Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi ở mỗi con người cán bộ ngành Nông nghiệp, cán bộ Hội Nông dân Việt Nam dẫn dắt, bồi bổ kiến thức kinh tế- xã hội cho người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc làm dịch vụ thương mại trong kinh tế hộ gia đình và kinh tế hợp tác (HTX) … có tư duy khoa học, tác phong công nghiệp, dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi sáng tạo, vượt qua những định kiến xã hội hẹp hòi để học tập, sáng tạo và hoạt động có hiệu quả đóng góp cho đất nước, cho nhân dân.
Bước vào một thời kỳ mà khoa học kỹ thuật – công nghệ, thông tin bùng nổ… đang thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội: Từ sản xuất vật chất đến lĩnh vực sản xuất tinh thần, từ sinh hoạt cá nhân đến sinh hoạt cộng đồng, giao tiếp xã hội; từ lao động, học tập đến nghỉ ngơi, giải trí…Người nông dân không còn bị giới hạn trong làng xóm, địa phương mình, trong quốc gia mình, mà thường xuyên được tiếp cận với những thể chế, cách thức mới, nhân tố mới của các quốc gia, vùng lãnh thổ, châu lục khác chắc chắn sẽ dẫn đến sự tác động hoặc thay đổi ít hay nhiều về tâm lý, tư tưởng, về cách nghĩ, cách làm cho mình, cho cộng đồng và xã hội.
Những tháng năm này, đại dịch Covid đang càn quyét ở nhiều quốc gia với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tại Việt Nam, dịch Covid đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, việc tiêu thụ và chế biến nông sản bị đình đốn kéo dài sẽ dẫn tới hệ lụy khó lường và càng trở nên nghiêm trọng đối với trục nông sản xuất khẩu. Bởi các thị trường không thể chờ đợi Việt Nam mà phải đi tìm bạn hàng mới. Bất lợi này, không chỉ mất dần các đơn hàng trong năm 2021 mà có thể còn kéo dài đến quý 2/2022.
Đại dịch Covid, sự va đập của nó đã làm thay đổi thang giá trị toàn cầu, đặt tình thế cho mỗi quốc gia, từng ngành nghề, lĩnh vực và người nông dân phải chuyển trạng thái kịp thời cho thích ứng. Vấn đề này, khó có thể giải quyết chỉ bằng phương pháp áp dụng kỷ luật truyền thống mà cần có hướng tiếp cận phức tạp hơn, đòi hỏi tư duy mới, kiến thức mới và sự phối hợp đến từ rất nhiều phía. “Công nghệ số” là vấn đề then chốt trong sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu; tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam, đang hạn chế ở cả hai khâu quan trọng nhất là: Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Và chỉ khi nào tạo dựng được lực lượng người nông dân thông minh thì mới có nền nông nghiệp thông minh.
“Lợi ích” đã trở thành tâm điểm cạnh tranh, thành động lực phát triển. Những nông dân là chủ trang trại, gia trại, chủ doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có đất đai, có nguồn lực tài chính (vốn vật chất); có kiến thức, kỹ năng, nhạy bén với thị trường (vốn xã hội), táo bạo đón nhận, làm theo cái mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật – công nghệ tiên tiến sẽ có nhiều thành công và giàu có. Ngược lại, người nông dân có nguồn lực thấp, định cư ở vùng cao, vùng sâu, vùng luôn bị bão lũ, thiên tai, cách xa đô thị, xa khu công nghiệp thị trường lớn và khó có khả năng tiếp cận thông tin… sẽ trở nên “đuối sức” – Đây là những lý do cơ bản tạo ra “khoảng cách” giàu nghèo ở nông thôn và là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến trình độ dân trí thấp.
Vậy, những công cụ nào để tạo dựng người nông dân thế hệ mới có đủ điều kiện, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo? Có năng lực làm giàu, tự tin bước vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập toàn cầu? Là chủ thể của quá trình phát tiển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao? Không có gì khác là “tri thức”. Trí thức là đầu vào của văn hóa sáng tạo, phát triển.
Tư duy theo chủ nghĩa kinh nghiệm vốn là sản phẩm của nền nông nghiệp truyền thống đang dần dần bị thay thế bởi tư duy hội nhập, tư duy khoa học, tư duy kinh tế thị trường. Với sự xuất hiện và phổ biến của tư duy khoa học, cuộc sống của mỗi người nông dân, của một cộng đồng và của toàn xã hội sẽ trở nên năng động, tích cực hơn. Tinh thần duy lý được hỗ trợ bởi tầm nhìn rộng lớn ra thế giới. Phấn đấu trở thành “người nông dân toàn cầu” sẽ kích thích sự tìm tòi sáng tạo, làm nên những sản phẩm nông nghiệp có trách nhiệm với 3 tiêu chí: Kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời khắc phục được sự trì trệ, bảo thủ – cái tư duy vốn có trong người nông dân truyền thống.
Nếu trước đây, con người có thể sống chỉ bằng kinh nghiệm của những người đi trước thì ngày nay, tình hình đã thay đổi. Người nông dân phải thường xuyên đối diện với những cái mới, những cái chưa từng có, những biến cố bất thường, khó đoán định về: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chuỗi cung ứng, thị trường và sự dịch chuyển lao động, thậm chí mất việc làm, thu nhập trong một khoảng thời gian nhất định.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, từng chia sẻ, “Nông dân xứ mình luôn cần cù, thậm chí còn tự hào “cần cù bù thông minh”. Nhưng ngày nay, người nông dân thông minh, nền nông nghiệp thông minh tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc. Ngày xưa muốn thăm ruộng, tưới tiêu thì nhất thiết phải ra đồng. Ngày nay chỉ cần một chiếc điện thoại cầm trên tay thì dù ở bất kỳ đâu vẫn kiểm tra được đồng ruộng, vườn tược và điều khiển tưới tiêu. Ngày xưa thu hoạch xong thì chờ thương lái đến mua tận đồng, tận vườn. Ngày nay thì phải phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vậy nông dân phải thông minh, mà muốn thông minh thì phải không ngừng học hỏi. Kiến thức thì vô tận: Kiến thức sản xuất, kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kiến thức kinh doanh… Người nông dân có tri thức là người vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa am hiểu khoa học kỹ thuật – công nghệ và tư duy kinh tế thị trường.
