Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Homestay và văn hóa bản địa

21:10 27/09/2018 GMT+7

Bây giờ du lịch là một phần kế hoạch mỗi năm của nhiều gia đình trung lưu. Số đông lựa chọn các tour theo những quảng cáo hấp dẫn phù hợp với ngân sách gia đình.

Và cứ thế, sau trào lưu đi châu Âu ngắm các tháp nổi tiếng như Eiffel, Pisa, nghỉ ở những resort ven biển, nay phần đông khách du lịch đang “phát sốt” với trào lưu du lịch và trải nghiệm những điều thú vị với homestay ở những nơi họ đến với mức giá khá bình dân.

Homestay đang bùng nổ với sự tham gia của những người trẻ khởi nghiệp, họ đem nhà tập thể, căn hộ chung cư ở các đô thị đông đúc như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng ra thử nghiệm và cho du khách trải nghiệm cuộc sống đô thị những năm 1980 được tái hiện khá tinh tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong hành trình gợi nhớ cuộc sống cũ khi thiết kế không có gì đặc biệt và thiếu chiều sâu, biến khu homestay thành những căn phòng sang trọng nằm trong một khu cũ nát!

Ở các vùng du lịch phát triển như Hội An, Nha Trang cũng đang rầm rộ dịch vụ homestay và tích cực quảng cáo cho trào lưu này. Thành công hay không thiết nghĩ dựa vào trình độ của người làm cũng như tầm của du khách đến đâu mới để lại dấu ấn trong phát triển sản phẩm du lịch mang đậm tính văn hóa này. Homestay ở Hội An phần lớn mô phỏng nhà cổ bên ngoài, bên trong là những căn phòng san sát cho thuê với giá rẻ, có bếp cho khách nấu nướng…, vậy là thành homestay. Nhưng đâu phải vậy!

Còn du khách, liệu họ có dám trải nghiệm homestay đúng nghĩa, tức rời bỏ những tiện nghi đô thị thời hiện đại? Tôi từng nghe nói có một ông lão người Bana đón khách homestay trên đỉnh sương mù của những dãy núi trùng điệp ở tỉnh Gia Lai. Nhóm người Pháp đi trong lặng lẽ, thư thả, không ai chụp ảnh. Đích đến là một sườn núi vô danh trên đỉnh cao nhất, ở đó có hai người già Bana sống trong căn nhà sàn đơn sơ, suốt ngày cặm cụi với nương rẫy.

Chỉ thông qua vài lời giới thiệu, hai thế giới Đông – Tây hòa quyện với nhau rất nhanh. Buổi sáng, khách phụ lão nông Bana chọc lỗ trỉa lúa nương, buổi chiều đốt nốt đám cỏ lau bên kia sườn núi. Chỉ khi tìm phương án đốt sao cho khỏi cháy rừng mới khiến mấy người ở xứ văn minh kia sôi nổi bàn tán, cãi cọ và cuối cùng răm rắp tuân lệnh thủ lĩnh Bana bản xứ.

Nửa tháng trôi qua. Ăn cơm rẫy, ngủ nhà sàn. Đêm gồng mình nghe gió hú. Rất đơn điệu. Ông chủ rẫy đóng khố, buổi chiều ra giữa rẫy đem theo cái đàn nhỏ, gẩy một điệu ai oán. Khách nằm trên thân cây gỗ mục, đăm chiêu ngắm trời chiều. Vậy mà họ trả tiền rất cao vì không gian đơn sơ nguyên thủy ấy.

Ở ngoại ô tỉnh Nam Định có một khu rừng ngập mặn với loài chim nước sống trong khu bảo tồn thiên nhiên. Nơi này cũng làm homestay cho du khách có dịp trải nghiệm cuộc sống với người nông dân, ngày ngày vào khu bảo tồn học về thiên nhiên, về các loại chim, ăn những món người dân bản địa nấu mỗi ngày, hiểu được quá trình người dân địa phương thay đổi cách kiếm sống, nhận thức bảo vệ môi trường và họ làm du lịch bền vững để đón những người muốn trải nghiệm cuộc sống đến du lịch. Đó là du lịch hình thức homestay mà thế giới ưa chuộng.

Có thể nhiều du khách chưa có hướng trải nghiệm đúng đắn và sự phát triển homestay hiện nay chưa cung cấp những sản phẩm “đắt giá” về văn hóa bản địa cho du khách. Nhưng rồi đây, sau những tour tham quan danh lam thắng cảnh châu Âu, châu Phi, du khách sẽ ưa thích những sản phẩm du lịch có chiều sâu, kết hợp mỗi chuyến đi với học hỏi và trải nghiệm. Đó mới là thời hoàng kim của trào lưu homestay và những người kinh doanh biết tích lũy văn hóa bản địa.

Hồng Bích