Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm giàu nhờ nuôi trâu ngố

11:44 20/04/2020 GMT+7
Mô hình nuôi vỗ béo trâu đặc sản của ông Lương Hải Tuyên đang là điểm sáng về phát triển kinh tế của vùng quê nghèo Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng từ nghề vỗ béo trâu ngố. Vươn

Mô hình nuôi vỗ béo trâu đặc sản của ông Lương Hải Tuyên đang là điểm sáng về phát triển kinh tế của vùng quê nghèo Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng từ nghề vỗ béo trâu ngố.

Vươn lên làm giàu nhờ nuôi trâu

“Trâu ngố có ngoại hình vạm vỡ, đầu trâu hơi bé so với trâu thường; trán và sống mũi thẳng, có con hơi võng; tai mọc ngang, hay ve vẫy; sừng dài, dẹt, hình cánh cung, hướng về phía sau và hơi vểnh lên trên. Cổ con trâu đực to tròn, con cái nhỏ và hẹp, không có yếm” – ông Lê Hải Tuyên chia sẻ.

Một cơ sở chế biến, đóng gói thịt trâu khô của HTX Tiến Thành.

Đã từng gắn bó với con trâu kéo cày đã gần 30 năm nay, nhưng chưa bao giờ ông Tuyên nghĩ sẽ làm giàu được từ vật nuôi này. Ông Tuyên bảo, trước đây gia đình chỉ chăn thả tự nhiên, chủ yếu để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, đàn trâu trong gia đình không mấy khi vượt quá 3-4 con. Theo ông Tuyên kể, vợ chồng ông đã gắn bó với nghề vỗ béo trâu, bò hơn 3 năm và kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề này mới được no ấm, đủ đầy như ngày hôm nay.

Năm 2017, đúng vào điểm kinh tế gia đình bí bách, ông Tuyên được chính quyền địa phương tuyên truyền hướng dẫn về các chủ trương, chính sách hỗ trợ và giúp đỡ, khuyến khích gia đình tham gia mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi liên kết.

Ông Tuyên đã bàn với vợ vay 200 triệu đồng theo Nghị quyết 10 của Hội đồng Nhân dân tỉnh để mua 5 con trâu và xây dựng chuồng trại chăn nuôi đại gia súc. Cùng với đó, ông lắp bể khí sinh học biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đầu tư trồng cỏ voi, VA06 phục vụ cho chăn nuôi.

Khi tham gia vào dự án nuôi vỗ béo trâu ngố, ông Tuyên được địa phương đưa đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại các mô hình trang trại chăn nuôi trâu, bò nhốt có hiệu quả trong tỉnh. Từ việc chỉ quen tận dụng cỏ tự nhiên, ông học cách ủ rơm rạ, trồng cây vụ đông, tận dụng cây ngô, lá mía… làm thức ăn cho đàn trâu. Chỉ sau hơn 2 tháng chăn nuôi theo hình thức này, khi xuất bán ông Tuyên lãi hơn 5 triệu đồng/con trâu.

Thừa thắng xông lên, đầu năm 2018, ông Tuyên nhân đàn từ 5 con nuôi thử nghiệm, lứa thứ 2 ông Tuyên nuôi 7 con, lứa thứ 3 tăng lên 14 con. Để có vốn chăn nuôi quy mô lớn, ông Tuyên thành lập trang trại chăn nuôi và được ngân hàng cho vay 200 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mạnh vào chăn nuôi con đặc sản này.

Theo ông Tuyên, khó khăn nhất trong việc vỗ béo trâu là vào thời điểm mùa đông. Khi điều kiện thời tiết rét đậm rét hại kéo dài, nguồn cỏ tự nhiên khan hiếm, nếu như không chăm sóc nuôi dưỡng tốt rất có thể gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Ý thức được việc đàn trâu dễ đổ ngã trong vụ Đông chủ yếu do việc chăm sóc, nuôi dưỡng của chủ hộ chưa được tốt, chuồng nuôi chưa đủ ấm, nền chuồng ẩm ướt, vậy nên năm nào ông Tuyên cũng chuẩn bị rất kỹ về chuồng trại, thức ăn và chủ động áp dụng tốt các biện pháp chăm sóc đàn trâu bò trước khi bước vào vụ Đông.

Trung bình một năm tổng đàn trâu của gia đình có khoảng trên dưới 40 con, tương đương với 5 -6 lần vào đàn, mỗi lần vào khoảng 5-7 con. Mỗi con vỗ béo từ trên 2 tháng, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng trên dưới 5 triệu đồng/con. Như vậy, mỗi năm gia đình ông Tuyên lãi khoảng trên dưới 200 triệu đồng.

