Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sóc Trăng: Quyết tâm đến năm 2020 có 50% xã Nông thôn mới

01:00 28/08/2018 GMT+7

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 50% số xã và có 2 huyện đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đường về xã nông thôn mới ở Sóc Trăng

Sóc Trăng nằm ở phía Đông Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cách thành phố Cần Thơ 60 km. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Trà Vinh qua sông Hậu, phía Tây Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông, với bờ biển dài hơn 72 km. Tổng diện tích đất tự nhiên 331.118 ha.  Trong đó đất nông nghiệp 276.958 ha, chiếm 83,64% diện tích tự nhiên (đứng thứ 5 trong vùng ĐBSCL). Trong đó đất trồng lúa 146.970 ha, đất nuôi trồng thủy sản 54.500 ha, đất trồng cây lâu năm 43.000 ha, đất lâm nghiệp 12.156 ha (hiện trạng đất năm 2010). Tỉnh có 11 đơn vị hành chính (9 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố) gồm 109 xã, phường, thị trấn; 775 ấp, khóm; dân số trung bình 1.300.826 người, trong đó khu vực nông thôn 1.008.678 người.

Nhờ có lợi thế về địa lý, điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước cho phép Sóc Trăng phát triển một nền nông nghiệp đa dạng. Sóc Trăng là tỉnh đi đầu trong xác định chủ trương trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là xây dựng dựng nông thôn mới. Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhận thức đúng yêu cầu khách quan, đề ra chủ trương giải pháp xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện KT – XH của tỉnh.

Trước hết, tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy các cấp đã chủ động ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã được thành lập ở cả ba cấp: tỉnh, huyện, xã với quy chế hoạt động rõ ràng, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành cụ thể… Bám sát Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tỉnh đã nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện các tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Song song với đó, công tác tuyên truyền giáo dục cũng đã được tỉnh đẩy mạnh thực hiện trên diện rộng. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng gắn với phát huy vai trò của hệ thống cán bộ tuyên giáo, cán bộ dân vận các cấp đã từng bước giúp cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về ý nghĩa thiết thực của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã quán triệt tốt phương châm “sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của trên đồng thời khai thác, phát huy mọi nguồn lực tại chỗ” nhờ đó đã tạo bước khởi sắc mới ở hầu khắp các địa phương. Đồng thời công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường thường xuyên nhằm giúp các địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Với sự nỗ lực, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã thu được nhiều kết quả bước đầu quan trọng.Toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân đã tích cực hưởng ứng và trở thành phong trào thi đua thường xuyên, sâu rộng, có sức lan tỏa trên khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Vai trò chủ thể của người dân càng được nâng cao; tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ trong cộng đồng được phát huy; nhiều gương điển hình người tốt, việc tốt được nhân rộng; hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn có điều kiện vươn lên đã giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống 3,8% (2017 còn 11,85% so với 2016). Sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 7,01%; kết cấu hạ tầng kinh tế –  xã hội ở nông thôn đầu tư đồng bộ, phục vụ tốt sản xuất và đời sống nông thôn… Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 23/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt bình quân 14,4 tiêu chí/xã.

Qua phát động phong trào, nhiều địa phương đã tự vận động xây dựng đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi như: Hội đồng giáo xứ nhà thờ Trung Hải, xã Đại Hải (huyện Kế Sách) đã vận động dân đóng góp trên 500 triệu đồng và 600 ngày công lao động để xây dựng tuyến đường gần 1.000 mét, ngang 3 mét; xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành) vận động xây 5 tuyến lộ và 6 cây cầu nông thôn với giá trị 1,2 tỷ đồng.

Nhiều mô hình hay đã xuất hiện như:  Mô hình “Đội sửa chữa cầu, đường xã An Mỹ”, ở huyện Kế Sách; mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại xã Viên Bình (huyện Trần Đề); mô hình điểm chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội” tại xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung); mô hình “Thắp sáng đường quê”, “Hàng rào cây xanh kiểu mẫu”, “Nhà tôi xanh, sạch, đẹp”…Năm 2017, toàn tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới được trên 145 tỷ đồng thông qua việc hiến đất đai, hoa màu, ngày công lao động và tiền mặt…

Qua thực tiễn lãnh đạo xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy đảng là nhân tố quan trọng hàng đầu để phát huy trí tuệ tập thể, tính sáng tạo trong đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương, giải pháp lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đúng đắn, phù hợp với thực tế, tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.

Hai là, quán triệt thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Ba là, phát huy vai trò của Nhân dân, chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ và huy động cả hệ thống chính trị vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả.

Năm là, nâng cao tính hiệu quả, nghiêm túc, công khai, minh bạch của công tác kiểm tra, giám sát, coi trọng việc sơ, tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm.

Đinh Thị Huyên