Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn cấp cao Việt Nam đến Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar từ ngày 27/10-01/11/2024, đoàn Bộ KH&CN do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu đã có buổi làm việc song phương với Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến UAE và ký kết Thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với Tổ chức Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Saudi Arabia.
Tại buổi làm việc với Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến UAE, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau giữa hai bên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm Chứng nhận Halal thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia của Việt Nam. Bộ trưởng cũng mong muốn thúc đẩy việc trao đổi chuyên gia giữa hai nước coi đây là một yếu tố quan trọng để phát triển các hoạt động hợp tác; kêu gọi tìm kiếm cơ hội hợp tác trong việc đánh giá sự phù hợp của sản phẩm hàng hóa trước khi xuất khẩu nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường UAE.
Bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn Bộ KH&CN Việt Nam, ông Omar Al Suwaidi, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến UAE đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai bên. Ông Omar Al Suwaidi cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực Halal dựa trên Biên bản ghi nhớ đã ký kết năm 2023 về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Tại Saudi Arabia, chiều ngày 29/10, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác kỹ thuật giữa Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia của Việt Nam với Tổ chức Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Saudi Arabia đã diễn ra trang trọng. Trao đổi với ông Saad Alkasabi, Chủ tịch của Tổ chức Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Saudi Arabia, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai cơ quan trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực Halal. Theo Thỏa thuận này, hai bên dự kiến hợp tác trong các lĩnh vực như: Tiêu chuẩn và đào tạo tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp, đo lường pháp định và đo lường công nghiệp, thử nghiệm và phòng thí nghiệm, hiệu chuẩn, trao đổi thông tin, thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp, chuyển đổi số về hạ tầng chất lượng, cũng như trao đổi chuyên môn và nhân lực.
Ông Saad Alkasabi cũng bày tỏ mong muốn Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia của Việt Nam với Tổ chức Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Saudi Arabia sẽ hỗ trợ lẫn nhau để đưa các hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Hai bên đều tin tưởng rằng việc ký kết thoả thuận nhân dịp đặc biệt này sẽ tạo nền tảng để triển khai các hoạt động hợp tác thiết thực trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Saudi Arabia.
Sáng 31/10, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhà nước Qatar, sau lễ đón chính thức được tổ chức hết sức trọng thể tại Hoàng cung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiến hành hội đàm, trao đổi sâu rộng với Thủ tướng Qatar Sheikh Mohamed bin Abdurahman Al Thani.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm và chuyên giao công nghệ, đầu tư sản xuất chế biến, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho Qatar và đóng góp vào gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước; nghiên cứu thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương cũng như giữa Việt Nam với Qatar cũng như giữa Việt Nam Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) trong thời gian tới.
Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và thuộc nhóm có chi tiêu cho du lịch ở mức cao trên thế giới. Du lịch Việt Nam có những thuận lợi về tài nguyên du lịch phong phú, khí hậu phù hợp và sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch đến từ các nước Hồi giáo. Tại một số điểm đến du lịch chính của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương tập trung cộng đồng Hồi giáo cũng đã có một số doanh nghiệp quan tâm và đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du khách theo đạo Hồi. Một số khách sạn đã bố trí các phòng cầu nguyện, thực đơn Halal cho du khách.
Tháng 8/2024, đoàn du khách 4.500 người thuộc một doanh nhân tỷ phú hàng đầu Ấn Độ đã chọn Việt Nam làm điểm đến cho chuyến du lịch của Tập đoàn, sự kiện như một điểm sáng của du lịch Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh thu hút khách hết sức khốc liệt của các thị trường du lịch khối ASEAN nói riêng và châu Á nói chung. Khẳng định Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn đối với khách du lịch Ấn Độ nói riêng và du khách Halal nói chung, ông Sandeep Arya - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng với xu hướng du lịch MICE, loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội thảo, khen thưởng mang lại nguồn doanh thu lớn và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như có sự đầu tư bài bản, hiệu quả. SGIE 2022 đã chỉ ra chi tiêu cho thực phẩm Halal đã có sự tăng trưởng gần 7% kể cả trong đại dịch COVID-19, đạt 1,27 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi.
Nhiều quốc gia Hồi giáo đang tham gia tích cực vào thị trường Halal toàn cầu – một thị trường đòi hỏi nhiều yêu cầu riêng và rất khắt khe. Các thực phẩm sử dụng hàng ngày phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal.
Ông Trương Xuân Trung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết quy mô, nhu cầu của thị trường Halal rất lớn. Nếu nhìn vào các số liệu tăng trưởng về tiêu thụ các nhóm mặt hàng chính ở thị trường UAE thì thấy Việt Nam có thế mạnh ở các nhóm mặt hàng như nông sản, nông sản chế biến, ngũ cốc. Để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Halal đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có giấy chứng nhận Halal để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.
“Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi; trong đó, có thúc đẩy hợp tác sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal. Mặc dù là thị trường lớn, rất tiềm năng, lại có thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng nông thủy sản nói riêng sang thị trường Halal mới chỉ ở bước đầu khai phá. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp Halal là không có một tiêu chuẩn Halal duy nhất được công nhận trên toàn thế giới” - ông Trương Xuân Trung đánh giá.
Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm Halal ngày một gia tăng cho thấy sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào thị trường này. Việt Nam hiện cũng là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới (đứng thứ 2 trong khu vực và 23 trên toàn cầu) với thế mạnh là hàng nông sản và thực phẩm chế biến - những sản phẩm có nhu cầu lớn tại thị trường Hồi giáo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia là do chúng ta đang triển khai theo nhu cầu tự phát của từng doanh nghiệp mà chưa có một chiến lược bài bản cấp quốc gia để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal.
Xuất khẩu thành công vào thị trường các nước Hồi giáo nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Quý Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm F&G Việt Nam (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm, để vào thị trường Hồi giáo thì buộc phải có chứng nhận Halal. Từ năm 2018-2019, F&G Việt Nam nằm trong số ít doanh nghiệp Việt tiên phong xin cấp giấy chứng nhận Halal - “giấy thông hành” vào thị trường này. "Halal hồi đó quá mới nên chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ. Dù F&G Việt Nam đã sở hữu nhiều loại chứng nhận khác như CE, ISO…, nhưng không thể dùng để đổi ngang. Halal là hệ chứng nhận có rất nhiều tiêu chí riêng biệt. Chúng tôi phải nhờ tư vấn từ các chuyên gia về Halal để rút ngắn thời gian xin giấy chứng nhận", bà Linh nói.
Ở Việt Nam hiện có khá nhiều tổ chức cấp chứng nhận Halal đã được công nhận như HCA (Văn phòng Chứng nhận Halal), HVN (Công ty Halal Việt Nam), HALCERT (Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam)… Chi phí cấp chứng nhận Halal khoảng 3.000-5.000 USD. Những năm tiếp theo, phí sẽ giảm dần. Trường hợp của F&G Việt Nam, đến năm thứ 5, mức phí còn khoảng 22 triệu đồng. Bà Quý Linh lưu ý, hiện số lượng doanh nghiệp Việt vào thị trường Hồi giáo còn nhỏ lẻ nên các tổ chức cấp chứng nhận Halal còn châm chước, một số yếu tố chưa đạt 100% yêu cầu vẫn được cấp chứng nhận. Nhưng tới đây, cần chính quy hóa quy trình làm chứng nhận Halal. Tốt nhất nên theo bộ tiêu chuẩn Halal Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, Việt Nam có năng lực xuất khẩu và thương hiệu thực phẩm, nông sản top 20 thế giới (theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách NN&PTNT), có nhiều mặt hàng tiêu biểu xuất khẩu top đầu thế giới như gạo, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá... cũng là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo; và nhiều trong số đó đã được cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tin dùng như cà phê, trà, đậu, lương thực, thực phẩm... Lượng lớn nông sản thực phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP phù hợp với chứng nhận Halal (chứng nhận VietGAP, GobalGAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, ISO...) và được người Hồi giáo ưa chuộng;
Việt Nam hiện có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal với các doanh nghiệp dẫn dắt như TH True Milk, Trung Nguyên café... là tiền đề dẫn dắt, ra tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm Halal thời gian tới. Bộ NN&PTNT nhìn nhận, một trong những ưu thế khi Việt Nam tham gia thị trường Halal là việc Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với các nước, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao với các thị trường khắt khe (EU, Mỹ, Nhật Bản...). Đặc biệt, với các khu vực tín đồ Hồi giáo lớn như Khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thành viên cộng đồng ASEAN; Khu vực Trung Đông... là nền tảng để Việt Nam tiếp cận và tăng cường quan hệ hợp tác với thị trường Halal.
Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành Đề án số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia được thành lập (tháng 4/2024) góp phần thống nhất quản lý nhà nước về chứng nhận Halal, tạo điều kiện thuận lợi và giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Halal với 5 tiêu chuẩn, cụ thể: TCVN 12944:2020 Thực phẩm Halal – yêu cầu chung; TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi Halal; TCVN 13710:2023 Thực phẩm Halal-Yêu cầu đối với giết mổ động vật; TCVN 13888:2023 Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal. Đây là công cụ ban đầu giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu, áp dụng đúng vào sản xuất kinh doanh của mình để đạt chứng nhận sản phẩm Halal được thuận lợi.
Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal nhằm xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam.