Việc giải quyết đủ và đều thức ăn thô xanh quanh năm là hết sức quan trọng. Chính vì vậy ngoài việc dành một phần đất nông nghiệp để trồng cỏ và gieo ngô dầy cho trâu bò ăn thì ông còn tận dụng hết những bờ bãi bỏ hoang để trồng cỏ.

Hiện gia đình đang trồng giống cỏ VA06, cỏ ngô, cỏ Ruzi do cán bộ kỹ thuật của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Tuyên Quang) tư vấn, giúp đỡ. Đó là những giống cỏ có năng suất cao, có thời gian khai thác lâu 2-3 năm sau mới phải trồng lại.

Vào những thời điểm cỏ sinh trưởng phát triển mạnh như mùa Hè, nguồn thức ăn dồi dào gia đình thường tận dụng cỏ, rơm và thân cây ngô đem phơi khô bảo quản trong nhà kho hoặc ủ chua để dự trữ khi mùa đông đến. Hàng năm vợ chồng ông Tuyên thường xuyên thay đổi nhau tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Tuyên Quang) tổ chức, nên cũng học hỏi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn chăn nuôi như ủ chua thức ăn, phương pháp làm mềm thân cây ngô, làm mềm rơm cho trâu bò ăn…

“Nhiều người mới chăn nuôi trâu, bò vỗ béo non kinh nghiệm, cứ thấy chuồng bẩn là dùng nước dội nhiều liên tục trong ngày mùa đông, đây là việc làm rất nguy hiểm gây hại cho đàn vật nuôi của mình”, ông Tuyên chia sẻ. Theo kinh nghiệm của ông Tuyên, việc vỗ béo trâu vào mùa Đông chủ yếu là nuôi nhốt tại chuồng, nhất là những ngày nhiệt độ xuống <10oC thì không lùa trâu đi chăn mà cung cấp thức ăn, nước uống tại chỗ và che chắn chuồng cẩn thận sẽ giúp đàn trâu khỏe hơn.

Ông Tuyên chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Bên cạnh đó, vợ chồng ông Tuyên còn rất chú trọng đến công tác vệ sinh thú y và phòng dịch bệnh. Sau mỗi lứa nuôi khoảng hơn 2 tháng, ông Tuyên thường để trống chuồng khoảng vài ngày để vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu chăn nuôi bằng vôi bột và các loại thuốc sát trùng.

Còn nhiều tiềm năng

Tiết lộ bí quyết nuôi trâu, ông Tuyên cho rằng: “Để chăn nuôi hiệu quả phải làm tốt từ khâu chọn giống, trâu, bò được thu mua là giống đực, cao to, vai nở, lưng dài, hơn 1 năm tuổi để sinh trưởng tốt, phát triển tối đa về cân nặng. Không mua bê, nghé còn non vì thời gian vỗ béo lâu hơn, tốn nhiều thức ăn, lợi nhuận thấp, chậm quay vòng vốn.

Pha trộn thức ăn là khâu quan trọng nhất, bao gồm: Cỏ voi xay nhuyễn, cám… đảm bảo sạch sẽ. Trong đó, cần trộn thêm men tiêu hóa vào thức ăn giúp hấp thụ nhanh hơn, cho ăn 2 lần/ngày. Nguồn nước uống cũng được pha thêm các loại muối khoáng cần thiết, tăng sức đề kháng cho vật nuôi”. Sau khoảng thời gian chăm sóc từ 2 – 3 tháng, đàn trâu của ông Tuyên đạt sản lượng thịt và trọng lượng cân theo quy định sẽ được HTX Tiến Thành thu mua mới giá đã cam kết để chế biến sản phẩm thịt trâu khô.

Ông Hoàng Văn Oanh – Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành cho hay: Hộ gia đình ông Tuyên là một điểm sáng về chăn nuôi trâu theo mô hình liên kết theo chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học mà địa phương đã định hướng.

“Thông qua mô hình này hộ ông Tuyên đã có thu nhập cao và là tấm gương điển hình trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm “Trâu ngố Tuyên Quang”. Tiềm năng của con trâu ngố đặc sản của địa phương còn rất lớn, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ nhiều để bà con khác cùng phát triển, tăng thu nhập”, ông Oanh khẳng định.

Tháng 5.2018, nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang” do Hội ND tỉnh làm chủ dự án đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, bảo hộ độc quyền cho 3 nhóm sản phẩm bao gồm: Nhóm thịt trâu đã qua chế biến; nhóm trâu giống, trâu thịt (còn sống); nhóm mua bán trâu giống, trâu thịt (còn sống và thịt trâu đã chế biến).

Bài, ảnh:Minh Trí