Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khởi nghiệp từ mong muốn làm chủ công việc

07:39 30/03/2021 GMT+7

Những ngày đầu Xuân Tân Sửu, theo chân lãnh đạo xã về thăm thôn Yên Nam, chúng tôi có dịp được gặp 2 chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết khi cố gắng tìm cho mình một ý tưởng khởi nghiệp đầy táo bạo. Đó là Phan Thanh Huế (SN 1991) và Trần Văn Linh (SN 1990) cùng sinh sống tại Xuân Yên – Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cặp bạn thân cùng chung chí hướng vươn lên.

Chị Hoàng Thị Nhung – công nhân của xưởng đang dùng máy cuốn dĩa công đoạn đưa cước vào dĩa chuẩn bị thay mẻ lưới khác.

Khơi nguồn từ ý muốn làm chủ công việc

Huế với khuôn mặt rám nắng như đã từng trải đậm đà với cái gió mặn rát của vị biển, trong niềm vui phấn khởi khi đã tạo ra cho mình được một công việc ưng ý và ít nhiều đã cho thấy hướng phát triển tiếp theo trong thời gian tới. Huế chia sẻ: “Khi mở xưởng đan lưới ra em cũng có nhiều lo lắng vì ở đây chưa có ai từng làm nghề đan lưới bằng máy như thế này cả, sắm máy để đan được bộ lưới cho khách cũng mất tiền tỉ. Do chưa có kinh nghiệm nên trước khi đầu tư em phải đi học hỏi nhiều nơi để làm, mà nghề này họ cũng không thể truyền hết kinh nghiệm của họ cho mình được nên về làm em vừa tận dụng kiến thức học được vừa phải tự mày mò để có thể làm tốt hơn”.

Từ một người từng bươn chải ở Đài Loan kiếm kế mưu sinh, Huế được vào đứng máy cho xưởng sản xuất lưới của một ông chủ nước ngoài. Ở đây, Huế không được tiếp cận việc đan lưới nhưng bù lại Huế được tiếp cận máy móc và hiểu được nguyên lý hoạt động của nó. Nhờ bén duyên từ làng chài nên khi trở về nước, Huế đã quen với công việc đánh bắt và nhu cầu của người dân, vả lại trong xã và các vùng phụ cận chưa có xưởng sản xuất lưới. Các tấm lưới qua thời gian cùng ngư dân ra khơi đều đã xuống cấp, một số còn có thể khâu vá lại đi đánh bắt tạm nhưng cũng có một số lại không thể tiếp tục sử dụng được nữa nên phải đi đặt mua từ nơi khác về, chất lượng lưới không hơn nhưng giá thành lại cao hơn vì còn phải vận chuyển và mất thời gian chờ đợi. Nhu cầu mua lưới ngày càng nhiều của ngư dân cùng với ý tưởng làm chủ trong công việc và thu nhập, Linh và Huế đã quyết định mở xưởng sản xuất lưới ngay trên chính quê hương mình sinh sống.

Để sản xuất ra một tấm lưới phải trải qua rất nhiều công đoạn và qua nhiều loại máy. Đầu tiên là máy đánh dĩa để quấn cước vào dĩa, tiếp đến là máy quấn ống, máy đan lưới và sau cùng là máy hấp lưới. Trong các công đoạn đó thì hấp lưới là khâu quan trọng nhất vì nó quyết định đến tính thẩm mỹ và sự thành công cho quá trình làm ra một tấm lưới. Ở khâu này đòi hỏi phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho từng loại lưới để lưới không bị sống vì nếu lưới sống thì sẽ bị xoăn còn nếu nhiệt độ cao quá thì lưới bị cháy. Thông thường, ở giai đoạn này nhiệt độ trung bình là 2000C nhưng còn tùy thuộc vào từng loại để điều chỉnh cho phù hợp.

So với nghề đan lưới truyền thống bằng tay nó đòi hỏi là một công việc rất công phu, tỉ mỉ với từng sợi đan và rất mất thời gian, chỉ những người có tính cần cù, kiên nhẫn nhất mới làm được. Nhưng với nghề đan lưới bằng máy thì khỏe và nhanh hơn rất nhiều, giảm bớt được nhân công. Theo chia sẻ của Linh – bạn đồng hành khởi nghiệp với Huế: Nghề đan lưới bằng máy cho thành phẩm nhanh hơn, mẫu mã đẹp hơn vì đan bằng máy các mắt lưới đều hơn, khi nung nóng ở nhiệt độ hợp lí thì các mắt lưới cũng như dây lưới mềm mịn. Vì thế, khách đến mua lưới họ cũng ưng vì trông các tấm lưới rất bắt mắt.

