Việt Tùng - Minh Tú - 21:48 31/10/2023 GMT+7

Trở lại câu chuyện về ông Lồ Phủ Dìn – người dân tộc Bố Y, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình (Mường Khương, Lào Cai), người có công đầu trong việc đưa cây chè về đất Thanh Bình, giúp cho người dân nơi thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Chính ông cũng là người đầu tiên bỏ trồng ngô, sang trồng chè, để đến nay sau gần 20 năm, vùng đất này đã thay da đổi thịt.

 

Nhưng điều đáng mừng hơn là xã vùng cao này, cộng đồng dân tộc Bố Y nơi đây không chỉ có duy nhất một điển hình là ông Lồ Phủ Dìn. Tre già măng mọc, lớp lãnh đạo trước hoàn thành trách nhiệm lại có sự tiếp bước của lớp cán bộ đi sau đủ tầm để tiếp tục gánh vác sự nghiệp của Đảng và trọng trách nhân dân giao phó trong thời kỳ mới.  Bà Tráng Minh Hoa – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình hiện nay, một người con của đồng bào dân tộc Bố Y là một người như thế.

Nếu không được kể, thì chúng tôi và nhiều người khác khó có thể hình dung được một nữ Bí thư Đảng ủy xã, với bề ngoài mạnh mẽ, quyết đoán, trách nhiệm, lại dễ gần gũi, sống rất tình cảm.  Bà Tráng Minh Hoa  thi đỗ đại học năm 2005. Tối hôm trước khi cô sinh viên hiếm hoi ở thôn Sín Chải lên đường về Thủ đô nhập học, chính ông Lồ Phủ Dìn, khi đó là Chủ tịch UBND xã Thanh Bình đã đến nhà xin ý kiến của Hoa và gia đình, về việc “xin” Hoa không đại học nữa để về làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã. Đứng trước một quyết định có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của mình, nhưng cô gái Tráng Minh Hoa chỉ được phép suy nghĩ trong một đêm. Chưa bao giờ Hoa lại có cảm giác đêm dài như thế, cô dường như thức trắng đêm, trằn trọc suy nghĩ.

“Có ba lý do để tôi quyết định không đi học đại học nữa, mà quyết định ở lại xã tham gia công tác Đoàn: Một là, khi còn học ở trường nội trú huyện Mường Khương và trường nội trú tỉnh Lào Cai, tôi đều làm cán bộ Đoàn. Hai là, ở thời điểm đó, cán bộ Đoàn của xã đang rất thiếu và yếu, một nhiệm kỳ nhưng phải thay tới 3 cán bộ Đoàn. Đây vừa là thử thách, nhưng cũng là cơ hội đối với bản thân. Ba là, chuyên ngành mà tôi thi đỗ là ngành Kế toán, không dễ xin việc khi ra trường, hoặc có xin được việc thì phải ở thành phố, sẽ ít có cơ hội để cống hiến cho quê hương” – Nữ Bí thư Đảng uỷ xã nhớ lại.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, cô Bí thư Đoàn trẻ tuổi đã bắt tay vào kiện toàn lại lực lượng cán bộ đoàn của 19 thôn (nay sáp nhập còn 8 thôn). Để phát triển phong trào Đoàn, nữ bí thư Đoàn Thanh niên đã vận động các hội viên hội nông dân trẻ tham gia Đoàn, rồi tổ chức cho các đoàn viên hình thành các câu lạc bộ, như: Câu lạc bộ thanh niên trồng chè, câu lạc bộ thanh niên nuôi con theo sở trường, câu lạc bộ an ninh, trật tự… Nhờ đó mà phong trào Đoàn ở xã Thanh Bình ngày một được cải thiện, nhiều Đoàn viên ưu tú được cử đi học lớp cảm tình Đảng và sau đó được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Tình cờ, hôm chúng tôi về xã Thanh Bình đúng vào dịp Chi bộ thôn Lao Hầu sinh hoạt Đảng định kỳ, theo lịch, bà Tráng Minh Hoa - Bí thư Đảng uỷ xã dự sinh hoạt. Đúng 14 giờ ngày 24/10/2023, buổi sinh hoạt Đảng của Chi bộ thôn Lao Hầu diễn ra, chúng tôi được mời dự khán.

