Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu

13:11 05/12/2020 GMT+7

“Trong vài năm trở lại đây ngành tôm ở Bạc Liêu có xu huớng phát triển rất tốt. Nếu như trước đây nuôi tôm dưới ao đất, dần thay thế bằng lót bạt cho ao nuôi… nhưng vẫn chẳng mấy hiệu quả, đặc biệt là do ảnh hưởng môi trường nước… Hiện nay đa số các hộ nuôi đã chuyển sang ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, chất lượng tôm nuôi được kiểm soát tốt, cho năng suất và chất lượng cao…”

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của ông Đỗ Minh Hải được nhiều người đến học hỏi.

Đó là khẳng định của ông Đỗ Huỳnh Mai – Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). Để tìm hiểu thực tế về hiệu quả của xu hướng canh tác này, chúng tôi đã về ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Mỹ A) để tìm hiểu về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của hộ nuôi Đỗ Minh Hải.

Trở thành “chuyên gia” sau những lần thất bại

Từng vật lộn nghề nuôi tôm nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông Đỗ Minh Hải phải chuyển sang buôn bán thuỷ sản. Bôn ba, xuôi ngược khắp các tỉnh, thế nhưng cuộc sống vẫn chẳng khấm khá hơn. Nhận thấy tiềm năng của con tôm luôn là xu hướng phát triển kinh tế của địa phương, cùng với sự đam mê bấy lâu ấp ủ, ông quyết định quay về đầu tư. “Năm 2000, tôi bỏ nghề buôn bán, quay về lập lại hồ nuôi tôm. Lúc đó tôi vẫn nuôi trong ao đất theo cách truyền thống. Ban đầu kết quả cũng tốt, nhưng sau một thời gian thì ao nuôi bị ô nhiễm. Tiếp theo, tôi dùng phương pháp lót bạt cho ao nuôi nhưng vẫn kém hiệu quả. Khoảng 2 năm nay tôi đã áp dụng nuôi tôm công nghệ, với cách làm này đã thay đổi hoàn toàn so với những lần trước”, ông Hải chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi tham quan tại khu vực nuôi tôm công nghệ cao, ông cho biết: Tổng diện tích khu này là 7ha, với 30 cái hồ tròn nổi, rộng từ 500 đến 1.000m2, được phân chia theo khu cho từng giai đoạn tăng trưởng của tôm. Dù nuôi bằng phương pháp nào thì nguồn nước là yếu tố đặc biệt quan trọng. Nước được lấy từ môi trường tự nhiên qua hệ thống thuỷ lợi đưa qua hệ thống lọc, sau đó về hồ kiểm tra lại một lần nữa và xử lý bằng vi sinh. Khi kết quả nước đạt chuẩn mới được đưa vào hồ, rồi cung cấp cho hồ nuôi.

“Hệ thống hồ nổi tròn này cũng mới chỉ được áp dụng khoảng vài năm trở lại đây. Công trình này cũng tự tôi mày mò nghiên cứu riêng theo cách của mình. Ưu điểm của hồ nổi tròn là dễ quan sát vật nuôi, thay nước dễ dàng. Ngoài ra có một sự vượt trội so với hồ vuông là hồ tròn không có góc tù nên lượng ôxy trong nước đồng nhất giúp cho tôm phát triển đồng đều… Đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang được lan rộng, đa số các hộ, doanh nghiệp, HTX đưa vào áp dụng”, ông Hải cho biết thêm.

Theo ông Hải, nuôi trong hồ nổi tròn và xử lý nguồn nước mới chỉ đạt yêu cầu bước đầu. Điều quan trọng là phái áp dụng được quy trình nuôi sinh học, sinh thái ít tốn chi phí…. Sau khi nghiên cứu cấy ghép vi sinh, cách thức nuôi được áp dụng theo quy trình nên ông đã thành công, vụ nào cũng thắng. Từ đó, nhiều người nuôi trên cả nước đã đến cơ sở của ông tham quan học hỏi và ông cũng sẵn sàng hướng dẫn.

