Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trách nhiệm phòng, chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp

07:10 20/10/2021 GMT+7

Ngày 23/8/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ra Quyết định số 3609/QĐ-BNN-TY ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021–2025”. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày ký (23/8/2021), điều đó cho thấy tính cấp bách của việc phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Luật sư Vũ Tuân.

Vì sao phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp lại trở thành vấn đề nóng? Để phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải làm gì?… Luật sư Vũ Tuân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) giải đáp vấn đề này.

Thưa luật sư, vì sao Bộ NN&PTNT lại phải ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp” vào thời điểm này?

“Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 3609/QĐ-BNN-TY đã chỉ rõ: Kháng kháng sinh đang là một vấn đề đe dọa sức khỏe và sự phát triển của toàn cầu. Các cơ chế kháng thuốc mới đang xuất hiện, sự di chuyển của con người và giao thương hàng hóa quốc tế thuận lợi là một trong những nguyên nhân làm lan truyền và gia tăng vi sinh vật kháng kháng sinh trên toàn thế giới. Hiện tượng kháng kháng sinh dẫn đến việc điều trị các bệnh truyền nhiễm thông thường không hiệu quả, kéo dài thời gian điều trị, tăng tỷ lệ thương tật, thậm chí tử vong. Vi sinh vật kháng kháng sinh làm ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm làm ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe và đời sống của người dân. Đã có nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo vào khoảng năm 2050, mỗi năm kháng kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người, tương đương với tần suất mỗi cứ 3 giây lại có một người chết do vi khuẩn kháng thuốc gây nên.

Tình trạng kháng kháng sinh làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho con người, vật nuôi là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.

Trong những năm qua Việt Nam đã ban hành nhiều Kế hoạch phòng chống kháng thuốc và đã đạt được kết quả nhất định, nhưng còn rất nhiều hoạt động chưa được thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ… Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp, bản Kế hoạch mới có sự điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn đã đưa ra trong Kế hoạch trước và mở rộng thêm đối tượng trồng trọt trong phạm vi thực hiện.

Mục tiêu của “Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025” nhằm giảm thiểu nguy cơ về kháng kháng sinh cho cộng đồng thông qua việc quản lý sử dụng kháng sinh và kiểm soát kháng kháng sinh trong nông nghiệp tại Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu này, Kế hoạch của Bộ NN&PTNT đã đưa ra những giải pháp gì?

Các giải pháp để đạt được mục tiêu đó được nêu cụ thể tại phần II của Kế hoạch nêu trên, đó là:

Hoàn thiện cơ chế chính sách và thực thi pháp luật về quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh: Rà soát, cập nhật, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh. Ban hành hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt… Bổ sung quy định xử lý việc bán thuốc không có đơn, kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý. Định kỳ thanh tra, kiểm tra việc thực thi công tác quản lý sử dụng kháng sinh của các cơ quan chuyên môn địa phương và sử dụng kháng sinh tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt…

Kiện toàn hệ thống và tổ chức thực hiện giám sát kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt: Rà soát, xây dựng và triển khai chương trình giám sát dư lượng kháng sinh trong sản phẩm có nguồn gốc động vật (trên cạn và dưới nước) và cây trồng chủ lực. Tổ chức giám sát việc phối trộn và sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi…

Hoàn thiện và thực hiện các thực hành tốt trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt để giảm thiểu lây nhiễm và lây lan vi sinh vật kháng thuốc trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cho các nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật, người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, nông dân và người tiêu dùng.

Tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, sử dụng kháng sinh, phòng, chống kháng kháng sinh theo cách tiếp cận một sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng quy định cụ thể trách nhiệm phòng, chống kháng thuốc kháng sinh của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ; các Sở NN&PTNT; cơ sở nhập khẩu thuốc thú y có chứa kháng sinh; cơ sở sản xuất thuốc kháng sinh thú y; cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có thành phần kháng sinh, cơ sở đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y.

Tranh minh họa.

Trong việc phòng chống kháng thuốc kháng sinh thì các cơ sở buôn bán, sản xuất thuốc kháng sinh; sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, trồng trọt có vai trò rất quan trọng. Vậy các đơn vị này phải có trách nhiệm gì?

Trách nhiệm của các đơn vị đó được quy định như sau:

Cơ sở nhập khẩu thuốc thú y có chứa kháng sinh: Ghi chép, theo dõi đầy đủ việc nhập, xuất bán thuốc kháng sinh; báo cáo số lượng thuốc kháng sinh nhập, xuất bán, tồn kho, tên và địa chỉ đơn vị mua từng thuốc kháng sinh cho Cục Thú y/ Chi cục Thú y vùng vào ngày 25 tháng cuối hàng quý.

Cơ sở sản xuất thuốc kháng sinh thú y: Lập hồ sơ, sổ sách ghi chép việc mua và sử dụng nguyên liệu kháng sinh; báo cáo số liệu nguyên liệu kháng sinh đã mua và sử dụng để sản xuất thuốc thú y; số lượng thuốc thú y thành phẩm đã sản xuất, xuất khẩu cho Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng vào ngày 25 tháng cuối hàng quý.

Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có thành phần kháng sinh: Ghi chép việc mua và sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh để phối trộn vào thức ăn chăn nuôi; lưu đơn thuốc thú y theo quy định; báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Cơ sở đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y: Ghi chép, theo dõi đầy đủ việc nhập, xuất bán thuốc kháng sinh. Báo cáo số liệu về nhập, xuất bán thuốc kháng sinh cho Chi cục quản lý chuyên ngành Thú y theo quy định.
Cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt: Có sổ sách ghi chép nơi mua, sử dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo đơn, hướng dẫn của người được cấp chứng chỉ hành nghề thú y. Xem xét áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt tốt, quy trình chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt hữu cơ; các biện pháp hạn chế sử dụng kháng sinh tại cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)