Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vay vốn Quỹ, đầu tư trồng rau công nghệ cao

Vũ Thanh - 07:04 09/01/2022 GMT+7
Phước Hậu là một trong 9 xã vùng Thượng của huyện Cần Giuộc (Long An), kinh tế chủ lực là trồng rau màu với hơn 50% tổng diện tích tự nhiên của xã. Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về xây dựng vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với xã Phước Hậu xây dựng các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân nhằm giúp đỡ hội viên nông dân sản xuất, tạo dựng thương hiệu rau an toàn.
Ông Võ Thanh Trai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hậu (phải) là chủ dự án vay vốn Quỹ HTND đang trao đổi với anh Trần Tiết Giao - hộ vay vốn trồng rau công nghệ cao.

Tạo vùng chuyên canh rau công nghệ cao

Xã Phước Hậu có tổng diện tích tự nhiên 930ha, với 2.380 hộ gồm 8.913 nhân khẩu, xã có 4 ấp, có đường tỉnh 835B đi qua. Xã đã được tỉnh, huyện đầu tư hệ thống giao thông nông thôn tương đối hoàn chỉnh nên rất thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản từ địa phương vào thị trường TP. Hồ Chí Minh, chỉ cách trung tâm đầu mối chợ Bình Điền 25km.

Từ năm 2012 đến nay, Hội Nông dân xã Phước Hậu đã tiếp cận và thực hiện được 8 dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân 3 cấp với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng cho 90 hộ vay. Dự án trồng rau ứng dụng công nghệ cao thuộc ấp Long Giêng, xã Phước Hậu có tổng diện tích trồng rau 31.000m2 với 11 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1,4 tỷ đồng.

Trong đó vốn tự có của các hộ gia đình tham gia dự án là hơn 838 triệu đồng, vốn vay dự án từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương Hội 600 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng vào năm 2019, dự án sẽ kết thúc ngày 12/6/2022.

Tham gia vào dự án, để có kiến thức trong việc trồng rau, các hộ đã tham gia lớp học nghề trồng rau công nghệ cao, dự tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cập nhật kiến thức trồng rau ứng dụng công nghệ cao mỗi năm từ 7- 9 đợt, hàng tháng các thành viên họp, sinh hoạt 1 lần để thông báo tình hình canh tác, bàn cách xử lý khi rau bị sâu bệnh, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc rau, nắm bắt giá cả thị trường... 

Dự án được triển khai rất thuận lợi, các thành viên mạnh dạn đầu tư công nghệ cao cho sản xuất rau màu như: Xây dựng nhà màng, nhà lưới; hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước; sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học… hệ thống thủy lợi được nạo vét, nâng cấp, đầu tư 3 trạm bơm điện để bảo đảm nguồn nước tưới rau, chất lượng rau ngày càng tốt hơn sản phẩm được chứng nhận VietGAP và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua quá trình tham gia dự án đã tạo điều kiện và giải quyết việc làm thường xuyên cho 18 lao động. Hội Nông dân cơ sở luôn quan tâm củng cố chi hội hoạt động vững mạnh, kết nạp thêm 3 hội viên và xây dựng quỹ hoạt động của chi hội được 10 triệu đồng/năm; vận động 11 hộ vay vốn đóng góp Quỹ HTND xã hàng năm 4 triệu đồng.

 Anh Trần Tiết Giao (ấp Long Giêng, xã Phước Hậu), hộ vay vốn Quỹ HTND Trung ương để đầu tư xây dựng nhà lưới và hệ thống tưới tự động trồng rau công nghệ cao hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu, thu nhập của nông dân tăng cao

Là người đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh từ năm 2012 đến nay, anh Trần Tiết Giao - Chi hội trưởng chi hội Nông dân ấp Long Giêng chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có 4.000m2 đất lúa, vài năm trước đây tôi chuyển sang trồng rau cải 2.000m2, thấy hiệu quả kinh tế cao nên tôi tiếp tục chuyển đổi tiếp 2 công đất lúa còn lại để trồng rau. Hưởng ứng chủ trương đầu tư trồng rau ứng dụng công nghệ cao, tôi được Hội Nông dân xã cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm về xây dựng nhà lưới, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động và sử dụng phân bón hữu cơ, trồng đại trà húng cây, sau đó chuyển sang trồng các loại cải như cải bẹ xanh, cải ngọt… thu hoạch chất lượng khả quan, các sản phẩm đạt chất lượng sạch, an toàn thực phẩm, hàng năm gia đình tôi thu nhập từ 250 -300 triệu đồng”.

Ban đầu, anh Giao chưa có kinh nghiệm trong xây dựng nhà lưới, nên lưới chỉ sử dụng được 2 năm là phải thay thế. Năm 2019, anh đăng ký tham gia vào dự án vay vốn Quỹ HTND Trung ương do Hội Nông dân xã làm chủ dự án, anh được vay 100 triệu đồng, số tiền trên cộng với vốn tự có của mình, anh mua lưới mới thay toàn bộ 4.000m2 trồng rau của gia đình, hiện nay anh đang trồng rau húng lũi, hàng tháng anh thu hoạch gần 4 tấn rau, giá bán 12.000 đồng/kg. Mỗi ngày thu hoạch bán trên 100kg, sau khi trừ chi phí anh có lợi nhuận 1,2 triệu đồng/ngày. 

Từ trồng rau công nghệ cao, thu nhập của các hộ vay vốn thuộc dự án được nâng lên từ 125 triệu đến 230 triệu đồng, cá biệt có hộ có mức thu nhập trên 350 triệu đồng/năm. Trong tổng số 11 hộ vay vốn tham gia dự án có 3 hộ là Nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh, 8 hộ là Nông dân SXKD giỏi cấp huyện.

Theo ông Bạch Ngọc Ba, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giuộc, những năm gần đây, huyện Cần Giuộc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đến nay, toàn huyện có trên 1.000ha rau ứng dụng công nghệ cao ở các xã: Phước Hậu, Phước Lý, Mỹ Lộc, Long Thượng... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chú trọng công tác phối hợp với các sở, ngành trong xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản, tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất nên các sản phẩm rau của huyện đã dần xây dựng được thương hiệu, thu nhập của nông dân tăng đáng kể. Nông sản của huyện được tiêu thụ rộng rãi, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như mở ra cơ hội làm giàu cho hội viên nông dân. 

“Mô hình vay vốn Quỹ HTND đã nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn và chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2019 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao với mức thu nhập 61 triệu đồng/người/năm. Trong thời gian tới Hội Nông dân các cấp trong huyện và chủ dự án tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, bảo tồn được nguồn vốn Quỹ HTND, tổng kết hiệu quả của mô hình khi dự án kết thúc, nhân rộng các mô hình hiệu quả, bảo đảm sự lan tỏa của nguồn vốn”.
Theo ông Võ Thanh Trai, Chủ tịch Hội ND xã Phước Hậu - Chủ dự án.