Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Huyện Thanh Trì : 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước 2 năm

Kiều Anh - 11:07 19/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tối 18/5, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì tổ chức Lễ Công bố, trao bằng công nhận 14 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) nâng cao và đón nhận Quyết định công nhận điểm đến du lịch xã Đại Áng, xã Yên Mỹ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Bí thư Huyện ủy Lê Tiến Nhật trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao cho các xã. Ảnh: NH

Dự buổi lễ có bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 – CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cùng đại diện các sở, ngành của TP.Hà Nội; lãnh đạo Huyện ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể huyện Thanh Trì; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các xã trong huyện…

Về đích trước kế hoạch xây dựng xã NTM nâng cao

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Giai đoạn 2021-2025, huyện Thanh Trì thực hiện kép 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng là đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường song song với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với phương châm "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm", huyện đã phát động nhiều phong trào thi đua nhằm phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân và của hệ thống chính trị trong xây dựng NTM. Với quyết tâm chính trị và sự đồng thuận rất cao của nhân dân, năm 2021, Thành phố đã công nhận xã Liên Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2022, huyện Thanh Trì đã chỉ đạo quyết liệt 14 xã còn lại triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Huyện đã xây dựng 08 Đề án gồm: 02 Đề án củng cố sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; 5 đề án lĩnh vực văn hóa xã hội; 1 đề án ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại. Đồng thời, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng Hệ thống hạ tầng khung về giao thông và kinh tế-xã hội, huyện đã bố trí trên 2.000 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông trên 2.300 tỷ đồng để thực hiện 102 dự án hạ tầng văn hóa-xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển dịch vụ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Kinh tế huyện đạt mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 70 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng so với năm 2020. Giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 252 triệu đồng/ha, tăng 7 triệu đồng/ha so với năm 2020. Chất lượng môi trường sống, công tác vệ sinh môi trường được  chú trọng, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 97%. 

 Ngày 18/4/2023, UBND Thành phố đã có Quyết định số 2277/QĐ-UBND công nhận 14 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, 15/15 xã của huyện được công nhận xã chuẩn NTM nâng cao, về đích trước 02 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách

Phát huy kết quả trong xây dựng NTM, cũng như phát huy được tiềm năng, thế mạnh, huyện Thanh Trì đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển quy mô, chất lượng du lịch, quảng bá văn hóa, truyền thống giới thiệu hình ảnh quê hương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đến nay, huyện đã xây dựng hạ tầng và chỉ đạo các xã hoàn thiện hồ sơ, đề xuất và được UBND Thành phố công nhận 02 điểm du lịch đầu tiên trên địa bàn huyện là điểm du lịch xã Yên Mỹ và điểm du lịch xã Đại Áng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, là cơ hội, điều kiện thuận lợi để hình thành các tuyến du lịch trên địa bàn huyện và kết nối du lịch với các địa phương lân cận, tương lai huyện Thanh Trì phấn đấu sẽ là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.

Hoà chung không khí của buổi lễ, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tổ chức khai mạc Hội chợ giống - vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề.

Các sản phẩm COOP nổi tiếng của Hà Nội được trưng bầy tại Hội chợ. Ảnh: NH

Hội chợ là cơ hội giúp các chủ thể, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP... Đồng thời đây cũng là cơ hội giúp các chủ thể, doanh nghiệp và cộng đồng tăng cường kết nối giao thương, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm; trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, tiếp cận với công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại gian hàng trong hội chợ. Ảnh: NH

 Hội chợ được tổ chức trong thời gian 4 ngày, từ ngày 18/5 đến ngày 21/5. Hội chợ có sự tham gia của 25 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 100 gian hàng về giống - vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP…

TỪ KHÓA #ntm thanh trì hn