Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Huyền thoại dốc Tình” trên Tây Nguyên

22:48 23/08/2018 GMT+7

Vào độ tuổi cập kê, không giống như thanh niên nơi thị thành thường tìm công viên, ghế đá, hàng quán… làm chỗ hẹn hò, tâm sự, tìm hiểu nhau, ở xã biên giới Ia Piơr, huyện Chư Prông (Gia Lai), thanh niên địa phương thường tìm đến bên dòng suối Lốp làm nơi gặp gỡ lứa đôi. Để rồi, duyên nợ giữa họ kể từ đây mà gắn kết.  “Địa chỉ đỏ” này còn được người dân nơi đây gọi là dốc Tình, được ví von như một “phiên chợ tình thu nhỏ” trên Tây Nguyên. Để có được tình, người tham dự chỉ cần tình cảm chân thành và những món quà nhỏ làm tin…

Dốc Tình huyền thoại

Theo chân anh cán bộ văn hoá xã Ia Piơr và được biết nguồn gốc ra đời của chốn “chợ tình” này rất tình cờ. Kể ra cũng từ vài thập niên trước, cái ngày chưa có cầu treo bắc qua con suối Lốp, mỗi khi nước lên, người dân hai bên bờ không qua lại được nên phải dừng chân bên bờ suối đợi nước rút. Những lần đợi chờ nước rút như thế có khi một ngày, có khi vài ba ngày đã tạo nên những cuộc gặp gỡ tình cờ cho thanh niên nam nữ các buôn làng. Nhiều đôi trai gái yêu nhau và lấy nhau cũng bắt đầu từ những lần tình cờ chờ nước rút như thế. Càng về sau, với quang cảnh thoáng mát bởi dòng nước trong xanh, nơi đây trở thành điểm hẹn hò của các cặp lứa đôi thuộc các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn xã Ia Piơr.

Đôi bờ suối Lốp và tên gọi dốc Tình còn gắn với 1 câu chuyện xúc động khác. Nhiều năm trước đây, có một người đàn ông tên là Tình, suốt một thời gian dài đã bỏ công sức làm một việc rất hữu tình đó là đổ đất, đá dựng tuyến đường nhỏ vượt suối vào lúc nước rút, giúp người dân đôi bờ được xích lại gần nhau. Bây giờ chẳng rõ người đàn ông tên Tình ấy còn hay mất, nhưng để nhớ người đã có công giúp người dân 2 bên bờ được giao thương, gắn bó với nhau. Từ dạo đó, người ta gọi con dốc ấy “chết tên” dốc Tình.

Ở đây, những cặp trai gái yêu nhau thường hò hẹn tâm sự vào lúc bình minh vừa ló dạng hay mỗi khi đêm về. Có những đôi tình nhân giữa hai dân tộc khác nhau đã tâm sự thâu đêm bên Dốc Tình.

Tại vùng đất khốn khó nhưng rộng và thưa dân này, thanh niên đến tuổi cập kê không còn chăm chăm hướng về cộng đồng mình để dò hỏi mắt xanh các thôn nữ mà tư tưởng đã tiến bộ dần. Mọi dân tộc đều là anh em trong một nước, dân tộc nào cũng như nhau, cốt yếu là hạnh phúc vun vén trong ngôi nhà nhỏ của chính mình như thế nào. Đôi khi hiểu biết thêm một số phong tục của dân tộc khác thấy cũng hay hay, thế là sau những đêm tâm sự tại dốc Tình, nhiều đôi trẻ đã quyết định tiến tiến đến hôn nhân bất chấp những tập quán của dân tộc khác nhau, đôi khi đối lập nhau.

Tình yêu vượt rào cản

Nhiều mối tình được vun đắp từ nơi hẹn hò – dốc Tình. Đến nay, những đôi giai ngẫu được buôn làng và họ hàng chấp nhận bất chấp hệ thống luật tục rườm rà tồn tại ở từng cộng đồng, từng vùng miền.

Tại làng Plei Me, Rơmah Nhéh, một cô gái đồng bào J’rai không đi “bắt chồng” như phong tục cũ mà chấp nhận về nhà chồng làm dâu theo tục lệ dân tộc Mường.