Ngoài những thành công do mình tự nghiên cứu, ông Đỗ Minh Hải còn thử nghiệm ứng dụng công nghệ của đối tác để theo dõi sự phát triển của tôm và nguồn nước trong quá trình sản xuất.

Lan tỏa để cùng nhau làm giàu

Ông Hải cho rằng, quy trình và công nghệ nuôi ông áp dụng cũng khá đơn giản. Bởi các loại nguyên liệu này có sẵn trên thị trường và rất dễ làm. Do đó, nhiều người sau khi đến học hỏi, về áp dụng đều thành công. Đặc biệt, với quy trình nuôi sinh học, sinh thái sẽ không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, do đó, ít tác động xấu đến môi trường, tạo môi trường ao nuôi an toàn cho tôm phát triển, hạn chế dịch bệnh, tỷ lệ đạt từ 90% trở lên.

Là người trực tiếp đến tìm hiểu mô hình nuôi tôm, ông Nguyễn Xuân Thái (xã Bằng Nga, Đồ Sơn, Hải Phòng) cho biết: “Thấy chỗ anh Hải nuôi tôm hay quá nên quyết định vào học hỏi để về áp dụng. Các cháu nhà tôi cũng đam mê làm giàu bằng con tôm, gia đình tôi thuê một khu đất để nuôi, nuôi trong ao đất được mấy vụ rồi nhưng thua lỗ nhiều quá. Thấy trên đài báo nói về mô hình siêu thâm canh tôi đã liên hệ với anh Hải đã lâu, nay mới vào được. Lần này tôi vào học để về áp dụng”.

Còn theo ông Đỗ Huỳnh Mai – Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Mỹ A, cũng là người có bề dày hàng chục năm về nuôi tôm ở địa phương cho biết: Gia đình ông có 5ha nhưng vẫn đang nuôi trong ao đất lót bạt, hiệu quả không cao nhưng đảm bảo kinh tế gia đình. Ông thấy nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình nuôi trong hồ tròn nổi này giúp giảm thiểu rủi ro cho người nuôi, có tính bền vững cao. Tới đây ông cũng sẽ áp dụng vào sản xuất của gia đình.

Ưu điểm của hồ nổi tròn là dễ quan sát, không có góc tù nên lượng ôxy trong nước đồng nhất giúp cho tôm phát triển đồng đều.

“Hiện nay, ngành nuôi tôm ở Bạc Liêu đang được khuyến khích nhân rộng theo hình thức nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hộ ông Đỗ Minh Hải đi đầu về nghiên cứu sáng tạo về hình thức này tại địa phương, ngoài ra ông Hải còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những hộ nuôi khác. Ông Hải còn tham gia vào HTX để phát triển kinh tế tập thể, tạo công ăn, việc làm ổn định cho người người lao động”, ông Mai nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Ngọc – Chủ tịch, Giám đốc HTX DV-NN Thuỷ Sản 30.4 cho biết: Hộ ông Đỗ Minh Hải là thành viên của HTX, những cách làm sáng tạo của ông Hải phù hợp đa dạng từ điều kiện kinh tế, diện tích, địa lý cho các hộ nuôi, đa số các xã viên HTX được chuyển giao và được áp mô hình này. Nhờ đó, chất lượng tôm nuôi được kiểm soát tốt, cho năng suất và chất lượng cao.

“Hiện mô hình này dần lan tỏa và được tỉnh khuyến khích người dân ứng dụng để thúc đẩy phát triển ngành tôm ở địa phương, xứng đáng là “thủ phủ” tôm của cả nước”, ông Ngọc tự hào nói.

Áp dụng quy trình và công nghệ nuôi tôm sinh học cũng khá đơn giản. Bởi các loại nguyên liệu này có sẵn trên thị trường và rất dễ làm. Do đó, nhiều người sau khi đến học hỏi, về áp dụng đều thành công. Đặc biệt, với quy trình nuôi sinh học, sinh thái sẽ không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, do đó, ít tác động xấu đến môi trường, tạo môi trường ao nuôi an toàn cho tôm phát triển, hạn chế dịch bệnh, tỷ lệ đạt từ 90% trở lên.

Tuấn Anh