Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giám đốc hợp tác xã kiên trì vượt qua thất bại

16:56 22/10/2020 GMT+7
Với diện tích 5.600m2, ông Nguyễn Duy Nho – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Đồng Văn, xã Văn Luông (Tân Sơn, Phú Thọ), đã gây dựng được mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp trong đó nuôi lợn kết hợp với đào ao thả cá, còn lại là trồng cây keo, cây

Với diện tích 5.600m2, ông Nguyễn Duy Nho – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Đồng Văn, xã Văn Luông (Tân Sơn, Phú Thọ), đã gây dựng được mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp trong đó nuôi lợn kết hợp với đào ao thả cá, còn lại là trồng cây keo, cây thông… Mỗi năm, trang trại cho thu nhập trung bình khoảng trên 1 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.

Ông Nguyễn Duy Nho vẫn thường xuyên tự chăm sóc đàn lợn trong trang trại. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Chăm chỉ mà vẫn không đủ ăn

Chia sẻ với chúng tôi ông Nguyễn Duy Nho cho biết: “Trước đây, việc lo cho cả nhà đủ ăn, đủ mặc đã là quá sức của tôi, tôi rất sợ mỗi khi nghĩ đến việc phải kiếm tiền. Có được thành quả như bây giờ, thực sự là điều trước đây tôi không dám mơ tới. Đó cũng là nhờ vào sự quyết tâm không cam chịu đói nghèo của bản thân, việc thay đổi cách làm ăn, từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác, sản xuất hàng hóa. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước của chính quyền địa phương đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ chúng tôi trong việc phát triển sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả nhất”.

Ông Nguyễn Duy Nho kể: Gia đình ông cũng trồng trọt, chăn nuôi, lao động vất vả từ sáng sớm đến tối mịt nhưng nhiều lúc cơm không đủ ăn. Qua nghe đài, đọc báo, ông thấy có nhiều nơi thoát nghèo, thoát đói từ việc chăn nuôi. Lúc đầu ông chưa tin tưởng lắm, nhưng vợ chồng bàn bạc vẫn quyết định vừa làm vừa học hỏi thêm. Được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn các tiêm phòng bệnh cho vật nuôi, bước đầu ông đã mạnh dạn đầu tư vay vốn để chăn nuôi.

“Năm đầu tiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi còn nhiều bỡ ngỡ, thậm chí lỗ vốn, mặc dù vậy tôi vẫn không nản chí. Tôi đăng ký tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do chính quyền xã tổ chức. Tôi còn đi học hỏi kinh nghiệm về các mô hình kinh tế trang trại ở trong và ngoài tỉnh và nhận thấy rằng muốn chăn nuôi có hiệu quả thì phải đầu tư hệ thống chuồng trại quy củ và hiện đại. Đồng thời, tuân thủ đúng quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại thì mới đạt hiệu quả cao” – ông Nho nói.

Phát triển trang trại là hướng đi thoát nghèo

Xác định kinh tế trang trại là hướng đi thoát nghèo và nâng cao thu nhập. Để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi, ông Nguyễn Duy Nho đã đầu tư xây dựng khu hệ thống chuồng trại hiện đại (3 chuồng nuôi lợn nái và 5 chuồng nuôi lợn thịt), có hệ thống lọc gió, giàn phun thuốc khử trùng, hệ thống quạt điều hòa không khí mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông, tránh cho lợn tiêu hao năng lượng và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện, trang trại của gia đình ông luôn duy trì từ 3.000 đến 4.000 con lợn thịt mỗi lứa, cho thu lãi trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình này còn tạo việc làm ổn định cho 16 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 3-6 triệu đồng/người/tháng, không kể các chi phí ăn, ở.

Ngoài ra, ông còn tận dụng chất thải từ chăn nuôi để sản xuất được120 tấn phân hữu cơ vi sinh, bán cho nông dân với giá thành rẻ và tốt cho thu nhập 200 triệu/năm. Đồng thời, kết hợp đào ao thả cá, trồng chè, cây ăn quả, cây lâm nghiệp.

“Tôi xác định muốn phát triển kinh tế mạnh hơn nữa thì cần phải thành lập hợp tác xã để tăng quy mô sản xuất; có cơ hội tham khảo các mô hình làm kinh tế có hiệu quả ở nhiều địa phương và có tư cách pháp nhân để mở rộng quan hệ và liên kết sản xuất. Năm 2015, Hợp tác xã Dịch vụ Đồng Văn được thành lập do ông Nguyễn Duy Nho làm Giám đốc, gồm có 24 thành viên tập trung chăn nuôi, sản xuất phân bón và nuôi thả cá – ông Nguyễn Duy Nho cho biết thêm.
Các sản phẩm của Hợp tác xã đều được đối tác đánh giá cao, được bà con nhân dân trong xã và vùng lân cận đón nhận. Mặc dù trong những năm qua, thị trường lên xuống thất thường, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ. Tuy nhiên, nhờ có sự liên kết bao tiêu đầu ra, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh nên các thành viên của Hợp tác xã vẫn kinh doanh tốt, có tổng doanh thu gần chục tỷ đồng mỗi năm.

Tuệ Anh