nền kinh tế Hậu Giang. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Trong đó, Hậu Giang đã ban hành được các chính sách về phát triển nông nghiệp, du lịch trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là những nông dân, nhà vườn, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đang dần có sự quan tâm, đầu tư phát triển các địa điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn ngày một tốt hơn. Từ những mặt thuận lợi trên đã góp phần vực dậy đáng kể cho lĩnh vực nông nghiệp và du lịch của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời tạo cơ sở cho những mục tiêu lớn tiếp theo.

Đoàn sinh viên Ấn Độ đến tham quan, trải nghiệm tại trang trại Sữa dê Ngọc Đào

Hậu Giang hiện có khoảng 20 điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn đang hình thành và phát triển. Trong đó, một số địa điểm nổi tiếng đã thu hút khách tham quan như Khu du lịch Mùa Xuân, Trang trại sữa dê Ngọc Đào, Vườn dâu Thiên Ân, điểm tham quan du lịch Bamboo Graden… Hậu Giang hiện có 175 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 68 sản phẩm 4 sao và 107 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đang tạo được sức hút trên thị trường và được tăng cường gắn kết với các điểm du lịch để quảng  bá, giới thiệu đến du khách.

Chính những sản phẩm OCOP là thế mạnh của Hậu Giang như cá thát lát tẩm gia vị, cá thát lát rút xương, trà mãng cầu, rượu Lão Tửu Út Tây, các sản phẩm từ khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, cam xoàn, sữa dê các loại, mật ong, gạo sạch Vị Thủy… được coi là nền tảng để gắn kết phát triển du lịch tại tỉnh trong tương lai.

Một trong những mô hình thành công nổi bật của việc kết hợp sản phẩm OCOP với du lịch có thể kể đến như trang trại sữa dê Ngọc Đào ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A. Nơi đây đã trở thành điểm khám phá và trải nghiệm cho nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Trang trại sữa dê có hơn 200 con, trong đó có hơn 100 con lấy sữa, diện tích khoảng 1,8ha.

Khoảng 2-3 năm nay, trang trại sữa dê Ngọc Đào đã bắt đầu đón du khách đến tham quan. Đa phần khách là học sinh và du khách quốc tế. Anh Nguyễn Văn Đua cho biết: “Chúng tôi kết hợp mô hình làm du lịch để mọi người hiểu hơn về sản phẩm, có những trải nghiệm như người nông dân”. Tại đây, du khách có thể tham quan các chuồng dê, cho dê ăn, vắt sữa, tìm hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm từ sữa dê… Chuồng trại tại đây được xây theo kiểu nhà sàn, cao ráo và thoáng mát. Các khu vực cũng được chia rõ ràng, như: khu vực dê lấy sữa, dê thương phẩm, khu vực cho ăn… Khi đến tham quan, du khách sẽ được gia chủ chỉ dẫn các quy trình, công đoạn và có thể trải nghiệm ở từng khâu nếu muốn.

“Một số chỉ tiêu lớn được đề ra trong phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn của Hậu Giang từ nay đến năm 2025 là không ngừng phát triển và chuẩn hóa các điểm đến du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với sản phẩm đặc trưng và OCOP của từng vùng, trong đó phấn đấu có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đồng thời có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và được kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số…”,

 Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương” 

TỪ KHÓA #nông thôn mới