Bí thư, kiêm trưởng thôn Lao Hầu, ông Lồ Củi Thàng cho biết, chi bộ có 9 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên ở nơi khác về sinh hoạt cùng. Buổi sinh hoạt diễn ra rất sôi nổi, hầu hết các ý kiến đều xoay quanh việc tăng cường lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; tuyên truyền, vận động người dân trong việc tăng diện tích cây chè, quán triệt việc sản xuất chè theo mô hình VietGAP, không sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục. Ngoài ra, buổi sinh hoạt còn thảo luận về  công tác văn hóa, văn nghệ giữ gìn bản sắc dân tộc, kế hoạch hóa gia đình…

Đúng 16 giờ, buổi sinh hoạt kết thúc, chúng tôi tranh thủ trò chuyện với Bí thư, Trưởng thôn Lồ Củi Thàng. Ông Thàng cho biết, thôn Lao Hầu có 70 hộ với 373 nhân khẩu, có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Bố Y, Nùng, Pa Dí, Mông và dân tộc Kinh. Trong đó, người Bố Y chiếm 90%. Hiện thôn có 62ha chè, 7ha chuối, 6ha mía còn lại là các cây trồng khác.

“Tôi là một trong những đảng viên trưởng thành từ các mô hình của Đoàn Thanh niên do Bí thư Hoa thành lập. Được làm việc với Bí thư Hoa, chúng tôi học tập được rất nhiều điều trong xây dựng tổ chức Đảng cơ sở vững mạnh. Trong việc chọn lựa những quần chúng ưu tú kết nạp vào hàng ngũ của Đảng và trong phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình”–Bí thư, trưởng thôn Lồ Củi Thàng tâm sự.

Ông Lồ Củi Thàng cho biết, Bí thư Tráng Minh Hoa, khi làm việc ở cơ quan, công sở thì rất cần mẫn, trách nhiệm, nhưng khi hết giờ làm, hoặc các ngày nghỉ là lại lao lên vườn chè của gia đình chăm sóc, thu hái như bao người nông dân khác. Khi thì “tạt” qua nương chè của bà con trong thôn để vừa kiểm tra, vừa động viên bà con tích cực chăm sóc cây chè. “Đồi chè nhà Bí thư Hoa hơn 1ha, hầu như mùa nào cũng xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao hơn các hộ dân khác. Chúng tôi chẳng cần phải học đâu xa, chỉ cần học Bí thư Hoa đã là tốt lắm rồi” – ông Lồ Củi Thàng chân thành bộc bạch.

Trong buổi sinh hoạt Đảng đó, chúng tôi rất ấn tượng với hai người phụ nữ mang trang phục dân tộc Bố Y, đó là Giàng Dùng Xê, sinh năm 1991 và Vàng Chang Xoan, sinh năm 1988. Chị Xê hiện là Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn, còn chị Xoan là Phó Bí thư Chi bộ thôn Lao Hầu. Cả hai đều được kết nạp Đảng năm 2019.

Chị Xoan tâm sự, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, năm 2015, Xoan vay ngân hàng 250 triệu đồng; từ Quỹ Hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh; từ Chương trình 3 mục tiêu (3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững – PV) để mua xe tải làm dịch vụ và đầu tư trồng chè, chuối, mía.

“Hiện gia đình có 1ha chè, 2.000m2 chuối và 1.700m2 mía. Đến nay gia đình tôi đã trả hết nợ và thoát nghèo đúng năm tôi vào Đảng. Nhờ có cây chè và sự hỗ trợ của nhà nước, mà kinh tế gia đình tôi ngày một khấm khá hơn, có tiền để nuôi con cái ăn học” – chị Vàng Chang Xoan chia sẻ.

Cũng giống như chị Xoan, gia đình chị Xê đã thoát nghèo năm 2020, nhờ vào 1,2ha chè đang cho thu hoạch. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình Xê thu về từ 100 – 120 triệu đồng từ cây chè.

Những năm gần đây vùng chè ngày càng được mở rộng, giá chè ổn định, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong thôn ngày càng được nâng cao. “Theo chuẩn nghèo cũ, thôn chỉ còn 6/70 hộ nghèo, nhưng theo chuẩn mới với mức đánh giá cao hơn, nên hiện số hộ nghèo trong thôn còn 23 hộ. Còn lại là các hộ trung bình và khá giả” – Bí thư, trưởng thôn Lao Hầu -  ông Lồ Củi Thàng cho biết.

Chia tay Thanh Bình, chúng tôi tìm về xã Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai), một xã giáp biên với nước bạn Trung Quốc, đã từng nhiều năm nằm trong diện xã 135. nhưng từ năm 2020, khi có cây chè, cây chuối, sa nhân… bén rễ, đời sống người dân đã không ngừng được đổi thay. Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy – ông Ma Chiến Phúc cho biết, hiện chương trình làm đường nông thôn mới của xã đã cơ bản hoàn thành, ngoài ra xã còn làm được 16,6km đường bê tông vào các khu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển nông sản.