Như vậy, “tri thức” là gốc, là sự tổng hợp các vấn đề của người nông dân. “Tri thức là sức mạnh” không chỉ có ý nghĩa trên sách vở mà phải trở thành một công cụ hữu hiệu giúp con người tồn tại, nông nghiệp, nông thôn phát triển mà nó còn là một thử thách lớn lao để tạo ra nhân tố mới, yêu cầu mới. Tính chất mới đó, đã và đang hiện hữu trong cuộc sống ngày nay.
Vậy “tri thức” của người nông dân có được từ đâu? Tất nhiên không phải từ trên trời rơi xuống, từ đấng thần linh đem đến và ban phát cho con người. Tri thức có được từ hai yếu tố cơ bản nhất là: Học tập (học hỏi, nghe, nhìn, đọc, viết…) và lao động (trải nghiệm tự thân).
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động và tổ chức thực hiện hơn 20 năm qua, là điều kiện, nguồn lực cho học tập, lao động và sáng tạo cho hàng triệu hộ nông dân trong cả nước. Việc khởi xướng phong trào nông dân khởi nghiệp, tuy có chậm so với nhiều nước, kể cả một số nước trong khu vực, nhưng kết quả ban đầu đã làm thay đổi tư duy, lối sống ở lớp nông dân trẻ, sinh viên trẻ. Nhiều người không thi vào đại học, người đã tốt nghiệp đại học, thậm chí dám bỏ công việc nhàn rỗi ở công sở về quê, lên rừng, ra biển… để nuôi tôm cá hoặc trồng cây nuôi lợn, nuôi gà… quyết lập nghiệp, làm giàu.
Họ sẵn sẵn sàng dùng tiền lãi ít ỏi ban đầu có được mua sách báo, đi tìm mô hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh để học hỏi, thuê kỹ sư, chuyên gia về hướng dẫn, kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu. Kết quả việc làm của những nông dân bền tâm và giàu ý chí thành công, đã tạo dựng cơ đồ bề thế cho gia đình, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; làm giàu cho quê hương, đất nước. Điều lớn hơn – họ là mẫu hình người nông dân mới, truyền cảm hứng niềm tin và sáng tạo cho nông dân nghèo vượt khó, cho cộng đồng, xã hội tin vào khoa học, kỹ thuật – công nghệ. Khi người tốt, việc tốt, mô hình tiên tiến được lan tỏa sẽ đẩy lùi tư tưởng bảo thủ, tác phong lề mề, tùy tiện… cái vốn dĩ có từ sản xuất tiểu nông.
Hội nhập – Việt Nam đang là một nền kinh tế có độ mở lớn với 16 hiệp định thương tự do (FTA) thế hệ mới, hứa hẹn tiến sâu vào thị trường có giá trị sinh lời cao. Đồng thời với việc mở ra thị trường mới, các FTA cũng thu hẹp không gian làm cho lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam ngày thêm khó khăn và phức tạp. Nhưng sẽ vượt qua và tăng trưởng nông sản xuất khẩu khi nông dân ngày một thêm được “tri thức hóa” để thiết lập nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy trình giám sát chặt chẽ để tối ưu hóa sản phẩm trên cơ sở sản xuất mông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, công khai và minh bạch nguồn gốc xuất xứ và tuân thủ “luật chơi” quốc tế.
Một điều không bao giờ được lãng quên, “tri thức hóa” nông dân phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có lựa chọn tinh hoa của văn hóa thế giới. Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, viết, huấn thị về xây dựng văn hóa, con người – Người cho rằng, không phải cái gì cũ cũng bỏ, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu thìphải sửa lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm (3). Phép biện chứng giữa truyền thống và hiện đại đối với “tri thức hóa người nông dân” là thế!
Tri thức hóa nông dân phải gắn liền với thực hiện các mục tiêu chiến lược tổng quát của đất nước, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ, khoa học. Tri thức hóa nông dân phải thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của giai cấp nông dân, thật sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Người nông dân có tri thức sẽ phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực, thực sự là chủ thể sáng tạo trong quá trình đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao sẽ thành công.
Đại dịch Covid, sự va đập của nó đã làm thay đổi thang giá trị toàn cầu, đặt tình thế cho mỗi quốc gia, từng ngành nghề, lĩnh vực và người nông dân phải chuyển trạng thái kịp thời cho thích ứng. Vấn đề này, khó có thể giải quyết chỉ bằng phương pháp áp dụng kỷ luật truyền thống mà cần có hướng tiếp cận phức tạp hơn, đòi hỏi tư duy mới, kiến thức mới và sự phối hợp đến từ rất nhiều phía. “Công nghệ số” là vấn đề then chốt trong sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu; tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam, đang hạn chế ở cả hai khâu quan trọng nhất là: Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Và chỉ khi nào tạo dựng được lực lượng người nông dân thông minh thì mới có nền nông nghiệp thông minh.
Hoàng Trọng Thuỷ