Đầu ra ổn định, thu nhập vững

Với những người cuộc sống thường ngày con thuyền là nhà, biển là nơi ban cho họ cuộc sống thì tấm lưới… là cần câu cơm của họ. Còn những người đan lưới coi đó như cái nghiệp ăn sâu vào tiềm thức, cái nghề đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn và đầy tính nhiệt huyết, là cái nghề không thể thiếu đối với làng vạn chài ven biển. Quanh năm từ Đông sang Hè, Xuân qua Thu không một mùa nào có thể nghỉ ngơi mà không ra khơi bám biển vì thế tấm lưới cũng theo người vươn khơi không mệt mỏi. Thế nhưng không phải mùa nào làm ra tấm lưới cũng dễ dàng cả, cái nghề ngồi trong nhà sản xuất nhưng cũng phụ thuộc vào thời tiết nhiều lắm. Mỗi năm có những tháng sản xuất dễ như bắt đầu cuối Xuân sang Hè việc đan lưới thuận lợi hơn vì lúc đó thời tiết đủ nắng ấm cho những sợi cước giãn nở và không bị ẩm ướt nên việc đan lưới diễn ra nhanh hơn. Còn đối với thời tiết nồm đổ mồ hôi, hoặc sương mù sợi cước bị ướt nên dễ rối và bị đứt khi đưa vào máy đan. Do đó, trước khi đan phải đốt nóng lên để cho sợi cước khô tránh bị đứt làm hỏng cả tấm lưới.

Dù phụ thuộc vào thời tiết trong quá trình đan lưới nhưng với xưởng lưới của 2 chàng trai trẻ này không bao giờ ngưng nghỉ vì hết việc. Xưởng vận hành cả ngày cũng không đủ cho số lượng hàng do khách đặt và hàng sản xuất phổ thông. Mỗi ngày xưởng sản xuất được khoảng 5 yến đến 1 tạ hàng thành phẩm tùy thuộc vào từng loại cước, cước nhỏ chạy được ít hơn nhưng giá thành lại cao. Bình quân mỗi kilogam cước thành phẩm bán ra với giá dao động từ 130.000 đồng đến 250.000 đồng tùy loại, doanh thu mỗi tháng hàng trăm triệu đồng.

Mỗi loại hải sản có những loại lưới khác nhau nên việc sản xuất lưới cũng theo mùa đánh bắt. Lưới đánh bắt cua, ghẹ dùng cước 18 mắt lưới phân dài hơn, mắt to nên sản xuất được nhiều và nhanh nhưng giá thành rẻ hơn, khoảng 130.000đồng/kg. Còn với loại lưới đánh bắt mực giá thành rơi vào khoảng 150.000đồng/kg đan cước loại 35. Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ bà con trong xã mà còn được đặt hàng, thu mua của nhiều người từ các vùng khác dọc tuyến từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hiện tại xưởng đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, bình quân thu nhập mỗi tháng 7-8 triệu đồng/lao động. Nghề sản xuất các loại lưới đánh bắt tôm, cá, mực, cua ghẹ không chỉ tạo thuận lợi cho nông dân đánh bắt thủy sản mà còn mang lại thu nhập cho người dân trực tiếp tham gia sản xuất.

“Nghề đan lưới là một nghề rất triển vọng ở đây, mặc dù hình thành và phát triển chưa đầy 3 năm nhưng hiện nay xưởng đã đáp ứng được số lượng lớn về nhu cầu đánh bắt của người dân khắp vùng. Sắp tới, xã tiếp tục tạo điều kiện để mở thêm xưởng đầu tư bài bản hơn, vì hiện nay công suất của xưởng có lúc chưa đáp ứng kịp với nhu cầu đặt hàng của người dân”.
Ông Trần Anh Khoa, Chủ tịch UBND xã Xuân Yên.

Bùi Ánh