Nói về mối tình lãng mạn và rất tình cờ của mình, Rơmah Nhéh thổn thức: “Hôm ấy, em đeo gùi lên rừng hái măng, xui khiến thế nào trời mưa xối xả, nước suối Lốp dâng cao không thể vượt qua được. Em chạy đến gốc cây gần đó tránh mưa và gặp được anh Đinh Sang, làng Piar 2 cũng trú mưa ở đó. Trời cứ mưa mãi, hai người ngồi dưới gốc cây bên suối bắt chuyện rồi chuyện trò cả đêm. Ban đầu còn ngần ngại nhưng sau đêm hôm ấy, cả 2 đứa đều nhớ thương nhau. Chỉ khó nhất là em là đồng bào J’rai, anh ấy là người Mường mà người Mường họ không chịu bị đồng bào, con gái J’rai bắt rể theo tục lệ đâu. Nhưng em yêu anh ấy quá! Em phải nhiều lần xin phép gia đình, già làng để được về làm con dâu nhà anh Đinh Sang.”.

Chiếc cầu Tình – nhịp cầu nối tình yêu giữa vùng biên giới xã Ia Piơr, huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai.

Không riêng gì Rơmah Nhéh chịu về nhà chồng làm dâu, cô em gái Rơmah Nhin, làng Plei Me cũng lấy một chàng trai đồng bào Tày. Ban đầu, bà con trong làng không thể chấp nhận việc Rơmah Nhin yêu một chàng trai Tày và cứ hẹn hò nơi Dốc Tình. Bởi, từ bao đời nay, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tuân theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ luôn là trụ cột gia đình, trai gái dù thương yêu nhau đến đâu thì người con gái bao giờ cũng phải đi bắt chồng về…  Rơmah Nhin, một cô gái trong cộng đồng J’rai ở làng Plei Me phải theo tục lệ bao đời nay, có yêu chàng trai dân tộc Tày bao nhiêu cũng phải bắt chồng về nhà mình đồng thời người chồng của cô phải chấp nhận các luật tục của buôn làng.

Nhưng rồi, do cái bụng đã rất ưng nhau, sau những ngày miệt mài trên nương rẫy, đôi trẻ vẫn quyết hẹn hò nơi suối Lốp để chứng minh tình yêu không gì ngăn cản nổi. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, cuối cùng bà con dân làng Plei Me cũng đành chấp nhận cho đôi trai gái cùng tìm hiểu lẫn nhau, Rơmah Nhin được về nhà chồng làm dâu, sớm hôm chăm sóc chồng và gia đình theo phong tục của đồng bào Tày.

Ngược lại với Rơmah Nhin, cách đấy không xa là trường hợp của cô gái J’rai tên là Rơlan H’Phiu ở làng Phung. Cô đã gặp anh Đinh Bảo, đồng bào dân tộc Mường khi anh đang giúp bà con làng Phung vượt qua suối Lốp khi nước đang dâng cao. Trong thời khắc đó, tinh thần đùm bọc, giúp đỡ người khác của Đinh Bảo đã khiến trái tim cô gái Rơlan H’Phiu xao động. Nhưng ngặt nỗi, dù có yêu đến đâu, thương anh Bảo đến đâu, Rơlan H’Phiu phải chấp nhận phong tục của cộng đồng J’rai nơi đây. Là con gái J’rai, khi đến tuổi cập kê, muốn yêu ai, thương ai thì phải đi bắt người đó về làm chồng, khác hẳn tục lệ Mường, con trai Mường đến tuổi thì phải chuẩn bị tài sản đi bắt vợ!

Khi đôi trẻ Rơlan H’Phiu và Đinh Bảo bày tỏ tình cảm của mình với gia đình, cả 2 đều bị gia đình phản đối kịch liệt khi phong tục, tập quán của 2 cộng đồng quá khác biệt. Theo tục lệ từ xa xưa, cô gái J’rai đến tuổi, gia đình phải chuẩn bị tài sản là trâu bò, chiêng ché đến nhà trai bắt chồng về. Người chồng chính là “tài sản” mang về của nhà gái, anh này chính là lao động trụ cột của gia đình nhà vợ một thời gian và của gia đình mình tương lai. Tục của người Mường thì ngược lại, người đàn ông phải chuẩn bị tài sản đi bắt cô dâu về nhà.