“Chúng tôi vừa hoàn thành thêm 4,2km đường bê tông nối giữa thôn Gia Khau A và Gia Khau B chạy qua vùng sản xuất chè, chuối và quýt của bà con. Lúc đầu người dân chưa hiểu, nên không chịu hiến đất, rồi còn cho cán bộ “ăn đủ thứ đặc sản” (cười!). Khi đó, cấp ủy, chính quyền vào cuộc, vận động các bí thư, trưởng thôn và người có uy tín đi đầu hiến đất. Khi những đoạn đường đầu tiên được hoàn thành, những hộ dân sau đó thấy đường đẹp, thuận lợi cho đi lại và tiêu thụ sản phẩm thì thi nhau hiến đất. Có hộ còn bảo cán bộ cứ lấy thêm vào để làm đường cho đẹp, lấy vậy có ít quá không” – ông Ma Chiến Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy vui vẻ nhớ lại.

Xung quanh việc hiến đất làm đường, nhiều người trong xã còn nhớ chuyện gia đình ông Ly Cồ Kính và Ly Cồ Lừ (thôn Gia Khâu A) lúc đầu phản đối việc hiến đất rất mạnh. Nhưng khi được cán bộ tuyên truyền, vận động, hiểu được ý nghĩa của việc hiến đất làm đường thì hai ông lại sẵn lòng hiến cả trăm mét vuông đất trồng chè, quýt cho thôn. Không chỉ vậy, hai ông còn vận động người dân trong thôn hiến đất. “Nếu biết hiến đất để cán bộ làm đường đẹp cho gia đình tôi và bà con đi, cho đỡ bẩn cái chân khi trời mưa, đỡ bụi khi trời nắng và đẹp như thế này thì tôi hiến đất lâu rồi. Vì chưa hiểu hết, cán bộ thông cảm cho tôi nhé!” – ông Ly Cồ Kính sau đó bày tỏ.

Trên con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp uốn lượn trên những sườn đồi nối giữa các thôn, hai bên là những nương chuối, đồi chè xanh mướt, ông Phúc rất tự hào khi phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn của xã luôn ở tốp đầu toàn huyện. Chiếc xe máy chở tôi và Bí thư Phúc đang lao xuống dốc, bỗng dừng khự lại, khiến người tôi nhoài về phía trước. Ông Phúc chống xe, rồi chỉ tay về phía chân núi bên kia bảo: “Nhà báo thấy cảnh này có đẹp không, chỗ này là đẹp nhất để chụp toàn cảnh thôn Nậm Chảy đấy”.

Nhìn theo hướng ông Phúc chỉ, hiện ra trước mắt tôi là những ngôi nhà xây khang trang, nằm tựa mình dưới chân núi, đẹp tựa một bức tranh. Chúng tôi vội bật máy ảnh ghi lại khoảng khắc, không gian nên thơ này, hình ảnh cho thấy những đổi thay thực sự của đời sống người dân nơi đây. Xuôi về phía chân dốc, những ngôi nhà tầng khang trang dần hiện ra trực diện, rõ nét hơn. Nếu chỉ nhìn ảnh, nếu không có quả núi phía sau kia, chắc không ít người không tin quang cảnh này lại được chụp ở một thôn nơi phên giậu của Tổ quốc. 

Sự thay da đổi thịt trên vùng đất biên cương này không chỉ thể hiện rõ ở những đảng viên nhận trách nhiệm “đi trước”, mà thể hiện rõ ở sự sung túc của những người nông dân năng động, tin vào cán bộ Đảng, dám nghĩ, dám làm. Chị Vùi Thị Thuý, sinh năm 1995, hội viên Hội Nông dân thôn Nậm Chảy (xã Nậm Chảy) là một điển hình như thế. Dù còn rất trẻ nhưng chị đã làm chủ một cơ ngơi khang trang. Đó là ngôi nhà 3 tầng xây theo kiến trục biệt thự, vừa hoàn thành hồi giữa năm 2023 và một đại lý thu mua nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp to nhất xã.

“Trước đây gia đình tôi cũng trồng chuối, năm 2019, vợ chồng tôi chuyển sang làm đại lý buôn bán nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua lợn xuất sang Trung Quốc. Hiện mỗi ngày đại lý thu mua khoảng 30 tấn chuối để xuất đi Trung Quốc, trừ chi phí mỗi năm thu về khoảng 300 – 350 triệu đồng. Đầu năm nay, vợ chồng tôi quyết định xây nhà mới, vừa làm đại lý, vừa lấy chỗ ở” – chị Vùi Thị Thúy cho biết.

