Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Huyện Việt Yên: Đưa sản phẩm OCOP vươn ra biển lớn

Việt Tùng - 08:09 20/01/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sau 4 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã có 28 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, trong đó 03 sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao…

28 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên

Ông Nguyễn Viết Cường – Trưởng phòng Kinh tế huyện Việt Yên (Cơ quan Thường trực Chương trình OCOP) cho biết, để chủ động thực hiện chương trình, ngay từ đầu năm UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP, kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm. Tổ chức đánh giá cấp huyện và đề nghị tỉnh đánh giá, công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tổng số điểm từ 3 sao trở lên.

 Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khảo sát, lựa chọn các sản phẩm tham gia Chương trình, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Triển khai các cơ chế hỗ trợ của trung ương, tỉnh tới các địa phương đến các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định.

Muối lạc vừng rong biển là một trong hai sản phẩm của HTX Nông nghiệp Hạnh Phúc được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Để Chương trình đi sâu vào thực tế, huyện đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể là các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp... trên địa bàn về Chương trình OCOP;  Hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đăng ký tham gia Chương trình.

Với cách làm chủ động, sáng tạo, linh hoạt, riêng năm 2023 toàn huyện đã có 10 sản phẩm được công nhận 3 sao, trong đó có 5 sản phẩm vừa được công nhận gồm: Cà chua Thùy Châm của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thùy Châm, thôn Đồng, xã Trung Sơn; nấm sò Thuyết Xuyến của hộ kinh doanh Nguyễn Danh Thuyết, thôn Cao Lôi, xã Ninh Sơn; giò lụa nấm, pate nấm và ruốc nấm hương của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và thương mại Toàn Cương, thôn Đạo Ngạn, xã Quang Châu.

Sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, huyện Việt Yên có tổng số 28 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó: 03 sản phẩm đạt 4 sao; 25 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP của huyện cơ bản đều là sản phẩm chế biến trong đó có các sản phẩm chế biến sâu (như các sản phẩm rượu làng Vân; dầu gấc tinh khiết, giò lụa nấm…), đây cũng là các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng không chỉ của huyện mà còn của cả tỉnh Bắc Giang.

Thu hoạch nấm đùi gà tại Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương, xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang).

Trong đó nhiều sản phẩm, đạt yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường quốc tế (các sản phẩm khoai lang thái lát; bánh nông sản thập cẩm) sang thị trường Hàn Quốc. Một số sản phẩm của huyện được áp dụng nhiều quy trình, hệ thống quản lý chất lượng tốt như: HACCP (Khoai lang thái lát; bánh nông sản thập cẩm) ISO 22000 (Đông trùng hạ thảo Duca) và GMP (viên xương khớp Thanh Ngâm và giải độc gan An Xoa)...

Cần “gỡ khó” để sản phẩm OCOP vươn ra biển lớn

Theo ông Cường, thuận lợi của Chương trình OCOP là đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Trung ương, tỉnh, huyện ngày càng có nhiều chính sách tốt, có sự tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Với Việt Yên, các sản phẩm được xây dựng luôn gắn với thế mạnh của địa phương. Các sản phẩm OCOP luôn bám sát các yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Làm nông nghiệp sạch, hữu cơ đang là hướng đi của bà con nông dân ở huyện Việt Yên, Bắc Giang

Mặc dù thuận lợi là thế, song Chương trình vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế như: Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều; chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực.

 Sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên địa bàn huyện nhiều nhưng sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, theo phương thức thủ công, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn thiếu, chủ yếu vẫn là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình và công nghệ chế biến lạc hậu, chưa đảm bảo đầy đủ các quy định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.

  Năng lực quản trị của các chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhận thức của người sản xuất về việc tham gia chương trình OCOP, dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều chủ thể chưa hiểu hết được ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP nên đến nay vẫn còn nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên địa bàn huyện chưa được phát triển thành sản phẩm OCOP.

Một số sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao vừa qua của huyện Việt Yên, Bắc Giang

 Tiềm lực vốn, nhân lực của các doanh nghiêp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất đa phần còn thiếu và yếu nên rất khó khăn trong việc đầu tư ứng dụng KHKT mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng mặt bằng nhà xưởng sản xuất, khu bán, giới thiệu sản phẩm…

Cán bộ các cấp tham gia thực hiện Chương trình OCOP hầu hết là kiêm nhiệm; Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, các chính sách hỗ trợ hiện nay chủ yếu là thực hiện lồng ghép.

Quy trình lập hồ sơ thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP còn phức tạp và thời gian công nhận sản phẩm OCOP ngắn (3 năm) gây khó khăn cho các chủ thể tham gia Chương trình.

Ông Trần Văn Nghị - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Gấc Việt cho biết, HTX được thành lập năm 2021, với 15 thành viên, canh tác trên diện tích khoảng 15ha. Ngoài ra HTX còn liên kết với các HTX ở nhiều tỉnh khác như: Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên... với diện tích lên đến hàng trăm héc ta.

“Ngoài 2 sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao nêu trên, HTX đang xây dựng các sản phẩm mới như: Dầu xoa bóp hạt gấc, tinh dầu hạt gấc, hay gấc tươi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi nước ngoài và thị trường châu Âu” – Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Gấc Việt, Trần Văn Nghị cho biết thêm.

Theo Chủ nhiệm Nghị, hiện 2 sản phẩm: Bột Gấc sấy lạnh nguyên chất và Dầu gấc tinh khiết đang được xuất khẩu sang Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan. Quả gấc tươi xuất khẩu sang Mỹ, còn hạt gấc chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Trung bình mỗi năm HTX xuất khẩu khoảng 3 – 5 contener bột gấc khô sang Ấn Độ, Hà Quốc và Đài Loan (1 contener = 12 tấn gấc khô, tương đương 500 tấn quả tươi), với giá trung bình từ 200.000 – 220.000 đồng/kg thu về khoảng 2,4 tỷ đồng/cotener. Nếu xuất sang thị trường Hàn Quốc thì khoảng 330.000 đồng/kg, tuy nhiên họ đòi hỏi chất lượng cao hơn rất nhiều. Thị trường gấc ở nước ngoài còn rất tiềm năng, cái khó của các HTX, các doanh nghiệp là tìm đầu mối kết nối cung – cầu, cũng như cơ chế hỗ trợ HTX, doanh nghiệp trong việc vay vốn đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng diện tích nhằm đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu. ” – Chủ nhiệm HTX Trần Văn Nghị bày tỏ.

Việt Yên với tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm OCOP nếu tiếp tục được chú trọng đầu tư bài bản, tạo một cơ chế mở, gỡ khó cho các tin rằng trong thời gian tới nhiều sản phẩm OCOP mang thương hiệu, chỉ dẫn địa lý huyện Việt Yên sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế./.