Tuy Việt Nam đang hoàn thiện, xây dựng nền tảng pháp lý và hệ thống quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal nhưng thực tế trên thế giới chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng đối với tất cả các nước. Không những vậy, chi phí liên quan đến đánh giá sự phù hợp quá cao và chưa được kiểm soát liên quan quan đến chứng nhận Halal (bao gồm chi phí đầu tư chuyển đổi trong sản xuất, nguyên liệu đạt chuẩn, chuyên gia kiểm tra chất lượng, đánh giá sự phù hợp...). Thực tế hiện nay Việt Nam cũng chưa hình thành Hệ sinh thái Halal, bao gồm: Sản xuất, dịch vụ, hạ tầng cơ sở, nhân lực Halal (con người có sự hiểu biết sâu sắc về Halal)...Trong khi đó, trên thị trường đã có các quốc gia tham gia với vai trò nhà cung cấp lớn, có kinh nghiệm và chiếm thị phần lớn như: Australia, Singapore, Thái Lan, Brazil...
Theo Bộ NN&PTNT, để vượt qua những khó khăn này cần tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ phát triển về đào tạo, sản xuất, phát triển chứng nhận Halal..., thúc đẩy hợp tác để đạt được các thỏa thuận phát triển thị trường Halal; Thúc đẩy các Hợp tác theo xu hướng liên kết như Nhà sản xuất - Nhà phân phối để đón nhận và tạo những xung lực cùng nhau phát triển. Xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý từ cấp Nghị định và các văn bản dưới Nghị định để quản lý và thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế Halal.
Bên cạnh đó cần có chiến lược phát triển Hệ sinh thái Halal ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao (bao gồm: Trí tuệ nhận tạo AI, công nghệ kỹ thuật số, kinh tế xanh...) để đảm bảo sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương cũng như các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực của toàn xã hội cũng như nguồn lực bên ngoài nhằm nâng cao nhận thức, năng lực; tạo ra, phát triển con người Halal; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hình thành Hệ sinh thái Halal của Việt Nam tương thích với các yêu cầu khác nhau của thị trường Halal; xác định những ưu về sản phẩm, thị trường... để có sự đầu tư, ưu tiên nguồn lực phát triển.
Ngài Zafer Gedikli, Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới lưu ý rằng Chứng nhận Halal không phải là một hoạt động kinh doanh, mà là một phương tiện cao quý để phục vụ cộng đồng người Hồi giáo và phục vụ cả xã hội rộng lớn hơn. “Là người Hồi giáo, chúng ta có trách nhiệm hỗ trợ, hợp tác và phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo trên toàn thế giới. Khi bàn về Halal là chúng ta đang đề cập đến lối sống của người Hồi giáo. Halal không chỉ giới hạn trong thực phẩm và đồ uống. Thuốc men, các thiết bị y tế, thời trang, du lịch, truyền thông và logistics cũng đều có liên quan đến Halal. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo, nếu như nhận thức về Halal được nâng cao và các cơ sở vật chất phục vụ cho người Hồi giáo trong khách sạn và nhà hàng được triển khai sắp đặt. Hội đồng Halal Thế giới (WHC) có thể đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là thông qua việc hợp tác với các cơ quan chứng nhận Halal tại Việt Nam và giúp chuẩn hóa quy trình chứng nhận Halal. Chúng tôi cũng có những lợi thế để hợp tác với Việt Nam như đào tạo các kiểm toán viên, hỗ trợ tổ chức các cơ quan chứng nhận Halal, và trao đổi kinh nghiệm cũng như thông tin” - Ngài Zafer Gedikli nhấn mạnh.
“Hội đồng Halal Thế giới (World Halal Council - WHC) là một tổ chức có quy mô bao trùm các cơ quan chứng nhận Halal trên toàn cầu. Được thành lập vào năm 1999, tới năm nay chúng tôi kỷ niệm 25 năm thành lập WHC. WHC đã cống hiến hết mình để trở thành tiếng nói của các tổ chức chứng nhận Halal. Tiêu chuẩn Halal đầu tiên được nhiều cơ quan chứng nhận (HCBs) trên thế giới công nhận được soạn thảo bởi WHC, và WHC cũng tiếp tục là một hình mẫu tiêu biểu đối với nhiều cơ quan chứng nhận khác (HCBs).
Chúng tôi cũng có thể đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nhân, các cơ quan chứng nhận Halal (HCBs) và người tiêu dùng Hồi giáo trong nước. Bên cạnh đó, sự thành công của việc mở rộng thị trường Halal tại Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào những nỗ lực của các cơ quan chính phủ, các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp. Bằng cách đầu tư vào việc nâng cao nhận thức về Halal, đơn giản hóa quy trình chứng nhận và tích cực quảng bá sản phẩm Halal của Việt Nam trên thị trường quốc tế, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức và khai thác tiềm năng lớn của nền kinh tế Halal toàn cầu”. Ngài Zafer Gedikli, Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới cho biết