Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệp hội Rau Quả Việt Nam:

Đề ra 7 nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ V

Vân Nguyễn - 08:57 07/01/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều 6/1, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam tổ chức Đại hội Hiệp hội Rau Quả Việt Nam nhiệm kỳ V (2024-2029). Từ năm 2023 đến nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc.

Năm 2023, xuất khẩu rau quả lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 5,6 tỷ USD, tăng 57,7% so với năm 2022 chỉ trong vòng 1 năm. Trong năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 7,2 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, cả nước hiện nay có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế 2,2 triệu tấn sản phẩm/năm, ngoài ra còn có trên 7.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ.

Ngành chế biến rau quả của Việt Nam trong 5 năm qua đã có nhiều thay đổi, nhiều cơ sở và nhà máy chế biến mới với công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại được xây dựng và đi vào hoạt động, cung cấp sản lượng rau quả chế biến lớn hơn, góp phần nâng cao năng lực tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Các đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Vân Nguyễn

Đồng thời, ngành chế biến rau quả đã tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm từ cùng một loại nguyên liệu góp phần nâng cao năng tiêu thụ và mở rộng thị trường cho rau quả. Tuy nhiên với năng lực hiện tại ngành chế biến rau quả chưa tương xứng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất nguyên liệu.

Tại Đại hội, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đóng góp cho ngành: Để hỗ trợ sản xuất xuất khẩu, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mở đường và thúc đẩy nông nghiệp nói chung và rau quả nói riêng phát triển, xây dựng chiến lược phát triển trung hạn, dài hạn ngành Nông nghiệp, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Đẩy mạnh cơ giới hoá, tự động hoá, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải, chuyển đổi số, vận động, khuyến khích, hỗ trợ để người sản xuất áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như VietGap, Global, đăng ký và thực hiện các quy định về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói... nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản đáp ứng đúng nhu cầu thị trường với mục đích chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn tập trung, phát triển bền vững.

Việt Nam đang hội nhập tốt vào kinh tế toàn cầu, nhà nước đã tích cực đàm phán và ký kết được 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu cho rau quả, đặc biệt là các hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho 12 mặt hàng trái cây của Việt Nam trong đó có mặt hàng sầu riêng đã đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc lên một mốc phát triển mới.

Đại hội Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhiệm kỳ V (2024 -2029) đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 19 thành viên. Ảnh: ĐVCC

Cùng với đó, các chương trình xúc tiến thương mại tới các thị trưởng truyền thống cũng như các thị trường mới đã giúp nhiều doanh nghiệp tìm được khách hàng, thị trường góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ rau quả ngày càng mạnh mẽ. Nhiều hình thức tiêu thụ mới hình thành và phát triển nhanh chóng như thương mại điện tử, liên doanh, liên kết tiêu thụ, mở rộng thị trường ..

Thời gian qua, xuất khẩu trái cây Việt Nam đã tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường. Dự báo trong những năm tới thị trường sẽ tiếp tục phát triển mở rộng với 5 khu vực chính, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN, Hong Kong, Hoa Kỳ, Canada và EU. Bên cạnh đó, là các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, UAE, Australia và New Zealand.

Để ngành rau quả tiếp tục phát triển, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam đã chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục để đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2030. Đó là, khâu tổ chức sản xuất chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, đặc biệt là yêu cầu xuất khẩu; thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán.

Diện tích trồng cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất an toàn GlobalGAP, VietGAP hoặc theo hướng an toàn còn thấp chỉ 20-30% trên tổng diện tích. Việc lạm dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật luôn là nguyên nhân dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng ảnh hưởng đến thương hiệu trái cây Việt trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Số lượng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được cấp từ các nước nhập khẩu như Trung Quốc còn ít so với quy mô sản xuất của Việt Nam đặc biệt đối với ngành hàng Sầu Riêng. Tính đến nay, chỉ có 708 mã vùng trồng và 168 mã cơ sở đóng gói cho khoảng 25 nghìn ha/150.000ha...

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành rau quả đã đóng góp cho lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thuỷ sản nói riêng và kinh tế cả nước nói chung. Xuất khẩu rau quả tăng liên tục trong thời gian dài, đặc biệt năm 2024, toàn ngành Nông nghiệp xuất khẩu trên 62 tỷ USD.

Hầu hết các thị trường lớn, thị trường chính doanh nghiệp Việt Nam đều vượt qua các rào cản thương mại; chất lượng xuất khẩu được cải thiện rất lớn, trái cây Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại nhiều thị trường… đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu xuất khẩu rau quả.

Chất lượng sản phẩm rau quả Việt Nam ngày càng được nâng cao, được nhiều thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, ngành rau quả cần tập trung khắc phục các hạn chế về liên kết sản xuất – tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ chế biến.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, ngành rau quả cần tập trung khai thác thị trường nội địa, cung cấp các sản phẩm chất lượng, an toàn cho hơn 100 triệu người dân trong nước. Đối với Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cần làm tốt hơn nữa việc phát triển hội viên, tham gia tích cực vào xây dựng chính sách, đồng hành cùng các Bộ, ngành liên quan thực hiện đàm phán, mở rộng thị trường cho ngành hàng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho biết: Nhiệm kỳ V, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam đề ra 7 nhiệm vụ, trong đó tập trung làm tốt hơn nữa nhiệm vụ cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp; vai trò phản biện chính sách, phân tích dự báo thị trường, cũng như tạo điều kiện cho người sản xuất và doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết xây dựng chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ổn định, bền vững, nâng cao thế và lực của rau quả Việt Nam trên trường quốc tế...

Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa những ý nguyện, kiến nghị của doanh nghiệp đối với nhà nước trong vấn đề xây dựng, điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với tình hình mới. Qua đó giúp nhà sản xuất, doanh nghiệp thích ứng được với những biến động của thị trường... Vai trò cầu nối cũng đã được hiệp hội thực hiện xuyên xuốt và xem đây là hoạt động trọng tâm trong thời gian tới. 

Đại hội Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhiệm kỳ V (2024 -2029) đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 19 thành viên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ IV tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ V.

9 tháng xuất khẩu rau quả đạt gần 5,7 tỷ đô la Mỹ
Mới đây, Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố thông tin về kim ngạch xuất khẩu rau quả đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 5,7 tỷ USD, trong đó sầu riêng đạt giá trị 2,5 tỷ USD.