Ông Nguyễn Đức Triều - Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam - 13:28 25/07/2024 GMT+7

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân đã gia tăng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức, phục vụ cho sự nghiệp “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong suốt cuộc đời hoạt động - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm đặc biệt với người nông dân, giai cấp Nông dân, Hội Nông dân Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm đặc biệt với người nông dân, giai cấp Nông dân, Hội Nông dân Việt Nam.

Tại các kỳ Đại hội VI, VII, VIII Hội Nông dân Việt Nam, trong lời phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhất quán “Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nông dân nước ta có một vai trò rất quan trọng trong quá trình khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, lập nên non sông đất nước Việt Nam..,sẵn sàng dấn thân trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước”. Trong xây dựng, phát triển, đổi mới và hội nhập của đất nước, Tổng Bí thư son sắt niềm tin “nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”.

Với tầm tư duy chiến lược, cùng những chuyến “về với Dân” ở nơi khó khăn nhất như bản Ayun Chư Sê (Gia Lai), Vinh Quang (Kon Tum), Tây Trà (Quảng Ngãi), Mường Lát (Thanh Hóa), Bản Bo (Lai Châu)... Khi ĐBSCL bị hạn mặn, Tổng Bí thư đã đến tận nơi cánh đồng lúa chết khô ở Giồng Trôm, Bến Tre (tháng 3/2016) để thăm hỏi, tìm hiểu, động viên nông dân và kiểm tra việc thực thi nghị quyết, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở cơ sở.

Tổng Bí thư đã có những chuyến “về với Dân” để thăm hỏi, tìm hiểu, động viên nông dân và kiểm tra việc thực thi nghị quyết, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở cơ sở.

Luôn trăn trở, lo toan cho dân, cho nước – Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng – Ngọn cờ lý luận của Đảng đã truyền cảm hứng và động lực cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, của giai cấp nông dân, sự đồng thuận của cả xã hội, của Hội Nông dân Việt Nam cùng các cấp, các ngành từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng cao và bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập, mức sống của người nông dân. Và góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, "Gắn xây dựng giai cấp Nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn"; "Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự, phát biểu chỉ đạo và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam
nhiệm kỳ 2023-2028 (tháng 12/2023).

Tại Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam (12/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, có sự đóng góp rất quan trọng của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam qua các thời kỳ. Và hôm nay, tôi lại rất vui mừng nhận thấy, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, chịu nhiều tác động tiêu cực, nhất là khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, xung đột cục bộ giữa các nước, khủng hoảng kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19 xảy ra đã tác động lớn đến chuỗi sản xuất và phân phối trên phạm vi toàn cầu. Song, vai trò của Hội là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường ngày càng được thể hiện rõ nét hơn”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp ký, ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới” với quan điểm tiên tiến, cụ thể và rõ ràng là:

-Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền và ban chấp hành Hội Nông dân các cấp.

-Tăng cường trách nhiệm của Hội Nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng liên minh giữa giai cấp Công nhân với giai cấp Nông dân và đội ngũ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân.

- Củng cố vai trò nòng cốt chính trị của Hội trong phong trào nông dân; nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội, phát triển tổ chức, phát triển hội viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Mục tiêu tổng quát là: Đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ, trao đổi, chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý: Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu phải tăng nhanh năng suất lao động, giá trị và sức cạnh tranh hàng hoá nông sản. Sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, kinh tế số là động lực dẫn dắt xu thế phát triển nông nghiệp, tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người nông dân. Mặt trái của toàn cầu hoá và không gian mạng cũng là thách thức lớn đối với việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, niềm tin của nông dân đối với Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, tôi tha thiết kêu gọi và đề nghị các cấp Hội Nông dân nước ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam chúng ta ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh "công nhân - nông dân - trí thức"; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân.

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cùng với sự phát triển của đất nước; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tăng cường dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hội nhập quốc tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

TỪ KHÓA #Hội Nông dân Việt Nam #Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TIN cùng chuyên mục