Tại Việt Nam, PGS.TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng nêu thực trạng rất cấp thiết trong bối cảnh trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng kép về dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
"Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18,2% - thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em ở dưới mức 20%, là mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với số liệu lần lượt là 24,8% cùng 25,9%.
Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng. Trong đó phải kể đến là thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi, gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020 - tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm", TS. Dương cho biết.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường.
Trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, theo PGS.TS. Trần Thanh Dương, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng.
Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình.
Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em.
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo, PGS.TS. Trần Thanh Dương cũng cho rằng, nếu Việt Nam xây dựng được Luật Dinh dưỡng học đường thì chắc chắn sẽ có quy định chặt chẽ đối với các loại thực phẩm, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ tại trường học. Từ đó, không chỉ hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng mà còn hạn chế được các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học như hiện nay.
Cũng tại Hội thảo, GS. Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đã chia sẻ câu chuyện về việc luật hóa liên quan đến dinh dưỡng học đường của Nhật Bản giúp cải thiện chiều cao.
Là người tham gia thiết kế chương trình giáo dục về khoa học dinh dưỡng cải tạo tầm vóc, thể trạng người Nhật Bản, GS Nakamura Teiji cho rằng chìa khóa để cải thiện dinh dưỡng là chương trình bữa ăn học đường.
Luật Bữa ăn học đường của Nhật Bản năm 1954 được áp dụng trong ngành giáo dục, với tiêu chuẩn hấp thụ dinh dưỡng và tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm của bữa ăn trường học. tập trung vào các nội dung chính: có tiêu chuẩn về dinh dưỡng cho bữa trưa học đường; Xác định tiêu chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng cần thiết; Tiêu chuẩn về quản lý an toàn thực phẩm cho bữa trưa học đường…
Nhờ đó, trẻ em Nhật Bản có sự thay đổi rõ rệt về tầm vóc, chiều cao, cân nặng. Sau hơn 50 năm, người Nhật đạt được những thành công vượt trội. Năm 1954, người Nhật có chiều cao tương đương người Việt thì nay họ đã có chiều cao đứng top đầu châu Á.
Năm 2005, Nhật Bản tiếp tục ban hành Luật cơ bản về giáo dục dinh dưỡng, đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiểu biết người dân về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng. Những doanh nghiệp này cũng chú trọng hợp tác với các Bộ, ban ngành để áp dụng các phương pháp đo lường về dinh dưỡng.
Th.S Josselyn Neukom - Phó Chủ tịch Phụ trách Sức khỏe Cộng đồng tại SwipeRx (Mỹ) thì đề cập đến 8 tiêu chuẩn toàn cầu về trường học nâng cao sức khỏe. Trong đó, cần xây dựng các tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường; Đảm bảo các chương trình bữa ăn tại trường tuân thủ các tiêu chuẩn; thực hiện chiến lược căn-tin lành mạnh (ví dụ: không có đồ uống có đường, không sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên thực phẩm địa phương)...
Trong khi đó, tại Việt Nam, các vấn đề về bữa ăn học đường mới chỉ dừng ở các hướng dẫn nên tính thực thi chưa cao. PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) nêu một điểm nhấn về giải pháp trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam đó là Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Mô hình này do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH, được thực hiện tại 10 tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam.
Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn bữa ăn học đường, khuyến khích các địa phương thực hiện nhưng theo ông các hướng dẫn này là chưa đủ sức nặng, nên cần tiến tới xây dựng luật hóa dinh dưỡng học đường. Đó sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường; đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn về dinh dưỡng trong trường học.
Cùng chung quan điểm trên, GS.TS.BS. Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị Luật hóa/chính sách hóa dinh dưỡng học đường tại nước ta là vấn đề cấp thiết, để có giải pháp bền vững và đồng bộ.
Theo bà Hợp, việc luật hóa vấn đề dinh dưỡng học đường giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp cho trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này.
Luật cũng là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh.
cũng đưa ra khuyến nghị về Luật hóa/chính sách hóa dinh dưỡng học đường tại Việt Nam.
Tại hội thảo, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH bày tỏ nỗi trăn trở Nhật Bản đã có được sự cải thiện tầm vóc rất lớn trong khi Việt Nam đang đứng thứ 15 từ dưới lên trên thế giới về chiều cao.
"Chúng ta cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường. Và nhà các nhà kinh doanh thực phẩm phải thực hiện sứ mệnh của mình cùng gánh vác trọng trách của đất nước về dinh dưỡng học đường. Không chỉ mình tôi, không chỉ có những doanh nghiệp như TH, tôi đã chia sẻ trong buổi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ doanh nhân ngày 11/10, tầng lớp doanh nhân của đất nước ta có nội lực rất lớn, có tâm, có tầm, có trí và có tài, đủ bản lĩnh, để lãnh hội, để gánh vác trọng trách cùng đất nước để bước vào kỷ nguyên mới, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói".
Ngoài vươn mình trong kinh tế, văn minh, thì phải vươn mình về tầm vóc, thể lực, chiều cao. Ngoài chính sách hành lang pháp lý, các nhà kinh doanh thực phẩm phải xem sứ mệnh nâng cao tầm vóc của dân tộc là của mình, cùng gánh vác trọng trách này.
“Khoa học đã chứng minh, 86% chiều cao của đời người phát triển ở độ tuổi vàng 0-12, 14% phát triển trong giai đoạn tới 25 tuổi. Cho nên, chúng ta hãy cùng tăng cường truyền thông và có các hành động thúc đẩy sự ra đời của các chính sách về dinh dưỡng học đường. Trong luật sẽ quy định cả về hoạt động thể chất, về nhân lực, giáo dục dinh dưỡng,… Và Viện Dinh dưỡng (Bộ Y Tế) sẽ là đơn vị quan trọng để đưa ra đề xuất cho nội dung này” – bà Thái Hương nói.
Để trẻ em được chăm sóc đầy đủ, cần có những quy định về luật pháp đủ rộng và bao trùm. Hiện nay, đất nước ta đã đủ điều kiện, cơ sở thực tiễn và nên xây dựng và ban hành Luật Dinh dưỡng học đường như Nhật Bản để đảm bảo sự toàn diện.