Chị Nghè Thị Vân, hội viên Hội Nông dân thôn Nậm Chảy (xã Nậm Chảy) - hàng xóm của chị Thuý - đang nhanh tay xếp những buồng chuối, với những quả to căng mọng lên xe cho thương lái, cũng vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi trồng chuối từ năm 2018, với diện tích 2ha. Từ khi trồng chuối, kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn, có tiền mua sắm các đồ dùng trong nhà như tivi, tủ lạnh, bàn ghề, xe máy và cho con ăn học…”.

Những câu chuyện về gia đình nông dân khá lên từ chủ trương, chính sách đổi mới phát triển kinh tế của huyện Mường Khương không chỉ có vài ba gia đình mà còn rất nhiều... Mỗi ngày đi cơ sở, chúng tôi lại gặp thêm nhiều gương mặt mới. Họ là minh chứng cụ thể, sinh động cho sức mạnh của “Lòng dân, ý Đảng” nơi vùng biên cương vốn còn nhiều khó khăn này.

Xã Nậm Chảy có 5 thôn giáp biên với nước bạn Trung Quốc. Là một lãnh đạo nhiều năm gắn bó với vùng đất giáp biên, ông Ma Chiến Phúc – Bí thư Đảng ủy xã hiểu rõ vai trò của người nông dân trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ biên cương của Tổ quốc quan trọng như thế nào. “Một trong những nhiệm vụ mà xã vùng biên như Nậm Chảy đặc biệt chú trọng là phát triển đảng viên mới, đội ngũ lãnh đạo kế cận. Năm 2022, chỉ tiêu của Đảng bộ xã là kết nạp 8 đảng viên mới, nhưng chúng tôi đã kết nạp được 9 đảng viên, vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó đảng viên trẻ tuổi nhất sinh năm 2001” – ông Phúc cho biết.

Ông Phúc cho biết, sau khi các đảng viên mới được kết nạp, xã đã tạo điều kiện cho các đảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị, học Trung cấp Chính trị, nhằm nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, chuẩn bị nguồn cho cán bộ xã sau này. Người dân ở vùng biên nơi đây được ví như những “cột mốc sống”, như những “đôi mắt thần” để bảo vệ biên giới. Theo ông Phúc, trước năm 2018, khi đường biên giới chưa có hàng rào, việc người dân nước bạn xâm canh lấn sang lãnh thổ nước ta thi thoảng vẫn diễn ra.

“Vấn đề này chưa xảy ra vụ việc phức tạp, đa số vụ việc được người dân phát hiện sớm, đã báo cho chính quyền địa phương, báo Đồn biên phòng Nậm Chảy và Công an nên kịp thời giải quyết, khi họ mới xâm lấn sang đất của ta khoảng hơn một mét” – ông Phúc cho biết.

Chia tay Nậm Chảy, chia tay bà con thôn Gia Khâu B chúng tôi về xuôi, mà lòng trào dâng niềm tự hào về người dân nơi đây, đồng thời cảm thấy mình phải có trách nhiệm làm “một cái gì đó” để tỏ lòng biết ơn những người nông dân “chân lấm, tay bùn”, đã trực tiếp bảo vệ vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

Với những gì mà chính quyền và nhân xã Thanh Bình, Nậm Chảy, Tả Thàng… nói riêng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường Khương nói chung đã làm, chúng tôi đã tận mắt thấy và cảm nhận được sự chân thành, ấm cúng khi “ý Đảng”, hay nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống thực sự. Và niềm tin của người dân nơi biên cương vẫn một lòng hướng về Đảng, thông qua những người cán bộ Đảng vừa có nhân cách đáng phục, vừa giỏi giang, nghĩa tình nhưng cũng không kém phần quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ với nhân dân.

Trong một ngày không xa, chắc chắn huyện biên giới Mường Khương sẽ thoát khỏi khó khăn, thực hiện được khát vọng vươn lên giàu mạnh, vững vàng nơi biên cương của Tổ quốc.../.

TỪ KHÓA #Lào Cai #Lào Cai); Tả Thàng (Mường Khường #Nghệ nhân dân gian Lồ Lài Sửu; xã Nậm Chảy (Mường Khương #Lào Cai #xã Thanh Bình (Mường Khương #ý Đảng " #từ "Lòng dân #Khát vọng Mường Khương #những câu chuyện về trung tướng đồng sỹ nguyên - vị tướng của lòng dân
TIN cùng chuyên mục