Để chứng minh tình yêu chân thật của mình, Rơlan H’Phiu và Đinh Bảo đã đến dốc Tình bên bờ suối Lốp, nguyện thề sống chết cùng gắn bó với nhau. Cũng tại nơi này, Rơlan H’Phiu đã thuyết phục được Đinh Bảo với quan điểm: Hai người yêu nhau thì ai bị “bắt” cũng được cả. Nhưng nhà Rơlan H’Phiu ít người, bố mẹ đều đã lớn tuổi nên cần người chăm sóc. Rơlan H’Phiu đã nhiều lần về làng thuyết phục gia đình Đinh Bảo, cho phép họ cưới nhau. Một lần không được, hai lần không được… Đinh Bảo cảm động trước tấm chân tình của H’Phiu nên cũng cùng người yêu ra sức thuyết phục cha mẹ. Cho đến một ngày, thấy không thể lung lay được ý chí của con trai, ba mẹ anh đã chấp nhận cho anh bị Rơlanh H’Phiu bắt về làng Phung ở rể.

Hôn lễ được cử hành tuy đơn giản nhưng rất đầm ấm, đôi vợ chồng trẻ mỗi ngày tay nắm tay lên nương, lên rẫy. Tâm sự với chúng tôi về chuyện ở rể, Đinh Bảo cho biết: Mặc dù bản thân đã chuẩn bị sẵn tâm lý bị Rơlanh H’Phiu bắt về nhà ở rể. Tuy nhiên ban đầu cũng gặp nhiều bỡ ngỡ, bạn bè  đồng tộc trêu chọc, người làng lời ra tiếng vào… Nhưng đến bây giờ, với tình yêu trong sáng bên dốc Tình, 2 vợ chồng tôi gắn với nhau như hình với bóng, không rời nhau phút nào. Chúng tôi cùng nhau lên rẫy, cùng đi chơi lễ hội, cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng với nồi cơm chiều tuy đạm bạc nhưng hạnh phúc tràn đầy. Tình yêu đã giúp chúng tôi vượt lên tất cả.

Mối tình của sơn nữ miền Bắc Triệu Thị Lan đồng bào dân tộc Dao Tiền được xây dựng bên dốc Tình và những lần hò hẹn trên cầu Tình.

Cô bé Triệu Thị Lan thuộc cộng đồng dân tộc Dao ở Quảng Ninh vào lập nghiệp cùng người yêu là anh Bàng Văn Sinh, đồng bào dân tộc Mường  cũng là cặp đôi cũng từng hẹn hò bên bờ suối Lốp. Như để khẳng định tình yêu của mình, Triệu Thị Lan không chút ngại ngùng: “Chúng em yêu nhau bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất. Buổi tối, bọn con gái con trai trong làng cùng nhau đi chơi, ra dốc Tình tán gẫu. Lúc đó, chúng em chưa hề biết được nhau nhưng rồi anh Sinh bắt chuyện, làm quen. Dưới tiếng nước chảy róc rách của dòng suối Lốp, dần dà, cái bụng ưng ý nhau, đôi bên tỏ tình cùng nhau và quyết chí nên duyên vợ chồng”.

Được biết, lúc đầu gia đình hai bên đều không ưng thuận cho đôi trẻ đến với nhau. Vì họ quan niệm, những buổi gặp gỡ nơi Dốc Tình của các đôi nam nữ thanh niên chủ yếu xuất phát từ cảm xúc ban đầu chứ không hẳn là tình yêu. Song, bằng tình cảm chân thật, Bàng Văn Sinh đã nhiều lần tìm đến nhà Lan và không ngừng chứng minh tính chân thật của mối chân tình nguyên sơ. Khi được gia đình chấp nhận, đôi trẻ này đến bên nhau khi cô bé Triệu Thị Lan vừa bước qua tuổi đôi mươi.

Để tiếp tục khẳng định sức mạnh tình yêu trên vùng đất khó này, Triệu Thị Lan dồn công đi học nghề kết trầu cau, hoa quả kết duyên, học làm bánh sinh nhật đồng thời được sự giúp đỡ của gia đình, 2 vợ chồng trẻ mở 1 cửa hiệu nhận làm bánh sinh nhật, kết hoa cung cấp cho những cặp đôi sắp nên duyên chồng vợ.

Gần 10 năm qua, tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, 1 chiếc cầu treo dài gần 100m được xây dựng kết nối 2 bên bờ suối Lốp. Tên cây cầu là Ia Lốp nhưng chẳng phải ngẫu nhiên, người dân xã Ia Piơr đặt tên chiếc cầu treo này với tên gọi rất thi vị là cầu Tình – nhịp cầu nối những bờ vui của đôi lứa chân tình.

Thanh Luận